Thanh Hóa: Hơn 1.370 lao động bị 'chậm lương' sẽ đòi bằng cách nào?

5 doanh nghiệp tại Thanh Hóa bị nêu tên do chậm chi trả lương cho hơn 1.370 người lao động với tổng số tiền hơn 18,5 tỷ đồng.

5 doanh nghiệp bị nêu tên

Theo thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, tính đến ngày 14/2/2024 trên địa bàn tỉnh này có 5 doanh nghiệp "lớn" chưa giải quyết tiền lương cho 1.375 người lao động. Tổng số tiền lương các doanh nghiệp nợ người lao động là 18,57 tỷ đồng.

Cụ thể, Công ty TNHH FLC Golf and Resort, thành phố Sầm Sơn nợ lương từ tháng 9/2023 đến tháng 12/2023 của 789 người lao động với số tiền 7,52 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần tập đoàn Vinastone (huyện Hà Trung) nợ lương từ tháng 1/2023 đến nay của 118 người lao động với số tiền 5 tỷ đồng.

Bệnh viện Đa khoa Đại An (huyện Thiệu Hóa) nợ lương từ tháng 9/2023 đến tháng 12/2023 của 261 người lao động với số tiền 4 tỷ đồng.

Công ty Xi măng Công Thanh (thị xã Nghi Sơn) tạm dừng hoạt động từ đầu tháng 12/2022, nợ lương từ tháng 8/2022 của 200 người lao động với số tiền hơn 2 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần giáo dục Havina Thanh Hóa (thành phố Thanh Hóa) nợ lương tháng 12/2023 của 7 người lao động với số tiền 50 triệu đồng.

FLC Golf and Resort, thành phố Sầm Sơn.

FLC Golf and Resort, thành phố Sầm Sơn.

Cũng theo báo cáo, nguyên nhân dẫn đến việc các công ty nợ lương không trả hoặc chậm trả là do gặp các khó khăn như: tài chính, sản xuất kinh doanh kém, tạm dừng hoạt động... dẫn đến mất khả năng chi trả lương cho người lao động.

Trước đó, tháng 12/2023, sau khi có thông tin người lao động bị nợ lương, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa đã ban hành 2 văn bản về việc phối hợp giải quyết tình trạng nợ lương, hỗ trợ người lao động và không để tình trạng nợ lương người lao động.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố nắm chắc tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, việc chi trả lương cho người lao động, việc cắt giảm, cho thôi việc, nghỉ việc luân phiên, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động của các doanh nghiệp để có các giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, bảo đảm việc làm, thu nhập và ổn định đời sống cho người lao động.

Hiện nay, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức làm việc với doanh nghiệp nợ lương trên địa bàn quản lý, đôn đốc doanh nghiệp trả lương đầy đủ cho người lao động, đồng thời, báo cáo cấp có thẩm quyền các biện pháp xử lý đối với trường hợp cố tình nợ lương.

Người lao động "đòi" lương bằng cách nào?

Trước tình trạng nhiều người lao động bị chậm lương với số tiền lớn, Người Đưa Tin đã có trao đổi với Luật sư Lê Thiện, Giám đốc Công ty TNHH Luật Khang Lợi (Tp.Thanh Hóa) để làm rõ vấn đề trên.

Theo đó, Luật sư Lê Thiện cho biết, theo Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 quy định về kỳ hạn trả lương như sau: Người lao động hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần. Người lao động hưởng lương theo tháng được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần.

Thời điểm trả lương sẽ do hai bên thỏa thuận, và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ. Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.

Xi măng Công Thanh.

Xi măng Công Thanh.

Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.

Trong trường hợp trên, người lao động sau khi không được doanh nghiệp thanh toán tiền lương có thể gửi đơn khiếu nại đến chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương để được giải quyết.

Đồng thời, có thể gửi đơn đề nghị hòa giải viên lao động để giải quyết tranh chấp lao động trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày chậm trả lương theo quy định tại khoản 1, điều 190 Bộ luật Lao động 2019.

Trong trường hợp hòa giải không thành hoặc thành nhưng người sử dụng lao động không thực hiện hoặc hết thời hạn giải quyết thì người lao động có thể yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc tòa án giải quyết. Đồng thời chỉ giải quyết tranh chấp bằng Hội đồng trọng tài lao động khi cả hai bên đồng ý lựa chọn. Thời hiệu yêu cầu là 9 tháng kể từ ngày phát hiện ra quyền và lợi ích hợp pháp bị vi phạm.

Khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp, các bên không được đồng thời yêu cầu tòa án giải quyết. Thời hạn giải quyết là 30 ngày kể từ ngày Ban trọng tài lao động được thành lập. Trong đó, quyết định của Ban trọng tài lao động về việc giải quyết tranh chấp sẽ được gửi cho các bên. Trường hợp một bên không thi hành quyết định này thì bên còn lại có quyền yêu cầu tòa án giải quyết.

Luật sư Lê Thiện.

Luật sư Lê Thiện.

"Cuối cùng, nếu vẫn chưa thỏa đáng, người lao động khởi kiện ra tòa án nhân dân có thẩm quyền. Căn cứ tại khoản 1 Điều 188 Bộ luật lao động năm 2019, tranh chấp về tiền lương bắt buộc phải trải qua thủ tục hòa giải bởi Hòa giải viên Lao động, sau đó mới được khởi kiện tại Tòa án. Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp là 01 năm kể từ ngày phát hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm. Việc khởi kiện tranh chấp lao động tại tòa án được thực hiện bằng văn bản và theo quy trình tố tụng dân sự" Luật sư Thiện cho biết.

Nguyễn Hữu Phương

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thanh-hoa-hon-1370-lao-dong-bi-cham-luong-se-doi-bang-cach-nao-a650771.html