Thanh Hóa: Người dân kêu trời vì nhà máy đốt rác gần khu dân cư
Nhiều năm qua, người dân thị trấn Tân Phong, xã Quảng Trạch (Quảng Xương, Thanh Hóa) phải kêu trời vì nhà máy đốt rác thải ngay gần khu dân cư. Những hôm trời nồm, gió đông lên thì mùi ô nhiễm càng bủa vây lấy bà con khiến cuộc sống bị đảo lộn.
Theo quan sát của PV, nhà máy đốt rác thải nằm ngay nghĩa trang thuộc khu phố Dục Tú (thị trấn Tân Phong), xung quanh khu vực này có hàng chục hecta đất nông nghiệp bỏ hoang không thể sản xuất. Nhiều loại rác thải được chất lại cao như núi, mỗi khi mưa xuống là nước ngấm qua chân tường rào ra phía bên ngoài.
Nhà máy đốt rác thải rắn thuộc công ty TNHH thương mại và dịch vụ môi trường xanh Hoàng Hải Hà (phường Quảng Hưng, TP Thanh Hóa) đã đi vào hoạt động gần 10 năm nay. Theo thiết kế, nhà máy sẽ xử lý rác cho xã Quảng Tân và thị trấn Quảng Xương (các đơn vị sáp nhập thành thị trấn Tân Phong). Khoảng cách từ nhà máy này tới khu dân cư chỉ vài trăm mét.
Những năm qua, hàng nghìn hộ dân xã Quảng Tân, Quảng Phong, thị trấn Quảng Xương (nay là thị trấn Tân Phong) và xã Quảng Trạch vô cùng bức xúc đã làm đơn, kéo nhau lên trụ sở ủy ban xã để kiến nghị về việc ô nhiễm môi trường từ nhà máy đốt rác đóng ở thị trấn.
Một người dân ở thôn Câu Đồng (Quảng Trạch), phản ánh: “Người dân chúng tôi bị nhà máy đốt rác này hành hạ nhiều năm qua. Họ đốt vô tội vạ, đốt không kể ngày hay đêm, mùi hôi thối, khét rất kinh khủng. Đấy các chú xem, nhà tôi cách có mỗi cánh đồng là ra tới nhà máy rác. Hôm nay nắng ráo còn đỡ, hôm nào nồm, trời âm u thì dân lãnh đủ. Khổ nhất là trẻ nhỏ, lúc nào cũng phải đeo khẩu trang mỗi khi lò đốt rác hoạt động”...
Qua thôn Trạch Đồng không khó để nhận thấy sự phản ứng của người dân về việc nhà máy xử lý rác gần khu vực dân cư: “Các anh thử đo xem từ nhà máy xử lý rác tới trường tiểu học, trung học rồi trạm y tế xã Quảng Trạch có bao xa. Mùi khét từ vải vóc, cao su cứ bủa vây lấy mọi người, học sinh. Sống thế này thì mang bệnh mà chết. Cứ thấy bảo nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu mà dân khổ quá”.
Cũng theo nhiều người dân thì nhà máy chỉ được phép xử lý rác thải của thị trấn Tân Phong, nhưng họ vẫn mang vải vóc, rác thải từ khu công nghiệp Lễ Môn về để xử lý. Rác thải của khu công nghiệp toàn vải, cao su, đế giày lỗi nên đốt có mùi khét. Họ đốt vào ban đêm nên không ai kiểm tra được.
Theo ông Hoàng Khắc Tư, Trưởng thôn Câu Đồng, xã Quảng Trạch, cả thôn với gần 1 nghìn nhân khẩu, mùi khét, hôi mỗi khi công ty đốt rác làm ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của người dân. "Chúng tôi đã nhiều lần ý kiến lên xã, đặc biệt mỗi lần tiếp xúc cử tri người dân đều phản ánh lên cơ quan chức năng, nhưng thực trạng ô nhiễm vẫn không được cải thiện".
Còn ông Ngô Tiến Vui, Trưởng thôn Trạch Trung, xã Quảng Trạch, bức xúc: "Thôn Trạch Trung với hơn 600 nhân khẩu bị ảnh hưởng nặng nề nhất, khổ nhất là người già và trẻ em luôn bị tra tấn bởi mùi khét, hôi. Nước trong bãi rác của nhà máy chảy ra khiến môi trường càng bị ô nhiễm, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân".
Trao đổi với PV, ông Hoàng Cao Tám, Chủ tịch UBND xã Quảng Trạch, cho biết: “Nhà máy xử lý rác thải đóng trên địa bàn thị trấn nên chúng tôi không có chức năng kiểm tra, giám sát. Người dân nhiều năm qua kêu trời vì lò đốt rác thải đốt ngay gần khu dân cư. Các thôn Trạch Trung, Câu Đồng, Mỹ Khê, Trạch Hồng… khoảng 3 nghìn dân là bị ảnh hương nặng nề nhất.
Nhiều hôm người dân phản ánh về đốt có mùi rẻ rách, cao su nhưng xã làm gì có thẩm quyền kiểm tra. Đã nhiều lần dân kiến nghị, tiếp xúc cử tri phản ứng rất mạnh, nhưng chúng tôi cũng bất lực, chỉ kiến nghị cấp trên sớm xem xét di dời nhà máy xử lý rác này. Bởi hiện tại rác của người dân Quảng Trạch đang được thu gom, xử lý tại nhà máy rác thải Đông Nam”.
Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương Nguyễn Đức Thịnh cho hay: “Khi tôi về nhận nhiệm vụ tại đây đã có nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn thị trấn rồi. Theo quy hoạch là không phù hợp, lại ngay sát cạnh nghĩa trang, khu dân cư nên cần sớm di dời. Ở đâu cũng thế thôi, rác thải là vấn đề, việc xử lý rác thải không thể tránh khỏi cái này, cái kia. Chúng tôi sẽ chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát để không phát sinh thêm vấn đề trong khi chờ chủ trương giải quyết hợp lý, vừa đảm bảo môi trường vừa không ảnh hưởng tới nhà đầu tư”.