Thanh Hóa lên phương án sơ tán hơn 40.000 hộ dân
Để chủ động ứng phó với bão và mưa lũ có thể xảy ra sau bão, các địa phương ở Thanh Hóa đang theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 1, lên phương án sơ tán hơn 40.000 hộ dân đang sinh sống ở các khu vực ven biển, cửa sông.
Theo đó, các địa phương, ngành chức năng sẵn lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó linh hoạt với mọi tình huống... Toàn tỉnh Thanh Hóa
đã lên phương án sơ tán 40.944 hộ/169.863 người đang sinh sống ở khu vực ven biển, cửa sông khi có bão theo các mức độ (phạm vi cách bờ biển 200 m, từ 200-500 m, trên 500 m) vào các công sở, trường học, nhà văn hóa, trung tâm y tế... để tránh bão.
Báo cáo nhanh của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa cho biết đến 14h ngày 17/7, Thanh Hóa có 6.123 phương tiện, với 22.957 lao động, đang neo đậu tại bến và 390 phương tiện/2.383 lao động đang hoạt động trên biển. Các chủ phương tiện đều nắm được thông tin về cơn bão, thường xuyên giữ liên lạc với cơ quan chức năng và gia đình.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đã yêu cầu các lực lượng chức năng, các địa phương trong tỉnh tiếp tục tổ chức kiểm đếm tàu thuyền, kêu gọi chủ phương tiện ra khỏi vùng nguy hiểm đưa về nơi tránh, trú bão an toàn, đảm bảo an toàn cho người, lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, các địa phương trong tỉnh chủ động sơ tán dân tại các khu vực trũng thấp có nguy cơ ngập sâu do mưa lớn, nước biển dâng, có nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất.
Các khu du lịch ven biển ở Thanh Hóa trong đêm 16/7, ngày 17 và 18/7 có khoảng 81.800 khách lưu trú. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách...
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Thanh Hóa, do ảnh hưởng của hoàn lưu Tây Nam, Nam của bão số 1, từ đêm 17 đến ngày 20/7, địa bàn tỉnh có khả năng xảy ra đợt mưa vừa đến mưa to, riêng khu vực phía Bắc và vùng núi phía Tây, Tây Bắc của tỉnh có mưa rất to. Tổng lượng mưa ở có khả năng đạt từ 100-200mm, cục bộ có nơi trên 250 mm. Mưa lớn kèm theo các hiện tượng lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng. Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra tại khu vực vùng núi, ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.