Thanh Hóa: Người dân hối hả gói bánh răng bừa đưa vào thị trường dịp Tết Nguyên đán
Trong không khí rộn ràng sắc xuân, các lò bánh răng bừa tại xã Hà Lai, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa đang tập trung hết nhân lực để sản xuất bánh cho kịp các đơn hàng cuối năm.
Bánh lá răng bừa Thanh Hóa hay còn có tên gọi khác là bánh tẻ, một trong những món ăn truyền thống không thể bỏ qua khi đến Thanh Hóa. Cùng với bánh chưng, thì mỗi dịp Tết đến, Xuân về, chiếc bánh lá răng bừa là thứ quà không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên của mỗi gia đình người dân xứ Thanh. Đây cũng là món quà bình dị nhưng ấm tình quê mà mọi người trao gửi cho nhau nhân dịp Xuân về.
Hà Lai là một vùng đất chiêm trũng của huyện Hà Trung (Thanh Hóa) cùng với điều kiện canh tác nông nghiệp vất vả nên thuở xưa, cuộc sống của người dân nơi này nghèo khó. Bánh lá Hà Lai là loại bánh quê không chỉ thơm ngon nức tiếng mà còn đậm phong vị của làng quê Việt Nam. Hiện bánh lá Hà Lai đã đạt 4 sao OCOP.
Theo người dân xã Hà Lai thì nhìn bên ngoài, bánh lá Hà Lai có công thức, hình dáng tương tự như bánh răng bừa của Thọ Xuân.
Tuy vậy, trong khâu sản xuất, người Hà Lai có những bí quyết riêng về cách lựa chọn gạo, kĩ thuật gói bánh để tạo ra những sản phẩm mang hương vị đặc trưng của quê hương mình.
Bà Trịnh Thị Hà, tổ trưởng tổ sản xuất bánh lá của HTX dịch vụ nông nghiệp Hà Lai cho biết, quy trình kĩ thuật làm bánh lá ngày nay, dù đã được cải tiến, nhưng vẫn giữ gần như nguyên vẹn bí quyết truyền thống của những người dân nơi đây.
Trước đây, món bánh lá Hà Lai thường chỉ được làm trong dịp lễ, tết, giỗ. Nhưng ngày nay, bánh lá dần trở thành món ngon thường nhật, là gói quà gửi khách phương xa…
Theo bà Hà để có chiếc bánh lá ngon, thì việc chọn gạo đóng vai trò quyết định làm nên hương vị thơm ngon của chiếc bánh đó. Có nhiều loại gạo tẻ có thể làm bánh lá, nhưng thứ gạo tạo nên hương vị bánh đặc trưng đối với người Hà Lai là gạo Xi 23.
Gạo được chọn lọc kỹ lưỡng sau mỗi vụ thu hoạch, đem bảo quản riêng. Trước khi chế biến được ngâm trong nước từ 2 đến 3 giờ, rồi đem xay thành bột, sao cho thật nhuyễn mịn.
Sau khi xay, bột được đặt lên bếp lửa nhỏ, khuấy đều tay cho đến khi đặc, dẻo, quyện vào đôi đũa cả. Đây là khâu rất quan trọng, chỉ cần có chút sơ xuất nhỏ trong khâu sơ chế bột, có thể khiến chiếc bánh làm ra không còn ngon nữa.
Kỹ thuật ngâm gạo và "dáo bột" là bí quyết rất riêng, làm nên hương vị đặc trưng của bánh lá Hà Lai hoàn toàn khác biệt và không thể lẫn với bánh của các địa phương khác…
Đến khi bột làm xong, sẽ chuyển sang công đoạn làm nhân bánh. Thịt ba chỉ phải là loại thịt tươi ngon, băm nhuyễn, rồi tẩm ướp cùng hành khô và nhiều gia vị khác, sao cho dậy mùi…
Sau khi, công đoạn chuẩn bị bột và nhân đã xong, bánh được gói bằng lá dong tươi theo kiểu gấp nếp lá, bẻ gập hai đầu. Cách gói này tạo nên chiếc bánh gọn gàng, chắc chắn, lại rất đẹp mắt.
"Trước đây, bánh lá Hà Lai thường được luộc trên bếp than, bếp củi truyền thống… Ngày nay, bánh được đồ trong tủ hấp, vừa có thể sản xuất số lượng lớn, vừa giúp bánh thơm ngon và thời gian bảo quản được lâu hơn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bánh ngon nhất là thưởng thức khi còn nóng hổi và chấm với nước mắm truyền thống", bà Trịnh Thị Hà bật mí.
Xưa kia bánh lá răng bừa được người dân làm chủ yếu trong các ngày lễ, giỗ, Tết Nguyên đán... ngày nay bánh được làm quanh năm để phục vụ nhu cầu của thực khách.
Theo UBND xã Hà Lai hiện trên địa bàn xã có hơn 10 cơ sở sản xuất thường xuyên quy mô lớn mang thương hiệu bánh lá Hà Lai, đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Hàng năm, tổng doanh thu từ sản phẩm bánh lá Hà Lai đạt khoảng 6 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho gần 200 lao động.