Thanh Hóa: Ngành Y tế tăng cường thanh tra, kiểm tra phòng, chống thuốc giả
Ngành Y tế tỉnh Thanh Hóa vừa có Công văn chỉ đạo các đơn vị tăng cường, thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, phòng chống thuốc giả trên địa bàn.
Sở Y tế Thanh Hóa vừa có Công văn số 2616/SYT-QLD, ngày 01/7/2022 gửi Trung tâm Kiểm nghiệm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc trên địa bàn về việc triển khai tăng cường, thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, phòng chống thuốc giả.
Theo đó, để phòng ngừa, ngăn chặn việc sản xuất, buôn bán, sử dụng thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc kém chất lượng và bảo đảm cung ứng đủ thuốc, an toàn, chất lượng, hiệu quả cho người dân trên địa bàn, mới đây, Sở Y tế Thanh Hóa đã ban hành Công văn yêu cầu Thanh tra Sở này phối hợp với các đơn vị chức năng xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo định kỳ và đột xuất việc thực hiện các quy chế chuyên môn về dược của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc trên địa bàn.
Cụ thể, qua công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp kinh doanh thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc thuốc nhập lậu, thuốc mua bán không có hóa đơn chứng từ hợp lệ, thuốc hết hạn sử dụng.
Ngành Y tế Thanh Hóa yêu cầu Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh này tăng cường việc lấy mẫu, kiểm tra chất lượng thuốc lưu hành trên địa bàn đối với các thuốc có nguy cơ vi phạm chất lượng; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác truyền thông, phổ biến cho nhân dân chỉ mua thuốc tại các cơ sở bản lẻ thuốc hợp pháp, không mua bán thuốc không rõ nguồn gốc; kịp thời thông báo các dấu hiệu nghi ngờ về sản xuất, buôn bán thuốc giả tới các cơ quan chức năng liên quan.
Sở Y tế Thanh Hóa cũng yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng thuốc trên địa bàn thực hiện đúng các quy định hiện hành về sản xuất, kinh doanh lưu thông, phân phối, sử dụng thuốc. Chỉ thực hiện hoạt động kinh doanh theo đúng phạm vi đã được cấp phép. Chỉ kinh doanh, phân phối, sử dụng các thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành và được cung cấp từ các cơ sở kinh doanh dược có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược.
Nghiêm cấm hành vi kinh doanh thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc nhập lậu. Triển khai, duy trì việc đáp ứng các tiêu chuẩn Thực hành tốt trong toàn bộ hoạt động kinh doanh, bảo quản và sử dụng theo đúng qui định. Thực hiện hệ thống quản lý để bảo đảm xác định được nguồn gốc lô thuốc, xác định được cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu, cơ sở kinh doanh, sử dụng trong chuỗi cung ứng thuốc.
Kiểm tra chặt chẽ chất lượng nguyên liệu làm thuốc trước khi đưa vào sản xuất, chất lượng thuốc trước khi đưa ra lưu hành trên thị trường. Chỉ đưa ra lưu hành, phân phối, sử dụng các thuốc đạt tiêu chuẩn chất lượng; khuyến khích các cơ sở tăng cường các biện pháp chống làm giả như sử dụng mã vạch, QR code.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương điện tử, ông Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng phòng quản lý Dược Sở Y tế Thanh Hóa cho biết: "Từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh đã phát hiện 01 vụ thuốc giả Tetracyclin tại Nhà thuốc Hoàng Anh có địa chỉ tại thôn Kênh Lâm, xã Quảng Đại, TP. Sầm Sơn. Ngay sau đó, Sở Y tế đã có Công văn số 2659/SYT-QLD, ngày 04/7/2022 thông báo thuốc giả Tetracyclin gửi các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc trên toàn tỉnh, tuyệt đối không được kinh doanh, phân phối, sử dụng thuốc Tetracyclin giả".
Cũng theo Trưởng phòng quản lý dược Nguyễn Ngọc Hùng, ngoài công tác phối hợp thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra giám sát chất lượng thuốc, phòng chống thuốc giả, Sở Y tế Thanh Hóa còn phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân nâng cao nhận thức trong việc sử dụng thuốc cho bản thân và gia đình, góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn ngày càng tốt hơn.
Hoàng Minh