Thanh Hóa: Đề xuất xây dựng Trung tâm giáo dục hòa nhập công lập
Ngoài phương án quản lý đồng bộ đối với các TT giáo dục hòa nhập tư thục, Sở GD&ĐT còn đề xuất xây dựng TT giáo dục hòa nhập công lập.
Hoạt động chưa đảm bảo quy định
Sau khi phối hợp với Sở Nội vụ, các đơn vị liên quan rà soát, kiểm tra, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã có báo cáo UBND tỉnh và trả lời báo GD&TĐ về tình hình hoạt động của các Trung tâm giáo dục hòa nhập trên địa bàn.
Theo Sở GD&ĐT, các tổ chức, trung tâm đã đi vào hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ, sàng lọc, chẩn trị, chăm sóc, phát triển giáo dục hòa nhập gần 10 năm trở lại đây do sự gia tăng của trẻ khuyết tật, đặc biệt là bệnh tự kỷ.
Hoạt động của các trung tâm đã góp phần chăm sóc giáo dục, hỗ trợ trẻ khuyết tật, đóng góp cho công tác đảm bảo an sinh xã hội, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh có con bị khuyết tật trong khi các Trung tâm giáo dục chuyên biệt công lập chưa có.
Nhiều trẻ tùy vào mức độ khuyết tật, phụ huynh gửi con học tập theo giờ tại Trung tâm, hoặc nhiều trẻ khuyết tật ở độ tuổi mầm non được phụ huynh đăng ký học bán trú giúp phụ huynh phần nào yên tâm công tác, lao động.
Tuy nhiên, hầu hết tất cả các trung tâm đang hoạt động trên danh nghĩa là công ty nhưng lại hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực liên quan đến người khuyết tật; chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động đúng chức năng.
Biển tên của trung tâm không đúng với hồ sơ và thực tế lĩnh vực hoạt động, hoạt động song song nhiều chức năng, giao thoa nhiều lĩnh vực; chưa chủ động xây dựng hoàn thiện đề án thành lập các loại hình trung tâm theo mục tiêu, nội dung hoạt động. Do đó, rất khó khăn trong công tác quản lý hành chính nhà nước và quản lý chuyên môn của các cơ quan chức năng liên quan.
Một số kỹ thuật, nội dung hoạt động tại trung tâm chưa được các cơ quan có chức năng thẩm định sự phù hợp, cấp phép cho hoạt động. Cơ sở vật chất đáp ứng điều kiện hoạt động chưa được các cơ quan chức năng kiểm tra, thẩm định mức độ đảm bảo với từng nội dung hoạt động.
Hướng đến thành lập Trung tâm giáo dục hòa nhập công lập
Báo cáo gửi UBND tỉnh, Sở GD&ĐT cũng cho biết, trong những năm qua, căn cứ vào văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đã chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp tập trung quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh; đã cử cán bộ, giáo viên tham gia tập huấn giáo dục hòa nhập do Bộ GD&ĐT triệu tập.
Hướng dẫn công tác giáo dục hòa nhập đối với phòng GD&ĐT và các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; quan tâm chăm lo quyền lợi của trẻ em, học sinh khuyết tật và chế độ cho đội ngũ giáo viên giáo dục hòa nhập cho trẻ em, học sinh khuyết tật.
Tuy nhiên, hiện nay hoạt động giáo dục hòa nhập do các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện có nhiều diễn biến, phức tạp; liên quan, giao thoa giữa nhiều ngành, lĩnh vực.
Chưa có đơn vị nào chính thức được cho phép thành lập và cho phép hoạt động giáo dục, dẫn đến việc quản lý nhà nước của Sở GD&ĐT và các địa phương theo Thông tư số 20/2022/TT-BGDĐT, ngày 28/12/2022 của Bộ GD&ĐT ban hành.
Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập đang còn nhiều hạn chế, bất cập; các đơn vị tư thục có hoạt động giáo dục hòa nhập nắm bắt, tiếp cận thông tư mới của Bộ chưa kịp thời nên chưa đảm bảo các quy định.
Từ thực tế trên, theo Sở GD&ĐT để có giải pháp quản lý đồng bộ các hoạt động, Sở đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan như: Giáo dục và Đào tạo; Lao động -Thương binh và Xã hội; Nội vụ; Y tế... và các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục kiểm tra, rà soát các hoạt động của doanh nghiệp về nội dung chăm sóc người khuyết tật; tham vấn, sàng lọc đánh giá, can thiệp sớm, trị liệu cho người chậm phát triển trí tuệ, ngôn ngữ, tự kỷ.
Đặc biệt, Sở GD&ĐT đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cho chủ trương để Sở phối hợp với các địa phương xây dựng đề án thí điểm thành lập 1 Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập công lập, góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội, chăm lo cho trẻ em, học sinh khuyết tật không thể tham gia học tập tại các cơ sở giáo dục mầm, phổ thông trên địa bàn tỉnh.
Sở GD&ĐT cùng các Phòng GD&ĐT sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động giáo dục hòa nhập trên địa bàn tỉnh và địa phương theo Thông tư số 20/2022/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT; chấn chỉnh, xử lý các vi phạm.
Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các doanh nghiệp tạm thời dừng việc tổ chức hoạt động giáo dục hòa nhập khi chưa đảm bảo quy định tại Thông tư số 20/2022/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT; tập trung chẩn trị, chăm sóc, phục hồi cho trẻ khuyết tật theo các nội dung được pháp luật cho phép.
Khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cho phép thành lập và cho phép hoạt động giáo dục; hoàn thành các thủ tục quy định lại các Quyết định số 998 và 999/QĐ-UBND, ngày 21/3/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh.
Trước đó, Báo GD&TĐ đăng tải 3 bài phản ánh liên quan đến tình trạng các Trung tâm giáo dục hòa nhập trên địa bàn đang trong tình trạng "thả trôi".
Các trung tâm dựng lên dưới dạng tự phát, không được cấp phép, một số hoạt động dưới dạng công ty, không có bất kỳ một đơn vị chức năng nào quản lý, giám sát. Rất nhiều cơ sở sử dụng giáo viên nhưng không được đào tạo đúng chuyên ngành.
Nhiều trung tâm đã hoạt động cả chục năm, nhưng đến nay chủ các cơ sở vẫn “mò mẫm” đi tìm hành lang pháp lý trong khi các Sở, ngành thì lúng túng.
Sau phản ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng đã giao Sở GD&ĐT chủ trì phối hợp Sở Nội vụ, các sở, ngành, đơn vị có liên quan và UBND TP Thanh Hóa xác minh, kịp thời có phương án giải quyết đảm bảo quy định của pháp luật hiện hành và phù hợp với tình hình thực tế.