Thanh Hóa: Hơn 800m đường làm 7 năm chưa xong

Hơn 800m đường giao thông ở thành phố Thanh Hóa làm từ năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa xong, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

Ì ạch thi công hơn 800m đường

Dự án đường nối Khu công nghiệp Tây Bắc ga với đường vành đai phía Tây thành phố Thanh Hóa có chiều dài hơn 800m, được bố trí nguồn vốn gần 60 tỷ đồng nhưng xây dựng suốt 7 năm qua vẫn chưa xong.

Tuyến đường chỉ có hơn 800m làm từ năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa xong.

Tuyến đường chỉ có hơn 800m làm từ năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa xong.

Năm 2018, UBND tỉnh Thanh Hóa ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình dự án đường giao thông nối Khu công nghiệp Tây Bắc ga với đường vành đai phía Tây thành phố Thanh Hóa (từ mốc A2 đến mốc A4).

Theo hồ sơ, dự án này có tổng chiều dài hơn 833m đi qua địa phận phường Đông Lĩnh, thành phố Thanh Hóa. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 59 tỷ đồng do UBND thành phố Thanh Hóa làm chủ đầu tư.

Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ phần xây lắp không quá 45 tỷ đồng, phần kinh phí còn lại do UBND thành phố Thanh Hóa cân đối ngân sách thành phố và huy động các nguồn hợp pháp khác để thực hiện. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2018 và hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2020.

Tuy nhiên, đến các năm 2021, 2022 và 2023, trên cơ sở đề nghị của chủ đầu tư, UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ban hành các quyết định cho điều chỉnh thời gian thực hiện dự án. Trong đó, có quyết định số 387 phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình từ "năm 2018 - 2021" thành "hoàn thành năm 2023".

Thế nhưng mới đây, hồi tháng 3/2024, UBND thành phố Thanh Hóa lại tiếp tục xin điều chỉnh thời gian đến tháng 10/2024.

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, hiện công trường dự án không có máy móc, nhân công. Dọc tuyến đường vẫn còn đất mồ mả chưa được giải phóng hoàn toàn, nhiều đoạn chưa thảm bê tông nhựa, gồ ghề. Một số hạng mục như vỉa hè, rãnh thoát nước, điện chiếu sáng trơ trọi, hoen gỉ. Trên suốt chiều dài tuyến không có hệ thống cảnh báo, biện pháp bảo vệ công trình.

Dù là công trình đang trong thời gian thi công, nhưng người dân, phương tiện vẫn thường xuyên lưu thông, trong khi không có hệ thống cảnh báo tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

Phê bình chủ đầu tư

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Ngô Đức Nam, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng thành phố Thanh Hóa cho biết: Dự án chậm tiến độ là do vướng mặt bằng, trong đó phải di dời khoảng 400 ngôi mộ của các hộ dân. Tính đến nay, GPMB đã hoàn thành. Chủ đầu tư sẽ hoàn thiện khối lượng công việc còn lại và hoàn thành trong năm 2024.

Hiện nay, nhà thầu đã triển khai tổ chức thi công được chiều dài 570/833m đường, sản lượng công việc đạt 74% giá trị hợp đồng.

Theo chủ đầu tư, thời gian qua, do biến động, thay đổi đơn giá đền bù tài sản trên đất, cây cối hoa màu hằng năm nên đã làm tăng kinh phí đền bù GPMB.

Bên cạnh đó, dự án phải di chuyển khoảng 423 ngôi mộ cát táng và chưa cát táng thuộc khu vực đất nghĩa trang của thôn Thắng và thôn Lợi (phường Đông Lĩnh), việc di chuyển mộ của các hộ gia đình phụ thuộc theo phong tục truyền thống cũng kéo dài thời gian GPMB.

Để có thời gian thực hiện hoàn thành dự án, thành phố đề xuất UBND tỉnh Thanh Hóa cho điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến ngày 30/10/2024. Đồng thời, bổ sung chi phí cưỡng chế thu hồi đất từ nguồn chi phí GPMB và không làm tăng tổng mức đầu tư được duyệt của dự án.

Trước đó, ngày 13/3/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đã đi kiểm tra thực tế tiến độ dự án này. Ông Tuấn cho biết, đây là dự án có vai trò quan trọng trong việc kết nối Khu công nghiệp Tây Bắc ga với các vùng phụ cận, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư, khai thác hiệu quả và nâng cao giá trị quỹ đất theo quy hoạch dọc tuyến đường vành đai phía Tây thành phố Thanh Hóa, góp phần phát triển khu đô thị theo quy hoạch.

Tuy nhiên, đến nay sau 7 năm triển khai thực hiện, dự án vẫn chưa hoàn thành và đưa vào sử dụng. Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn phê bình thành phố Thanh Hóa, đồng thời đề nghị các đơn vị liên quan khẩn trương tập trung triển khai những phần việc còn lại theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Lý giải nguyên nhân chậm GPMB, ngoài việc phải di dời hàng trăm ngôi mộ, chủ đầu tư cho rằng, do dự án áp dụng một số chính sách đặc biệt về đền bù (dự án do doanh nghiệp trực tiếp đầu tư...) cao hơn khung giá đền bù của Nhà nước, gây nên sự mất công bằng về chính sách đền bù ở cùng một địa phương. Điều này dẫn tới thành phố đã phải thực hiện cưỡng chế kiểm đếm, thu hồi đất đối với 13 hộ, làm kéo dài thời gian GPMB.

Phúc Tuấn

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/thanh-hoa-hon-800m-duong-lam-7-nam-chua-xong-192240319084705925.htm