Thanh Hóa: Cần dẹp bỏ những bãi đỗ, điểm kinh doanh dưới gầm cầu

Biến gầm cầu thành nơi kinh doanh, buôn bán, làm điểm trông giữ phương tiện trái quy định đã và đang tồn tại ở thành phố Thanh Hóa cần sớm được dẹp bỏ.

Theo ghi nhận của PV báo NB&CL, ngay dưới gầm cầu vượt QL 47 hướng TP Thanh Hóa trên đường đi TP Sầm Sơn được nhiều người dân tích hợp sử dụng làm quán nước giải khát và bãi đỗ xe cố định.

Cách đó không xa là khu phía dưới chân cầu vượt Phú Sơn, phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa cũng được người dân tận dụng làm quán nước giải khát, bãi trông giữ xe khi chưa được các cơ quan chức năng cấp phép.

Được biết, những hàng quán này mở tự phát tại hai khu vực trên đã diễn ra trong khoảng thời gian dài. Các gầm cầu vượt đã được "hô biến" thành nơi trông, giữ các loại xe ô tô đậu, điểm trung chuyển hàng hóa.

Theo Khoản 3 Điều 1 Thông tư 35/2017/TT-BGTVT được ban hành ngày ngày 09 tháng 10 năm 2017 thì gầm cầu đường bộ không được sử dụng làm bãi đỗ xe. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn ngó lơ dù biết không được phép kinh doanh.

Khoảng đất rộng dưới gầm cầu được người dân sử dụng bán hàng nước giải khát

Hàng quán bày bán kín khoảng đất gầm cầu

Quán nước kinh doanh gầm cầu được nhiều người qua đường trú chân tránh nắng

Theo Khoản 7 Điều 1 Nghị định 124/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định; Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định.

Từ hàng nước tới bãi đỗ xe ngay sát gầm cầu

Việc lập các điểm trông giữ xe dưới gầm cầu là hoàn toàn trái các quy định của Nhà nước, đó là chưa kể đến nguy cơ cháy, nổ sẽ ảnh hưởng đến kết cấu dầm cầu, nguy cơ sập cầu.

Bãi xe gầm cầu đã kín hết các loại xe

Theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, hoạt động kinh doanh dịch vụ, điểm dừng xe, bến xe gây mất an toàn công trình cầu, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường.

Gầm cầu nằm trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông theo quy định tại Điều 52 Luật Giao thông đường bộ. Việc chiếm dụng gầm cầu để trông, giữ xe sẽ ảnh hưởng đến an toàn công trình và an toàn giao thông do thiết kế công trình, hạng mục công trình này không có mục đích trông giữ, giữ xe dưới gầm cầu.

Ngoài ra, việc chiếm dụng gầm cầu làm nơi trông, giữ xe ít nhiều ảnh hưởng đến công tác phòng chống cháy nổ do khoảng không dưới gầm cầu bị chiếm dụng sẽ cản trở cho phương tiện cứu hộ, cứu nạn, phương tiện chữa cháy khi xảy ra sự cố, hỏa hoạn dưới gầm cầu. Mặt khác, do khoảng không dưới gầm cầu bị chiếm dụng sẽ gây một số khó khăn nhất định khi thực hiện bảo trì công trình cầu.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thanh-hoa-can-dep-bo-nhung-bai-do-diem-kinh-doanh-duoi-gam-cau-post96348.html