Thanh Hóa chuyển dịch cơ cấu cây trồng đưa nông nghiệp phát triển

Tỉnh Thanh Hóa đã và đang tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất để thay thế những diện tích trồng lúa kém hiệu quả.

Tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện đề án "Chuyển đổi đất trồng lúa năng suất, hiệu quả thấp sang các loại cây trồng khác". Ảnh minh họa: TTXVN

Tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện đề án "Chuyển đổi đất trồng lúa năng suất, hiệu quả thấp sang các loại cây trồng khác". Ảnh minh họa: TTXVN

Để khai thác tốt tiềm năng thế mạnh, tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp của địa phương đi lên, ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã và đang tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất để thay thế những diện tích trồng lúa kém hiệu quả. Qua đó, góp phần gia tăng giá trị canh tác, từng bước cải thiện, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Thực hiện đề án "Chuyển đổi đất trồng lúa năng suất, hiệu quả thấp sang các loại cây trồng khác", giai đoạn 2016 - 2020, huyện Triệu Sơn đã chuyển đổi được 2.038 ha diện tích đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác; trong đó, tập trung vào các loại cây trồng như: cây ăn quả, hoa, cây cảnh, rau màu, cây thức ăn chăn nuôi...
Để hoàn thành kế hoạch đến cuối năm 2020 sẽ chuyển đổi được 2.350 ha cây trồng, huyện Triệu Sơn đang tiếp tục khuyến khích các xã gắn thực hiện Đề án chuyển đổi đất trồng lúa năng suất, hiệu quả thấp với Nghị quyết 13/NQ-TU năm 2019 của Ban chấp hàng Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về tích tụ, tập trung đất đai để tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa quy mô lớn.
Tại thôn Diễn Thành, xã Hợp Thành, huyện Triệu Sơn trước đây là đất 2 lúa, nhưng do khô hạn, thiếu nước, sản xuất khó khăn nên hầu hết các hộ nông dân bỏ ruộng nhiều năm. Từ năm 2016, được xã vận động, một số hộ dân trong thôn đã chuyển đổi được hơn 10 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả như cam, bưởi diễn...
Do được cải tạo đất đai, kết hợp với chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên cây trồng phát triển khá tốt, bước đầu cho giá trị từ 300- 400 triệu đồng/ ha. Từ nay đến cuối năm 2020, xã Hợp Thành đang có kế hoạch chuyển đổi 30 ha đất lúa kém hiệu quả còn lại sang trồng cây ăn quả, cây giống, hoa các loại.
Tại xã Hợp Lý (Triệu Sơn), từ 2016 đến nay, xã đã chuyển đổi được hơn 60 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh, cho thu nhập bình quân 500 triệu đồng/ha/năm. Anh Lê Viết Lợi, thôn Đông Thành, xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết, trước đây, kinh tế gia đình phụ thuộc vào mấy sào lúa, nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao.
Thực hiện chủ trương của xã trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình đã chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây quất, đào, cây ăn quả. Đến nay, hiệu quả mang lại từ trồng cây cảnh mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 3,4 lần cho các hộ gia đình trong thôn.
Xã Cẩm Quý trước đây là một trong số những xã đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Cẩm Thủy. Nhờ chuyển đổi từ cây nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng bí xanh (bí đao) đã giúp nhiều hộ dân nơi đây thoát nghèo thành công.
Là người tiên phong trong việc đưa cây bí xanh vào trồng thay thế cây lúa trên diện tích sản xuất nông nghiệp khó khăn về nước tưới, ông Cao Ngọc Nguyên, thôn Chí Thanh, xã Cẩm Quý cho biết, năm 2015, được sự vận động của chính quyền địa phương, gia đình ông đã chuyển đổi 2 sào đất trồng lúa sang trồng bí xanh.
Sau 2 vụ, nhận thấy cây bí xanh phù hợp với điều kiện canh tác, đạt năng suất cao, thị trường tiêu thụ thuận lợi và ổn định, nên ông đã mạnh dạn thuê, mượn đất của nhiều hộ lân cận để phát triển mô hình trồng bí xanh.
Đến nay, diện tích trồng bí xanh của gia đình ông đã mở rộng lên 1 ha. Với năng suất bình quân đạt 1,5 tấn quả/sào/vụ, mỗi vụ gia đình ông thu hoạch khoảng 30 tấn quả, doanh thu đạt 300 triệu đồng/ha/vụ, lãi bình quân từ 100-120 triệu đồng/ha/vụ.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây bí xanh, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Cẩm Quý đã chủ động chuyển đổi và mở rộng diện tích trồng. Xã hiện có hơn 100 hộ phát triển mô hình trồng bí xanh, với tổng diện tích hơn 20 ha, trừ chi phí trung bình mỗi hộ trồng bí lãi từ 30-40 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Văn Tuyết, Chủ tịch Hội nông dân xã Cẩm Quý, huyện Cẩm Thủy cho biết, để các cánh đồng trồng bí xanh trên địa bàn xã phát triển theo hướng bền vững, UBND xã Cẩm Quý đang tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tận dụng diện tích vườn tạp, đất cấy 1 vụ lúa thường xuyên bị hạn, năng suất thấp chuyển sang trồng bí xanh. Xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ thuật canh tác cho bà con nông dân.
Bên cạnh đó, xã phối hợp với các ngành chức năng chủ động kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh sản phẩm nông nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã chuyển đổi linh hoạt được 20.507 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác đạt hiệu quả kinh tế cao hơn; trong đó, chuyển sang trồng cây hàng năm là 11.801 ha, chuyển sang trồng cây lâu năm là 2.468 ha.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã chuyển đổi linh hoạt được 5.920 ha đất trồng lúa sang trồng các loại cây khác đạt giá trị cao hơn. Thông qua việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, toàn tỉnh đã xây dựng được diện tích liên kết sản xuất và bao tiêu các sản phẩm trồng trọt theo vùng tập trung 67.761 ha/năm…/.

Khiếu Tư/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thanh-hoa-chuyen-dich-co-cau-cay-trong-dua-nong-nghiep-phat-trien/178096.html