Thanh Hóa: Chấm dứt vĩnh viễn trại lợn gây ô nhiễm nếu không khắc phục

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết đã chỉ đạo cơ quan chức năng quyết liệt xử lý trang trại chăn nuôi lợn gây ô nhiễm, nếu không khắc phục sẽ chấm dứt hoạt động vĩnh viễn.

Thời gian gần đây, hoạt động chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phát triển mạnh và tập trung chủ yếu tại các huyện miền núi như Lang Chánh, Như Xuân, Ngọc Lặc … Hàng chục trang trại có quy mô nuôi từ hàng chục nghìn con trên năm.

Bên cạnh những đóng góp vào phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, tình trạng ô nhiễm môi trường của một số trang trại chăn nuôi lợn gây nhiều hệ lụy, khiến người dân địa phương bức xúc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Cuối năm 2022, UBND tỉnh Thanh Hóa cho Công ty CP Đầu tư nông nghiệp Agri-Vina (Công ty Agri-Vina), thuê 37ha đất tại xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh (18ha xây dựng trang trại, 19ha trồng rừng sản xuất) để thực hiện dự án chăn nuôi lợn.

Trang trại chăn nuôi lợn Công ty Agri-Vina bị tỉnh Thanh Hóa yêu cầu dừng hoạt động từ 31/7 để xử lý vấn đề môi trường (Ảnh: X-C).

Trang trại chăn nuôi lợn Công ty Agri-Vina bị tỉnh Thanh Hóa yêu cầu dừng hoạt động từ 31/7 để xử lý vấn đề môi trường (Ảnh: X-C).

Gần đây, khi dự án đi vào hoạt động đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường (mùi hôi thối phát tán theo gió) gây ảnh hưởng tới đời sống và sinh hoạt của hàng trăm hộ dân xã Tân Phúc, thị trấn Lang Chánh...

Theo báo cáo của UBND huyện Lang Chánh, từ đầu tháng 4/2024 đến nay, trang trại chăn nuôi lợn này thường xuyên để xảy ra việc phát tán mùi hôi. Nhất là những ngày gần đây, sự việc trên diễn ra liên tục vào các khung giờ khoảng từ 23h và đến 7h sáng hôm sau.

Phòng Tài nguyên & Môi trường, UBND huyện Lang Chánh đã ban hành văn bản nhắc nhở và chỉ đạo Công ty Agri-Vina khẩn trương khắc phục nhưng doanh nghiệp vẫn chưa thể thực hiện được.

Đầu tháng 5/2024, Đoàn kiểm tra của Chi cục bảo vệ môi trường, sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lang Chánh, đại diện UBND thị trấn Lang Chánh và UBND xã Tân Phúc đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành công tác bảo vệ môi trường của trang trại này.

Thời điểm kiểm tra, trang trại đang nuôi 30.000 con lợn (18 chuồng), đã đầu tư xây dựng 39 dãy chuồng nuôi.

Khảo sát xung quanh trang trại cho thấy, có mùi hôi nhẹ phát sinh từ khu xử lý khí biogas (máy phát điện). Phía sau dãy chuồng nuôi, các lớp lưới chắn mùi có tình trạng hở, dòng khí thoát ra ngoài có mùi hôi nặng.

Kết quả kiểm tra xác định, việc phản ánh của UBND huyện Lang Chánh về hoạt động từ trang trại chăn nuôi lợn của Công ty Agri – Vina phát sinh mùi hôi, ảnh hưởng đến một số khu dân cư xung quanh trong thời gian gần đây là đúng.

Nguyên nhân do việc quản lý, vận hành máy phát điện sử dụng khí gas chưa đúng quy trình, dẫn đến khí này bị rò rỉ, thoát ra môi trường; lớp lưới chắn mùi hôi phía sau các dãy chuồng nuôi bị hở, không đảm bảo kín khít; việc sử dụng hóa chất, chế phẩm vi sinh để xử lý, giảm thiểu mùi hôi chuồng nuôi không đảm bảo liều lượng.

Đoàn kiểm tra yêu cầu doanh nghiệp hoàn thành việc cải tạo công trình xử lý mùi trước ngày 20/5/2024.

Dù thừa nhận việc gây ô nhiễm, nhiều lần hứa hẹn khắc phục nhưng Công ty Agri-Vina vẫn không ngăn chặn, xử lý được tình trạng gây ô nhiễm môi trường, tiếp tục gây ảnh hưởng tới đời sống nhân dân. Có thời điểm, người dân phải đóng kín cửa để hạn chế mùi hôi thối từ trang trại chăn nuôi lợn lan trong không khí.

Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đi kiểm tra trại chăn nuôi lợn của Công ty Agri-Vina (Ảnh: X-C).

Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đi kiểm tra trại chăn nuôi lợn của Công ty Agri-Vina (Ảnh: X-C).

Đỉnh điểm, cuối tháng 6/2024, gần 100 người dân địa phương đã tập trung trước cổng của Công ty Agri-Vina tại xã Tân Phúc để phản đối doanh nghiệp chăn nuôi lợn gây ô nhiễm môi trường. Sự việc tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự.

Chiều 2/7, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cùng lãnh đạo các sở, ngành và chính quyền địa phương huyện Lang Chánh trực tiếp đi kiểm tra hiện trường việc chăn nuôi lợn của Công ty Agri-Vina.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định, hoạt động của trang trại thời gian qua đã gây ảnh hưởng đến đời sống người dân, có nguy cơ gây mất an ninh trật tự do việc kiểm soát môi trường chưa đảm bảo. Yêu cầu, đình chỉ hoạt động Trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao tại xã Tân Phúc của Công ty Agri-Vina từ ngày 31/7 và rà soát lại toàn bộ các nguồn phát sinh mùi hôi để có phương án xử lý, điều chỉnh biện pháp xử lý phù hợp.

Hình ảnh nhìn từ trên cao trang trại chăn nuôi lợn Công ty CP chăn nuôi Tâm Việt tại xã Bãi Trành (Ảnh: X-C).

Hình ảnh nhìn từ trên cao trang trại chăn nuôi lợn Công ty CP chăn nuôi Tâm Việt tại xã Bãi Trành (Ảnh: X-C).

Gần đây, Khe Sào đoạn suối chảy từ địa phận xã Bãi Trành, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa xuống xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An chuyển màu đen, bốc mùi hôi thối chất thải của lợn. Dọc Khe Sào xảy ra hiện tượng cá tự nhiên bị chết.

Theo người dân địa phương, Khe Sao bị ô nhiễm, cá chết là do nước thải từ trang trại chăn nuôi lợn của Công ty CP chăn nuôi Tâm Việt đóng tại địa phận xã Bãi Trành.

Trong 2 ngày (4-5/7), hàng chục người dân xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn đã tập trung trước công Công ty CP chăn nuôi Tâm Việt để phản đối, yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân Khe Sào bị ô nhiễm, gây ra tình trạng cá chết.

Chi cục Bảo vệ môi trường, thuộc Sở TN&MT Thanh Hóa phối hợp với UBND huyện Như Xuân, UBND huyện Nghĩa Đàn và đại diện người dân địa phương tiến hành kiểm tra khu vực Khe Sào và Trang trại chăn nuôi lợn của Công ty CP chăn nuôi Tâm Việt.

Khe Sào đoạn qua địa bàn xã Bãi Trành, huyện Như Xuân chảy xuống xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn bị ô nhiễm (Ảnh: X-C).

Khe Sào đoạn qua địa bàn xã Bãi Trành, huyện Như Xuân chảy xuống xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn bị ô nhiễm (Ảnh: X-C).

Cá tự nhiên trên Khe Sao bị chết do nghi nước bị ô nhiễm (Ảnh: X-C).

Cá tự nhiên trên Khe Sao bị chết do nghi nước bị ô nhiễm (Ảnh: X-C).

Lực lượng chức năng ghi nhận, nước thải trong trang trại sau khi xử lý được thải ra hồ chứa, nhưng hồ chứa không lót bạt thành và đáy hồ, tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ nước thải từ ao sinh học ra môi trường. Thời điểm kiểm tra cũng không phát hiện trang trại lắp đường ống, hoặc các đường thải khác để xả nước thải ra môi trường.

Tại Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 vừa diễn ra, một số cử tri nêu ý kiến về tình trạng các trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn gây ô nhiễm, khiến người dân địa phương bức xúc.

Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, những năm qua, địa phương đã xác định không chấp thuận chủ trương đầu tư đối với những dự án có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường.

Đối với những dự án đã được chấp thuận đầu tư từ nhiều năm trước, nhưng quá trình hoạt động gây ô nhiễm môi trường cũng phải xử lý dứt điểm.

Đối với trang trại chăn nuôi của Công ty Agri – Vina tại huyện Lang Chánh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho hay, Tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương cần có biện pháp quyết liệt, đồng thời yêu cầu dừng ngay việc chăn nuôi lợn tại trang trại. Địa phương sẽ cho dừng đến khi nào trang trại không còn ô nhiễm mới được phép nuôi trở lại, nếu không sẽ cho chấm dứt vĩnh viễn.

Phạm Xuân Chinh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thanh-hoa-cham-dut-vinh-vien-trai-lon-gay-o-nhiem-neu-khong-khac-phuc-204240713160246676.htm