Thanh Hóa khắc ghi những hy sinh, cống hiến của giáo viên và học sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Hướng tới Kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng (ngày 3 và 4/4/1965-3 và 4/4/2025), thành phố Thanh Hóa cơ bản hoàn thành dự án Công viên tưởng niệm các giáo viên và học sinh hy sinh trên công trường đắp đê sông Mã trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nay thuộc phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa.

Phỏng dựng công trường đắp đê sông Mã trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Phỏng dựng công trường đắp đê sông Mã trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trong dịp này, thành phố Thanh Hóa đã tổ chức lễ cầu siêu tri ân các Anh hùng, liệt sĩ hy sinh trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng, các cán bộ, giáo viên, học sinh hy sinh do máy bay Mỹ đánh phá công trường đắp đê sông Mã trong những năm đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền bắc.

Đầu năm 1972, trước nguy cơ phá sản hoàn toàn chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đế quốc Mỹ điên cuồng huy động không quân, hải quân, nhất là "pháo đài bay" B52 tiếp tục leo thang đánh phá miền bắc.

Thị xã Thanh Hóa và khu vực cầu Hàm Rồng-sông Mã liên tục là trọng điểm đánh phá của không quân, pháo hạm địch. Mùa mưa năm 1972, nước sông Mã dâng cao khiến tuyến đê xung yếu đứng trước nguy cơ vỡ đê.

Lễ cầu siêu tưởng niệm giáo viên, học sinh hy sinh khi đắp đê sông Mã trong kháng chiến.

Lễ cầu siêu tưởng niệm giáo viên, học sinh hy sinh khi đắp đê sông Mã trong kháng chiến.

Tỉnh Thanh Hóa huy động 2.000 người, trong đó có các giáo viên, học sinh trường Y sĩ, trường Sư phạm 7+2 tham gia gia cố đê sông Mã. Khoảng 8 giờ sáng ngày 14/6/1972 khi các lực lượng đang bồi đắp đê sông Mã, đoạn bờ hữu sông từ khu vực Nam Ngạn đến cầu Hàm Rồng bất ngờ trên vùng trời Nam Ngạn-Hàm Rồng xuất hiện máy bay Mỹ dội bom xuống lực lượng đang đắp đê, làm 64 thầy, cô giáo, học sinh trường Y sĩ và Sư phạm 7+2 hy sinh trên công trường đắp đê sông Mã.

Hướng tới các ngày lễ lớn, thời gian qua thành phố Thanh Hóa triển khai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Công viên tưởng niệm các giáo viên và học sinh hy sinh ngày 14 tháng 6 năm 1972 tại đê sông Mã, nay thuộc phường Nam Ngạn.

Tượng đài đang trong giai đoạn hoàn thiện thi công xây lắp.

Tượng đài đang trong giai đoạn hoàn thiện thi công xây lắp.

Công trình tưởng niệm gắn với giáo dục truyền thống cách mạng, khai thác lợi thế du lịch được xây dựng trên diện tích hơn 2ha.

Trong đó khu ngoài đê sông Mã được kè chống sạt lở bờ, tạo đế vững chắc để xây lắp bình phong, tượng đài giáo viên và học sinh cao 18m bằng những khối đá lớn đã qua chế tác mỹ thuật, cao hơn mặt đê, tạo điểm nhấn của công trình cùng miếu thờ, bia, bến thuyền lịch sử, khu tái hiện không gian làng quê Nam Ngạn truyền thống, không gian nghệ thuật sắp đặt, lan can, cây xanh, điện chiếu sáng.

Nét kiến trúc truyền thống trong Công viên tưởng niệm.

Nét kiến trúc truyền thống trong Công viên tưởng niệm.

Khu vực trong đê sông Mã có nhà quản lý đón tiếp khách cùng các công trình thiết yếu, nhà lưu niệm, khu tưởng niệm giáo viên, học sinh, tái hiện lịch sử, khu trồng cây lưu niệm, hồ sen, đường giao thông, sân vườn, điện chiếu sáng.

Hiện dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện, đưa vào khai thác đúng dịp Kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng (ngày 3 và 4/4/1965-3 và 4/4/2025).

MAI LUẬN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thanh-hoa-khac-ghi-nhung-hy-sinh-cong-hien-cua-giao-vien-va-hoc-sinh-trong-khang-chien-chong-my-cuu-nuoc-post868808.html