Thanh Hóa công bố tình huống khẩn cấp sạt lở núi Pha Kham

Trước diễn biến bất thường, phức tạp của thời tiết, nguy cơ tiếp tục sạt lở tại khu vực núi Pha Kham là rất cao, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của hơn 600 người, công trình, tài sản của nhân dân.

Núi Pha Kham bị sạt lở nghiêm trọng. (Nguồn: Báo Thanh Hóa)

Núi Pha Kham bị sạt lở nghiêm trọng. (Nguồn: Báo Thanh Hóa)

Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã công bố tình huống khẩn cấp sạt lở núi Pha Kham tại bản Hạ, xã Sơn Hà, huyện Quan Sơn.

Trước diễn biến bất thường, phức tạp của thời tiết, nguy cơ tiếp tục sạt lở tại khu vực trên là rất cao, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của hơn 600 người, công trình, tài sản của nhân dân.

Do đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa giao Ủy ban Nhân dân huyện Quan Sơn triển khai ngay các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho người và tài sản; theo dõi chặt chẽ diễn biến của sạt lở và báo cáo kịp thời khi có tình huống nguy hiểm xảy ra.

Đồng thời, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, khoanh vùng, lập rào chắn, cử người canh gác 24/24 giờ tại khu vực bị ảnh hưởng của sạt lở, không để người, phương tiện đi vào các khu vực nêu trên.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa giao Ủy ban Nhân dân huyện Quan Sơn khẩn trương xây dựng, phê duyệt và triển khai trên thực tế phương án ứng phó theo đúng quy định, nhằm đảm bảo an toàn cho người, tài sản theo phương châm “4 tại chỗ,” nhất là di dời người dân khi có tình huống xảy ra; gia cố phù hợp để hạn chế sự phát triển của sạt lở.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa cũng giao các Sở Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn có trách nhiệm phối hợp, hướng dẫn Ủy ban Nhân dân huyện Quan Sơn tổ chức thực hiện đảm bảo theo quy định.

Về lâu dài, Ủy ban Nhân dân huyện Quan Sơn khảo sát, đánh giá cụ thể về nguyên nhân, phạm vi, quy mô, mức độ sạt lở, hư hỏng cơ sở hạ tầng do sạt lở gây ra.

Trên cơ sở đó, huyện xác định giải pháp xử lý phù hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bố trí kinh phí để đầu tư và triển khai thực hiện, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

Hiện tượng sạt lở núi Pha Kham (bản Hạ, xã Sơn Hà, huyện Quan Sơn) đã xuất hiện từ năm 2021, làm ảnh hưởng đến Nhà văn hóa xã Sơn Hà.

Tiếp đó, trong các năm 2022-2023, tình trạng sạt lở tiếp tục nghiêm trọng hơn, làm hư hỏng, sập đổ hoàn toàn tường kè chắn chân mái taluy, phòng học, nhà vệ sinh của Trường Tiểu học Sơn Hà.

Năm 2024, ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài sau bão số 3, số 4 đã làm đất đá phần mái dốc, taluy chân núi Pha Kham tiếp tục bị sạt lở với chiều dài khoảng 60m, chiều cao hơn 20m, làm vùi lấp, sập đổ hoàn toàn khu nhà vệ sinh, bể nước và tràn vào khu vực sân của Trường Trung học cơ sở Sơn Hà.

Đất đá còn tràn xuống đến tường phía sau nhà văn hóa trong khuôn viên công sở xã Sơn Hà.

Phần mái dốc và taluy chân núi Pha Kham (phía sau cụm công trình Trường Mầm non Sơn Hà, Trường Tiểu học Sơn Hà, Trường Trung học cơ sở Sơn Hà, công sở và nhà văn hóa xã Sơn Hà) còn xuất hiện các vết nứt, khối đá mồ côi, tảng lăn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/thanh-hoa-cong-bo-tinh-huong-khan-cap-sat-lo-nui-pha-kham-post986882.vnp