Thanh Hóa dẫn đầu về tỷ lệ người lao động tự phát về quê, khoảng 175.700 nghìn người

Theo báo cáo nhanh của các địa phương, sau khi một số địa phương ngưng giãn cách xã hội, khoảng 686.000 người đã trở về từ vùng dịch. Trong đó, Thanh Hóa có số lượng người lao động tự phát về quê cao nhất, với 175.700 nghìn người.

Gần 700.000 người trở về quê

Trong 2 năm qua, đại dịch đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống - xã hội Việt Nam. Đặc biệt, trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 được đánh giá là nghiêm trọng nhất, với hàng triệu người lao động bị ảnh hưởng về việc làm, thu nhập.

Theo báo cáo nhanh của các địa phương, sau khi một số địa phương ngưng giãn cách xã hội, khoảng 686.000 người đã trở về từ vùng dịch.

Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công luận, ông Lưu Quang Tuấn, Phó Viện trưởng, Viện Lao động Xã hội Việt Nam cho biết: Năm 2021, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến 9,1 triệu lao động trong quý 1/2021, 12,8 triệu lao động trong quý 2/2021 và 17 triệu lao động trong quý 3/2021.

Làn sóng COVID-19 lần thứ tư đã làm nhiều lao động bị mất việc làm, không có thu nhập để trang trải cuộc sống, trong đó có lao động ngoại tỉnh. Do không có việc làm, thu nhập, cộng với tâm lý e ngại sợ nhiễm bệnh, nên nhiều lao động ngoại tỉnh đã rời thành phố về quê vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2021.

Theo báo cáo nhanh của các địa phương, khoảng 686.000 lao động trở về từ vùng dịch. Trong đó, Thanh Hóa có số lượng người về quê tự phát cao nhất cả nước, với 175.700 người, tiếp đến là Đắk Lắk với 75.000 người, Sóc Trăng với 50.700 người, Nam Định là 39.000 người, Sơn La 36.100 người,...

“Đại dịch COVID-19 gây ra làn sóng di chuyển lao động tự phát về quê, tạo ra nguy cơ mất cân đối cục bộ cung-cầu lao động. Lao động trở về đặt ra những khó khăn về giải quyết việc làm và đảm bảo về y tế ở địa phương nơi về. Ngược lại, cũng làm cho doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố lớn gặp khó khăn về thiếu hụt lao động khi phục hồi sản xuất kinh doanh”, ông Tuấn nói.

Cần tạo việc làm cho người lao động hồi hương

Trước áp lực của hàng trăm nghìn người đổ về quê sau dịch, một số chuyên gia cho cho rằng, các địa phương cần tạo điều kiện cho người lao động hồi hương việc làm mới, nhằm ổn định tình hình an sinh xã hội. Trong đó, ưu tiên giới thiệu việc làm phù hợp với năng lực, hoặc hỗ trợ dạy nghề mới, giúp người lao động có việc làm tại quê hương.

Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIV nhận xét, hàng triệu người lao động hồi hương sẽ xảy ra nghịch lý là nơi sẽ thiếu lao động, nơi thừa lao động. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp, đến nguồn cung lao động và thị trường lao động mất cân đối cục bộ.

Trước hiện tượng này, ông Lợi cho rằng, Chính phủ cùng các địa phương phải tính toán và đưa ra giải pháp để cân bằng mối cung cầu về lao động này.

“Kết nối cung - cầu lao động chính là giúp cho thị trường lao động vận hành và hỗ trợ cho chính sách đào tạo và kích thích nhu cầu học nghề và học chuyên môn phù hợp với yêu cầu của thị trường”, ông Lợi chia sẻ thêm.

Đồng tình với nhận định này, ông Lưu Quang Tuấn chia sẻ: Ngay từ thời điểm đầu xuất hiện đại dịch, Việt Nam đã có rất nhiều chính sách an sinh xã hội chưa từng có tiền lệ.

Đơn cử như vào năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42, hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt là 35.880 tỷ đồng để hỗ trợ cho 20 triệu người.

Tuy vậy, công tác chi trả đã gặp khó khăn, lý do chủ yếu là công tác quản lý đối tượng còn lạc hậu, không đủ thông tin về đối tượng. Đến hết năm 2020, đã có 13,2 triệu đối tượng được nhận trợ cấp tiền mặt với tổng kinh phí từ ngân sách nhà nước là gần 13.096,5 tỷ đồng.

Đến tháng 7/2021, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 68, gồm 12 chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị tác động bởi đại dịch COVID-19.

Mới đây nhất, vào tháng 9/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 116, về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Ông Tuấn đánh giá, các giải pháp về cơ bản đã hỗ trợ được nhiều đối tượng lao động phải chịu tác động xấu bởi đại dịch. Tuy nhiên, quy mô các gói hỗ trợ của Chính phủ còn nhỏ, điều kiện để nhận hỗ trợ còn quá chặt chẽ.

Quá trình tổ chức thực hiện, do công tác quản lý lao động còn hạn chế nên các địa phương gặp khó khăn trong xác định đối tượng và thực hiện chi trả đối với lao động tự do.

“Các địa phương còn chưa chủ động về kinh phí hỗ trợ; cơ chế phân bổ ngân sách giữa trung Trung ương và địa phương đã cải thiện nhưng vẫn tạo gánh nặng cho địa phương trong quá trình thực hiện, đặc biệt đối với các tỉnh nghèo”, Phó Viện trưởng, Viện Lao động Xã hội Việt Nam nói.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thanh-hoa-dan-dau-ve-ty-le-nguoi-lao-dong-tu-phat-ve-que-khoang-175700-nghin-nguoi-post170189.html