Thanh Hóa nâng cao chất lượng, hiệu quả các đề tài khoa học, sáng kiến cấp tỉnh
Sáng 29-3, Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) Thanh Hóa đã tổ chức hội thảo khoa học 'Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả áp dụng của các sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa'.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Túy, Giám đốc Sở KHCN, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng khoa học, sáng kiến tỉnh chủ trì, phát biểu tại hội thảo.
Theo báo cáo của Sở KHCN - cơ quan Thường trực của Hội đồng Khoa học, sáng kiến tỉnh, đợt 1 năm 2022 toàn tỉnh có 70 sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học đề nghị công nhận phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả áp dụng cấp tỉnh.
Đại biểu phát biểu ý kiến tại hội thảo.
Tại hội thảo các đại biểu cho rằng chất lượng của đa số các sáng kiến trong thời gian gần đây đã được nâng cao, nội dung sáng kiến được lựa chọn phù hợp với thực tiễn công tác (năng lực, nhiệm vụ)… Tuy nhiên vẫn còn một số sáng kiến chưa có điểm mới, tính sáng tạo, cơ sở khoa học không rõ ràng, chưa có tính thuyết phục và chưa được áp dụng một cách hiệu quả vào thực tiễn.
Đại biểu phát biểu ý kiến tại hội thảo.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả các đề tài khoa học, sáng kiến cấp tỉnh, các đại biểu cho rằng, cần tăng cường các hoạt động tập huấn cho các tác giả về các nội dung liên quan đến công tác sáng kiến như: Các quy định về công tác sáng kiến, đề tài khoa học; hướng dẫn các bước thực hiện sáng kiến; kỹ năng viết, trình bày sáng kiến, đề tài khoa học…
Đại biểu phát biểu ý kiến tại hội thảo.
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, đề xuất, đại diện Sở KHCN cũng đã nêu ngắn gọn một số vấn đề cần lưu ý để triển khai, xây dựng đề tài khoa học, sáng kiến một cách chất lượng, đạt hiệu quả.
Trong đó, đối với phần “Đặt vấn đề” tác giả cần tập trung trả lời một số câu hỏi như: Vì sao chọn đề tài. Tính cấp thiết của đề tài (lý luận, thực tiễn)?... Tránh tình trạng đặt vấn đề một cách chung chung, quá dài. Phần “Giải quyết vấn đề” (Nội dung sáng kiến, đề tài khoa học) cần chú ý đến tính đổi mới, sáng tạo của đề tài, tránh rập khuôn, máy móc. Phần kết luận cần hết sức ngắn gọn, trong đó yêu cầu chỉ ra trong sáng kiến, đề tài khoa học đã giải quyết được bao nhiêu vấn đề của đề tài; Ý nghĩa của sáng kiến, đề tài khoa học; Bài học kinh nghiệm và khuyến nghị, đề xuất. Đặc biệt, mỗi tác giả cần lưu ý vấn đề chọn thời gian và đề tài phù hợp với vị trí, lĩnh vực công tác, hướng tới hiệu quả của sáng kiến, đề tài khoa học.
Chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến một số sáng kiến, đề tài khoa học chưa đạt chất lượng cũng như chưa mang lại hiệu quả áp dụng thực tiến, đại diện Sở KHCN cho rằng chủ yếu do một số tác giả vận dụng phương pháp nghiên cứu khoa học chưa phù hợp; chưa nghiên cứu kỹ các tài liệu liên quan; chưa chứng minh được tính mới, tính hiệu quả một cách rõ ràng; chưa có sự tham vấn từ đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực mà mình đang nghiên cứu…
Kết luận hội thảo, đồng chí Nguyễn Ngọc Túy, Giám đốc Sở KHCN, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng khoa học, sáng kiến tỉnh đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại hội thảo. Đồng thời tóm tắt và trả lời cụ thể đối với một số nhóm ý kiến, đề xuất.
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả áp dụng của các sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đồng chí cho rằng thời gian tới các cơ quan, đơn vị cần tích cực tuyên truyền, cập nhật các văn bản liên quan đến công tác sáng kiến, xây dựng đề tài khoa học. Đồng thời, cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (tác giả) phát huy sáng tạo, áp dụng sáng kiến nhằm nâng cao hiệu quả công tác.
Về phía Sở KHCN, sẽ tiến hành tham mưu cho Hội đồng khoa học, sáng kiến tỉnh xem xét, công nhận cho 70 sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học đề nghị công nhận phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả áp dụng cấp tỉnh đợt 1 năm 2022. Cùng với đó, đảm bảo việc triển khai, thực hiện đúng quy chế, quy định hiện hành.