Thanh Hóa, Nghệ An không sáp nhập: 'Xứ sở' có bản sắc, vị thế riêng
Việc Thanh Hóa, Nghệ An không sáp nhập không phải đặc cách hay ngoại lệ, mà là hệ quả tất yếu của một quá trình định hình bản sắc, phát triển ổn định và quản trị hiệu quả.
Theo dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo, cả nước có 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh giữ nguyên hiện trạng, trong đó có hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An.
Việc Thanh Hóa và Nghệ An được giữ nguyên là minh chứng sống động cho một tư duy cải cách trưởng thành: không hình thức, không cào bằng, có chọn lọc và dựa trên bản chất từng địa phương.

Ảnh minh họa.
“Xứ sở” không chỉ là địa giới - mà là căn cốt văn hóa
Ngay từ cách gọi dân gian Xứ Thanh và Xứ Nghệ đã cho thấy đây không đơn thuần là hai tỉnh hành chính, mà là hai vùng văn hóa - lịch sử lớn có chiều sâu hình thành từ hàng thế kỷ. Danh xưng “xứ” không phải nơi nào cũng có được. Nó chỉ xuất hiện khi một vùng đất đạt đến độ kết tinh đủ lâu về ngôn ngữ, phong tục, khí chất con người, lối tổ chức xã hội và truyền thống chính trị, quân sự, học vấn đặc thù.
Xứ Thanh, nơi phát tích của các triều đại phong kiến như nhà Lê, nhà Hồ, là vùng đất chiến lược gắn với sự hình thành quốc gia. Xứ Nghệ, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi sản sinh ra hàng loạt danh nhân và trí thức, từ bao đời vẫn mang tinh thần tự học, tự lập, kiên cường và nhân nghĩa.
Ngôn ngữ cũng tạo nên ranh giới văn hóa sâu sắc. Người Nghệ nói tiếng Nghệ - một phương ngữ riêng biệt, đầy biểu cảm và giàu nhạc tính, thể hiện chiều sâu tâm lý và truyền thống dân gian. Trong khi đó, người Thanh Hóa nói giọng Bắc pha Trung, gần thủ đô mà vẫn mang hồn hậu miền Trung. Ngôn ngữ ấy không chỉ là cách nói, mà là “mã di truyền” của văn hóa vùng - một yếu tố không thể quy hoạch bằng thước đo hành chính.
Theo Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13, việc sáp nhập chỉ bắt buộc nếu không đạt 50% cả hai tiêu chí dân số và diện tích. Thanh Hóa và Nghệ An không những đạt mà còn vượt xa chuẩn, với dân số lớn, số lượng đơn vị hành chính đông, và năng lực vận hành bộ máy đã được khẳng định qua nhiều nhiệm kỳ.
Thanh Hóa hiện có gần 3,764,241 dân, Nghệ An hơn 3,470,988 dân, với hệ thống hơn 400 xã mỗi tỉnh. Nhiều huyện có quy mô kinh tế tương đương một tỉnh nhỏ. Không có lý do gì để sáp nhập một cấu trúc hành chính đang hoạt động trơn tru, hiệu quả và ổn định.
Hai tỉnh này cũng từng đi đầu trong sáp nhập xã, xóm ở giai đoạn trước, và hiện đang triển khai hiệu quả cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ và tinh giản biên chế. Sự ổn định chính là nền tảng để tiếp tục đổi mới, không phải cản trở.
Sức bật kinh tế mạnh mẽ - cần giữ vững để bứt phá
Cả Thanh Hóa và Nghệ An đều đang nổi lên như những trung tâm động lực phát triển mới của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước.
Thanh Hóa có GRDP năm 2023 đạt 318.750 tỷ đồng, tương đương khoảng 13,1 tỷ USD. Kinh tế tỉnh này xếp hạng cao toàn quốc, với động lực đến từ Khu kinh tế Nghi Sơn, công nghiệp chế biến, cảng biển, sân bay và du lịch.
Nghệ An đạt GRDP 216.900 tỷ đồng, tương đương 8,9 tỷ USD, với thế mạnh ở công nghiệp nhẹ, nông nghiệp chất lượng cao, dịch vụ giáo dục - y tế - logistics và tiềm năng biển.
Cả hai tỉnh đang bứt tốc với hàng loạt dự án hạ tầng chiến lược: cao tốc Bắc – Nam, đường ven biển, cảng Cửa Lò, sân bay Thọ Xuân mở rộng, VSIP, WHA... Việc giữ nguyên địa giới hành chính giúp tập trung nguồn lực phát triển, tránh xáo trộn bộ máy và gián đoạn chính sách.

Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm
Việc Thanh Hóa, Nghệ An không sáp nhập không phải đặc cách hay ngoại lệ, mà là hệ quả tất yếu của một quá trình định hình bản sắc, phát triển ổn định và quản trị hiệu quả.
Kết luận 126-KL/TW của Bộ Chính trị đã chỉ rõ: sáp nhập phải có lộ trình, không máy móc, phù hợp thực tiễn từng địa phương. Đó là dấu hiệu của một cải cách trưởng thành, dám thay đổi khi cần, và đủ bản lĩnh để giữ nguyên khi nên.
Không phải địa phương nào đông xã, đông huyện là phải sáp nhập. Giữ nguyên - trong trường hợp của Thanh Hóa và Nghệ An chính là giữ lấy bản sắc, ổn định, hiệu quả, và chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển vượt bậc.
Luật sư Trương Anh Tú – Chủ tịch TAT Law Firm là người có nhiều đóng góp trong xây dựng chính sách về cải cách hành chính và sắp xếp đơn vị hành chính nhấn mạnh: "Cải cách chỉ có giá trị khi phù hợp với cấu trúc lịch sử – địa lý – dân sinh từng vùng đất".