Thanh Hóa chủ động ứng phó với bão Goni
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa vừa có công điện gửi các huyện, thị xã, thành phố và các ngành về việc triển khai chủ động ứng phó với các diễn biến của bão Goni.
Vị trí và đường đi của bão số Goni. (Nguồn: vndms)
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, siêu bão Goni đang hoạt động phía Đông Philippin, dự báo di chuyển nhanh.
Để chủ động ứng phó với bão, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và TKCN các huyện, thị xã, thành phố và các ngành thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền. Hướng dẫn bảo đảm an toàn cho người và tài sản, khách du lịch ven biển; lồng bè, các khu nuôi trồng thủy sản và bảo vệ công trình ven bờ.
Tiếp tục rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ đập có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn. Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, các bến đò, khu vực đường bị ngập, đã, đang và có nguy cơ xảy ra sạt lở.
Chủ động tổ chức vận hành, điều tiết bảo đảm an toàn các hồ đập thủy lợi, thủy điện, đối với các hồ đập xung yếu cần chủ động hạ thấp mực nước để bảo đảm an toàn; phân công cụ thể, bố trí lực lượng thường trực tại các hồ chứa đã đầy nước, hồ chứa có nguy cơ mất an toàn để kịp thời xử lý khi có tình huống; triển khai công tác bảo đảm an toàn đê điều, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu; chủ động tiêu thoát nước đệm phòng, chống úng ngập, triển khai các phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả của bão, lũ; huy động mọi nguồn lực nhanh chóng khắc phục hư hỏng trên các tuyến giao thông.
Tăng cường dự báo, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là truyền thông cơ sở, thường xuyên liên tục cung cấp tình trạng diễn biến mưa lớn, ngập lụt, các phương án ứng phó để người dân biết và phối hợp với chính quyền địa phương chủ động trong phòng, tránh.
Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh.