Thanh Hóa: Gỡ nút thắt vật liệu, thủ tục để giữ vị trí top đầu giải ngân đầu tư công
Quý I/2025, Thanh Hóa đứng thứ 4 cả nước về giải ngân đầu tư công. Tuy nhiên, Sở Tài chính Thanh Hóa cho rằng để giữ được kết quả này là vấn đề nan giải.
Theo báo cáo của Sở Tài chính Thanh Hóa, tính đến ngày 31/3/2025, giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý đạt hơn 2.727 tỷ đồng, tương đương 19,2% so với kế hoạch đề ra. Với kết quả này, Thanh Hóa xếp thứ 4 trong 63 tỉnh, thành về tỷ lệ giải ngân.

Tính đến ngày 31/3/2025, giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý đã đạt hơn 2.727 tỷ đồng, tương đương 19,2% so với kế hoạch đề ra.
Một trong những đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao của tỉnh là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Thanh Hóa.
Giám đốc Ban, ông Ngô Đức Nam cho biết, đơn vị được giao kế hoạch giải ngân 87,597 tỷ đồng, đến nay đã thực hiện được 55,892 tỷ đồng, đạt 63,81%. Trong đó, dự án mở rộng Đại lộ Lê Lợi được bố trí 53,461 tỷ đồng đã giải ngân hết, Ban đang xin được bố trí thêm hơn 200 tỷ để tiếp tục triển khai.
Theo Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa, dù kết quả quý I/2025 tương đối khả quan, nhưng nhìn chung muốn giữ được kết quả này là một vấn đề nan giải. Đặc biệt là trong bối cảnh vẫn còn một số chủ đầu tư như Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế và Viện Nông nghiệp Thanh Hóa chưa thực hiện giải ngân.
"Đặc biệt, một số huyện, thị xã chưa thực sự tích cực trong công tác này, dẫn đến tình trạng nhiều dự án bị đình trệ dù đã khởi công", đại diện Sở Tài chính nhận định.

Giá loại đất san lấp công trình xây dựng hiện nay đã tăng từ 40.000 đồng lên 60.000 đồng/m3, gây khó khăn cho các nhà thầu.
Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho rằng, để đạt được mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2025, cần thiết phải giảm thiểu trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, đồng thời tháo gỡ những rào cản trong công tác bồi thường và hỗ trợ tái định cư.
"Thời gian thi công kéo dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ và giải ngân", ông Đoan nói và cho rằng, tình hình giá vật liệu xây dựng tăng cao, cát xây dựng, vốn là vật liệu quan trọng cho các công trình cũng đang trong tình trạng khan hiếm.
Theo thông tin từ một số đại lý vật liệu xây dựng trên địa bàn TP Thanh Hóa, giá cát hiện nay dao động từ 500.000 - 550.000 đồng/m3, tăng 200.000 - 250.0000 đồng/m3 so với đầu năm 2025.
Ông Lê Văn Toàn, người kinh doanh vận tải vật liệu xây dựng tại xã Đông Tiến, TP Thanh Hóa cho biết: "Giá đất san lấp công trình xây dựng đã tăng từ 40.000 đồng lên 60.000 đồng/m3. Đặc biệt, đất san lấp loại K đang vô cùng khan hiếm".
Theo Sở Tài chính Thanh Hóa, Tình trạng thiếu đất san lấp đang gây khó khăn cho các chủ đầu tư. Khả năng cung cấp vật liệu tại nhiều dự án vẫn chậm, bởi quy trình cấp phép cho các mỏ vẫn gặp vướng mắc.
Đại diện Sở Tài chính cho rằng, trong những tháng còn lại của năm, cần phải giải ngân hàng tháng với bình quân 1.276,7 tỷ đồng để đảm bảo hoàn thành kế hoạch vốn.
Theo ông Trịnh Huy Triều, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa, để tháo gỡ vướng mắc về thủ tục, Sở sẽ khẩn trương rà soát để đơn giản hóa các quy định, thủ tục hành chính, bảo đảm giảm ít nhất 30% thời gian xử lý; bãi bỏ 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết và 100% các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trên môi trường điện tử.
"Đối với các chủ đầu tư và địa phương chưa đạt tỷ lệ giải ngân mong muốn, cần nhanh chóng làm rõ nguyên nhân và khắc phục để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Mỗi hành động quyết liệt từ cả cá nhân lẫn tổ chức sẽ là chìa khóa giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện tại", ông Triều nói.