Thanh Hóa: Hàng nghìn tàu cá nằm bờ do giá nhiên liệu tăng

Giá nhiên liệu tăng liên tục, cộng với tác động của dịch COVID -19 khiến ngư dân tỉnh Thanh Hóa không mặn mà buông neo, ra khơi. Nhiều chủ tàu buộc phải nằm bờ do chi phí phát sinh quá lớn mà đánh bắt lại không thu lại được bao nhiêu.

Dù đã sang tháng 2 âm lịch nhưng ngư dân Trương Ngọc Châu (41 tuổi) trú đội 3, thôn Đại Long, Hoằng Thanh, Hoằng Hóa vẫn chưa ra khơi bám biển. Anh Châu cho biết: "Đánh bắt giờ này khó khăn lắm. Trước đi 1 chuyến hết có khoảng 400-500 nghìn tiền dầu, nay lên tới cả triệu bạc 1 đêm mà thu về chẳng là bao. Không đi thì nhớ nghề mà cũng chẳng có cái gì mà ăn".

Cũng theo anh Châu, xăng dầu tăng giá thì kéo theo hàng loạt các chi phí đầu vào tăng, mua gói mỳ, đồ ăn, đá lạnh… cũng lên theo. Tiền vay ngân hàng đóng tàu chưa trả hết được, ngồi nhà cũng nóng lòng lắm. Tuy nhiên ra khơi lại lỗ thì thà ở nhà vẫn hơn.

Hàng nghìn tàu cá nằm bờ do giá nhiên liệu tăng cao

Hàng nghìn tàu cá nằm bờ do giá nhiên liệu tăng cao

Tình trạng tàu nằm bờ cũng diễn ra tại thị xã Nghi Sơn, huyện Quảng Xương, TP. Sầm Sơn. Theo ghi nhận của phóng viên, đầu tháng 3/2022 tại TP Sầm Sơn, hiện có khoảng 1.000 phương tiện đang neo đậu tại các âu thuyền, cảng cá Lạch Hới chưa dám vươn khơi vì giá nhiên liệu tăng cao. Trên toàn địa bàn có 1.770 phương tiện các loại với 5.497 lao động đang sống dựa vào nghề đánh bắt. Giá hải sản thấp do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhà hàng, khách sạn không hoạt động nên ngư dân cũng không mặn mà. Hiện tại, dọc từ cảng cá Lạch Hới (thuộc phường Quảng Tiến) ra tới cửa biển rất nhiều tàu chưa dám ra khơi vì giá nhiên liệu vừa tăng vọt.

Theo ngư dân Nguyễn Văn Được (41 tuổi), trú phường Quảng Tiến, TP. Sầm Sơn thì, mỗi lần xuất bến khoảng 1 tuần, tàu này ngốn trên dưới 3.500 lít dầu diesel. Giá bán lẻ xăng dầu cao như thế thì khó mà trụ được.

Sản lượng đánh bắt sụt giảm ảnh hưởng tới sinh kế người dân

Sản lượng đánh bắt sụt giảm ảnh hưởng tới sinh kế người dân

Ông Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Lạch Hới, TP Sầm Sơn cho biết thêm: "Việc các phương tiện nằm bờ đã và đang gây sức ép lớn về thu nhập lên lên các chủ tàu, người lao động. Bởi, đa phần các chủ tàu để duy trì việc vươn khơi, đầu tư ngư lưới cụ… đều phải vay mượn của các ngân hàng".

Hoạt động đánh bắt thủy hải sản trên biển đình trệ dẫn đến tình trạng khan hiếm thủy hải sản tại các chợ dân sinh. Trong khi hải sản nuôi giá tăng cao, đắt đỏ, nhiều gian hàng kinh doanh thủy hải sản không mở bán.

Số lượng tàu vươn khơi thấp, chủ yếu đánh bắt gần bờ dẫn tới nguồn thủy hải sản đánh bắt tự nhiên khan hiếm.

Số lượng tàu vươn khơi thấp, chủ yếu đánh bắt gần bờ dẫn tới nguồn thủy hải sản đánh bắt tự nhiên khan hiếm.

Theo bà N., tiểu thương buôn bán hải sản tại chợ đầu mối rau quả thực phẩm Đông Hương, phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa, tàu thuyền không ra khơi dẫn đến nguồn hàng tươi sống tự nhiên từ biển khan hiếm, giá cao hơn dịp đầu năm. Ví như tôm thì không có tôm biển, phải lấy tôm nuôi từ các chủ đầm ở Nga Tân, Nga Sơn nhưng giá nhập đã rất cao so với thời điểm cùng kỳ năm trước. Ngày thường thì giá 1 kg tôm giao động từ 180.000 - 200.000 đồng/kg nhưng hôm nay phải lấy giá từ 220.000 - 250.000 đồng/kg. Tôm càng to giá càng cao, thậm chí có loại hơn 300.000/kg.

Thông tin từ Sở NN-PTNT Thanh Hóa được biết, trên địa bàn tỉnh có khoảng 6.700 tàu cá. Tính đến hết ngày 4/3, có 1.200 tàu cá không thường xuyên đi khai thác, chủ yếu là các tàu có công suất lớn chiều dài từ 15m trở lên. Nguyên nhân được xác định là do giá dầu và chi phí vật tư đầu vào tăng mạnh.

Ngọc Hưng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/thanh-hoa-hang-nghin-tau-ca-nam-bo-do-gia-nhien-lieu-tang-172220306194216101.htm