Thanh Hóa: Đầu năm du lịch khởi sắc

Thời tiết thuận lợi trong dịp nghỉ Tết năm nay nên lượng khách đến các khu, điểm du lịch tại Thanh Hóa tăng cao, mang lại doanh thu du lịch khoảng hơn 600 tỷ đồng, tăng 51,2% so với cùng kỳ dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023...

Du khách tăng cao tại Lễ hội đền Nưa - Am Tiên, huyện Triệu Sơn (tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: Nguyễn Chung.

Du khách tăng cao tại Lễ hội đền Nưa - Am Tiên, huyện Triệu Sơn (tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: Nguyễn Chung.

Đây được xem là điềm lành, tín hiệu vui cho ngành “công nghiệp không khói” của xứ Thanh trong bối cảnh tình hình kinh tế năm nay được dự báo sẽ còn gặp khó khăn.

Lượng du khách tăng cao

Tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (huyện Thọ Xuân), lượng du khách tăng gấp nhiều lần so với ngày thường. Người dân từ các nơi đến tham quan trong những ngày đầu năm mới để dâng hương cho các bậc tiền nhân, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa và cầu mong cho riêng mình có một năm may mắn, tài lộc, gia đình hạnh phúc...

Ông Vũ Đình Sỹ - Trưởng ban quản lý Khu di tích lịch sử Lam Kinh cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi cho người dân, du khách du xuân, thưởng ngoạn, tìm hiểu về những công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc gắn với một giai đoạn lịch sử trọng đại của dân tộc. Để đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân địa phương và du khách đến tham quan, vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Ban quản lý Khu di tích lịch sử Lam Kinh miễn phí vé tham quan từ ngày 1 đến 4 tháng Giêng. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức nhiều hoạt động tại khuôn viên di tích, như: Viết câu đối, cho chữ đầu xuân tại đền thờ vua Lê Thái Tổ; trưng bày triển lãm ảnh; Lễ hội khai Xuân (ngày 4 tháng Giêng); Lễ hội Trung túc vương Lê Lai với các trò chơi, trò diễn dân gian, lễ hội rước kiệu (ngày 8 tháng Giêng). Đồng thời, ban quản lý sẽ bố trí xe điện phục vụ người dân và du khách, có hướng dẫn viên thuyết minh giới thiệu tại di tích.

Ông Lê Văn Hưng - một du khách đến từ thôn 3, xã Vạn Thắng (huyện Nông Cống) cho biết, đã thành lệ, cứ đến mùng 9 tháng Giêng, ông lại cùng gia đình lên Lam Kinh để dâng hương các vị vua Lê và vãn cảnh trong khuôn viên của khu di tích. “Tôi có dịp kể cho con cháu nghe về lịch sử dựng và giữ nước của các thế hệ cha ông. Chính vì vậy mà các cháu rất háo hức và vui vẻ khi được tham gia những chuyến đi đầu năm mới như thế này” - ông Hưng chia sẻ.

Tại khu di tích Đền Bà Triệu (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc), từ ngày mùng 1 đến sáng mùng 3 Tết đón 7.000 lượt du khách về tham quan, vãn cảnh, dâng hương.

Nhiều kỳ vọng

Có thể thấy, trong dịp Tết Nguyên đán, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch ở khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa diễn ra khá sôi nổi, thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, nhiều đoàn khách quốc tế đã chọn một số khu nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái cộng đồng để đón Giao thừa và trải nghiệm văn hóa Tết cổ truyền. Các địa phương có trọng điểm du lịch văn hóa ghi nhận lượng khách tăng cao, doanh thu du lịch tăng trưởng khả quan.

Điển hình, một số địa phương thu hút lượng khách lớn như: TP Thanh Hóa đón khoảng 100.000 lượt khách; Khu Di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân) khoảng 40.000 lượt khách; Khu Di tích lịch sử thắng cảnh Cửa Đạt (Thường Xuân) khoảng 90.000 lượt khách; Di tích lịch sử và thắng cảnh Phủ Na (Như Thanh) khoảng 91.000 lượt khách; TP Sầm Sơn khoảng 65 nghìn lượt khách; Đền Sòng (thị xã Bỉm Sơn) khoảng 40.000 lượt khách; Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước) khoảng 4.000 lượt khách; Di sản văn hóa Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc) khoảng 4.500 lượt khách...

Theo một số doanh nghiệp lữ hành, lượng khách đặt tour và book dịch vụ du lịch đến Thanh Hóa có xu hướng tăng mạnh cho đến hết tháng Giêng.

Trong năm 2023 vừa qua, tổng số khách du lịch đến Thanh Hóa đạt gần 12,5 triệu lượt, tăng 13,1% so với năm 2022, đạt 104 % kế hoạch năm 2023. Thanh Hóa đặt mục tiêu đón 13,8 triệu lượt khách, tổng thu ước đạt 32.387 tỷ đồng trong năm 2024. Đây là con số không nhỏ trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi du lịch trong nước sẽ vẫn đối mặt những thách thức trong bức tranh khó khăn chung của du lịch toàn cầu. Tuy nhiên, chỉ trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (từ 29 tháng Chạp đến mùng 8 tháng Giêng) toàn tỉnh đón hơn 700.000 lượt khách, tăng 48,7% so với cùng kỳ dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Doanh thu du lịch khoảng 600 tỷ đồng. Đây được xem là tín hiệu hết sức khả quan và ngành du lịch Thanh Hóa hoàn toàn có thể kỳ vọng bởi nỗ lực của từng địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt là sự xuất hiện của nhà đầu tư mới, tầm cỡ tại Thanh Hóa với những dự án cao cấp sẽ được đi vào hoạt động trong năm nay, góp thêm cơ hội cho tỉnh tạo đà bứt phá mạnh mẽ.

Ông Phạm Nguyên Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa cho biết, năm 2024, các địa phương, khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đăng ký tổ chức 145 hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu. Trong đó, có 85 sự kiện văn hóa, 30 sự kiện thể thao và 30 sự kiện du lịch được tổ chức suốt 4 mùa. “Năm 2024 được dự báo sẽ có nhiều khó khăn thách thức với ngành du lịch của xứ Thanh nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra đầu năm mới, chúng tôi hi vọng ngành “công nghiệp không khói” của Thanh Hóa vẫn sẽ có nhiều khởi sắc so với năm 2023” - ông Hồng nói.

Nguyễn Chung

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thanh-hoa-dau-nam-du-lich-khoi-sac-10273444.html