Tạo động lực mới, giải phóng nguồn lực kinh tế tư nhân
Thảo luận tại Tổ, các ĐBQH tán thành với việc xây dựng và ban hành nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân để tạo động lực mới, giải phóng nguồn lực của khu vực kinh tế này. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát, quy định cụ thể để triển khai nhanh chóng các nhiệm vụ, giải pháp được Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị đặt ra.
ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị):
Nên được áp dụng hồi tố có lợi
Tôi đồng tình với quy định tại Điều 4 về nguyên tắc thanh tra, kiểm tra, cấp phép. Tuy nhiên, đề nghị bổ sung trong quá trình thanh tra, kiểm tra Cơ quan nhà nước không yêu cầu doanh nghiệp xuất trình các loại giấy tờ do chính cơ quan nhà nước đó đã cấp, các loại giấy tờ đã được công bố hoặc đã được cập nhật trên các cơ sở dữ liệu quốc gia mà cơ quan đó có quyền truy cập. Điều này sẽ giúp thúc đẩy Chính phủ điện tử, cơ quan nhà nước buộc phải sử dụng các cơ sở dữ liệu điện tử, tránh tình trạng hiện nay là có nhiều giấy tờ đã điện tử hóa rồi nhưng cơ quan nhà nước vẫn "đòi" bản giấy.

ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) phát biểu tại phiên họp tổ, chiều 15/5
Đồng thời, đề nghị bổ sung trong quá trình thanh tra, kiểm tra, cấp phép, ngoài việc viện dẫn quy định của pháp luật, doanh nghiệp có quyền viện dẫn các trường hợp tương tự đã có kết luận trước đó của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để bảo vệ quyền lợi của mình. Nếu cơ quan nhà nước quyết định khác so với vụ việc trước đó thì phải giải thích rõ lý do. Điều này để tránh tùy tiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra, cấp phép.
Bên cạnh đó, tôi đồng tình áp dụng không hồi tố bất lợi nhưng cần bổ sung cho phép cơ quan nhà nước áp dụng hồi tố có lợi về trách nhiệm hành chính, hình sự. Bởi thực tế nhiều trường hợp pháp luật có quy định bất cập. Vì bất cập đó nên một số doanh nghiệp vi phạm. Sau đó, cơ quan nhà nước nhận thấy bất cập và điều chỉnh quy định theo hướng có lợi cho doanh nghiệp. Khi đó, những trường hợp doanh nghiệp vi phạm trước đó thì nên được áp dụng hồi tố có lợi.
Ngoài ra, tôi đề nghị bổ sung tăng cường áp dụng biện pháp bảo lãnh, cho tại ngoại trong tố tụng hình sự, chỉ trường hợp thật cần thiết mới áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam. Bởi rất nhiều vụ án, nếu cho tại ngoại thì họ có cơ hội để khắc phục thiệt hại hoặc tiếp tục điều hành công việc kinh doanh.
ĐBQH Khương Thị Mai (Nam Định):
Cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết

ĐBQH Khương Thị Mai (Nam Định) phát biểu tại phiên họp tổ, chiều 15/5. Ảnh: Hồ Long
Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân cần tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết số 68 -NQ/TW, có giải pháp để cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính. Ban soạn thảo cần rà soát các thủ tục hành chính không cần thiết. Cụ thể như việc chấp nhận chủ trương đầu tư đang mất rất nhiều thời gian, một dự án để được chấp nhận chủ trương đầu tư nhanh thì 1 năm; chậm thì 1,5 năm - 2 năm. Hay có thực tế, sau khi dự án được chấp nhận chủ trương đầu tư, doanh nghiệp điều chỉnh quy mô đầu tư hoặc tổng mức đầu tư trên 20% cũng phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư và thời gian này rất lâu. Vậy việc điều chỉnh chủ trương đầu tư có cần thiết hay không?
Một số thủ tục còn chồng chéo như điểm a, khoản 1, Điều 32, Luật Đầu tư năm 2020 quy định “dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp phải được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư”. Nhưng quy định tại khoản 1, Điều 31, Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp lại giao “Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cơ quan có thẩm quyền quy định dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp phù hợp với nội dung báo cáo thành lập cụm công nghiệp, không phải thực hiện đề xuất chủ trương đầu tư”. Như vậy hai nội dung này còn chồng chéo (theo Luật Đầu tư, xây dựng cụm công nghiệp phải có sự chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh; nhưng Nghị định 32/2024/NĐ-CP lại quy định Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát để trình cấp thẩm quyền không phải làm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư).
Nghị quyết số 68 -NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, nghĩa là 5 năm tới, chúng ta phải có thêm 1 triệu doanh nghiệp. Để đạt mục tiêu này, dự thảo Nghị quyết cần có các giải pháp cụ thể như cải thiện môi trường kinh doanh; các thủ tục thành lập doanh nghiệp phải thật sự thuận lợi. Đặc biệt, cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện mục tiêu này.
Tại Khoản 4, Điều 10, dự thảo Nghị quyết quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu, tôi đề nghị cần tăng thời gian miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lên 5 năm. Bởi lẽ, doanh nghiệp được chấp nhận chủ trương đầu tư đã mất 1 năm, xây dựng dự án đầu tư khoảng 2 năm, như vậy trong 3 năm, doanh nghiệp chỉ làm thủ tục, xây dựng, đưa dự án vào hoạt động, chứ chưa có doanh thu để miễn thuế.
ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương):
Quy định cụ thể để nâng cao chất lượng chính sách

ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) phát biểu tại Tổ, chiều 15/5. Ảnh: Hồ Long
Để thể chế hóa hiệu quả Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, tôi nhận thấy, các cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu để quy định những nội dung cụ thể hơn tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.
Đơn cử như, tại nhiệm vụ, giải pháp số 2.1 của Nghị quyết số 68 đã đặt mục tiêu cụ thể “năm 2025 thực hiện cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo”.
Khi góp ý cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, tôi đã nêu tình trạng, khi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh thì doanh nghiệp và Sở ngành đều vướng vì có những mã ngành nghề không còn, vì thế doanh nghiệp không hoạt động được. Để tháo gỡ vướng mắc này trong thực tiễn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia thị trường nhanh chóng, tôi đề nghị, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội cần có quy định mạnh mẽ theo hướng bỏ đăng ký ngành nghề kinh doanh. Điều này cũng sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vì có những mã ngành nghề ở các quốc gia khác mà ở nước ta chưa có.
Hay như, để thực hiện được giải pháp “có cơ chế, chính sách đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa” tại Nghị quyết số 68, tôi đề nghị, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội cần quy định rõ cấm các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp có xu hướng độc quyền thôn tính doanh nghiệp nhỏ và vừa, đổi mới sáng tạo mới thành lập. Những doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc đổi mới sáng tạo mới thành lập giống như những “đứa trẻ” mới ra đời, cần phải được nâng đỡ, chăm sóc.
ĐBQH Lại Văn Hoàn (Thái Bình):
Làm rõ trách nhiệm của người có thẩm quyền và chủ đầu tư
Tôi cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân để tạo điều kiện thuận lợi, tạo động lực mới, giải phóng nguồn lực, sức sản xuất của kinh tế tư nhân.

ĐBQH Lại Văn Hoàn (Thái Bình) phát biểu tại phiên họp tổ, chiều 15/5. Ảnh: Hồ Long
Tuy nhiên, cần rà soát những nội dung nào có thể triển khai được thì cần quy định cụ thể hơn trong dự thảo Nghị quyết còn những nội dung mang tính nguyên tắc thì chuyển sang các luật liên quan quy định.
Tại Điều 7 dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, khoản 4 quy định đối với khu công nghiệp, cụm công nghiệp thành lập mới sau ngày nghị quyết này có hiệu lực thi hành, UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế, xác định diện tích đất đối với từng khu công nghiệp, cụm công nghiệp bảo đảm bình quân tối thiểu 20ha/khu, cụm công nghiệp hoặc 5% tổng diện tích đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng để dành cho doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê, thuê lại.
Theo tôi, cần hoàn thiện nội dung này theo hướng phải quy định kỹ lưỡng hơn về cơ chế chính sách và kinh phí hỗ trợ hạ tầng cho khu công nghiệp để thuận lợi cho quá trình triển khai.
Điều 11 về ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, khoản 1 quy định gói thầu sử dụng ngân sách nhà nước có giá không quá 20 tỷ đồng được dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó ưu tiên doanh nghiệp do thanh niên, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật làm chủ, doanh nghiệp ở miền núi, biên giới, hải đảo. Tuy nhiên, quy định như vậy là chưa thống nhất với khoản 2 Điều 10 của Luật Đấu thầu năm 2023 là các ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu bao gồm “gói thầu xây lắp có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng được dành cho doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ tham dự thầu”.
Tôi cho rằng, cần làm rõ cơ sở của đề xuất gói thầu sử dụng ngân sách nhà nước có giá không quá 20 tỷ đồng tại dự thảo Nghị quyết; đồng thời, có dự báo tác động của chính sách này. Về đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu thực hiện dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, nên quy định rõ về trách nhiệm của người có thẩm quyền và chủ đầu tư khi được lựa chọn áp dụng một trong các hình thức đặt hàng hoặc đấu thầu hạn chế hoặc chỉ định thầu.