Thanh Hóa: Nhà máy may không phép, chính quyền bất lực hay doanh nghiệp coi thường pháp luật?
Một nhà máy may không phép xây dựng cả tháng nay, chính quyền địa phương đã yêu cầu dừng, nhưng chủ đầu tư vẫn bất chấp pháp luật.
Theo phản ánh của công dân xã Tân Phúc, huyện Nông Cống, trên địa bàn xã có Nhà máy may không phép, ngang nhiên hoạt động nhiều tháng nay. Để làm rõ thông tin, phóng viên Báo Công Thương đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Tân Phúc. Ông Xuân cho biết: “Đúng là có Nhà máy may chưa được cơ quan chức năng cấp phép, nhưng vẫn triển khai xây dựng. Chúng tôi đã báo cáo UBND huyện Nông Cống, huyện yêu cầu xã xuống dừng thi công đối với nhà máy này, nhưng họ vẫn bất chấp, tiến hành thi công”.
Cũng theo vị Chủ tịch xã Tân Phúc, Nhà máy may nói trên, chủ đầu tư là của Công ty TNHH sản xuất vật liệu xây dựng Hà Liên (địa chỉ xã Tân Phúc) do ông Lê Công Hà làm giám đốc, đơn vị thi công là Công ty cổ phần Đông Sơn Vina (địa chỉ tại TP. Thanh Hóa).
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc xây dựng trái phép diễn ra từ đầu tháng 3/2022, sau khi phát hiện việc xây dựng trái phép, chính quyền xã Tân Phúc đã yêu cầu chủ đầu tư là Công ty TNHH sản xuất vật liệu xây dựng Hà Liên mang hồ sơ cấp phép và chuyển đổi mục đích sử dụng đất lên, nhưng chủ đầu tư đã phớt lờ.
Được biết, năm 2021, ông Lê Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH sản xuất vật liệu xây dựng Hà Liên trúng đấu giá 9 lô đất trên tổng diện tích khoảng 1.000m2. Mặc dù chưa được cơ quan có thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhưng ông Lê Công Hà vẫn bất chấp pháp luật, triển khai xây dựng trên đất, phớt lờ chính quyền địa phương.
Dư luận cho rằng, để xảy ra việc xây dựng trái phép trong thời gian dài, phải chăng do chính quyền địa phương yếu, hay do Công ty TNHH sản xuất vật liệu xây dựng Hà Liên xem thường pháp luật ?.
Một người dân sống trên địa bàn xã bức xúc: “Tôi không hiểu chính quyền quản lý kiểu gì mà để một công trình không phép, xây dựng chình ình nhiều tháng vẫn không thể xử lý. Khu vực này quy hoạch đất ở, bây giờ lại có nhà máy may "trên trời" rơi xuống. Mai kia có thêm hàng trăm công nhân, liên quan đến điện, nước, chưa nói vấn đề môi trường, sẽ gây hệ lụy cho dân. Chúng tôi mong các cấp có thẩm quyền chuyển Nhà máy may này đi nơi khác theo đúng quy hoạch”
Theo quan sát của phóng viên sáng ngày 25/7, khu nhà máy quy mô 3 tầng, mỗi tầng có mặt sàn hơn 1.000m2, vẫn đang được chủ đầu tư ngang nhiên cho tiến hành thi công.
Để có thông tin đa chiều, khách quan, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc của chủ đầu tư, phóng viên đã nhiều lần liên hệ với Công ty TNHH sản xuất vật liệu xây dựng Hà Liên để trao đổi Giám đốc Lê Công Hà, một nhân viên bắt máy cho hay: "Sẽ báo cáo với giám đốc, từ nay đến cuối giờ chiều giám đốc sẽ liên hệ lại với anh. Nhưng phóng viên chờ đến tối vẫn không có hồi âm, gọi điện lại thì nhân viên này không nghe máy".
Được biết , trước đó Sở Xây dựng Thanh Hóa đã có Văn bản 4723/SXD-TTr, ngày 01/7/2022 do Phó Giám đốc Lê Ngọc Thanh ký gửi UBND huyện Nông Cống xem xét nội dung đơn thư tố cáo đối với Nhà máy may không phép nói trên.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Chủ tịch UBND huyện Nông Cống Nguyễn Lợi Đức cho hay: “Huyện đã nắm được thông tin, đang giao cho cơ quan chức năng làm rõ”.
Như vậy, Nhà máy may do chủ đầu tư là Công ty TNHH sản xuất vật liệu xây dựng Hà Liên chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất và chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng đã tiến hành xây dựng trái phép nhiều tháng nay, làm phá vỡ quy hoạch đất trên địa bàn huyện Nông Cống. Điều đáng nói, công trình xây dựng không phép trong thời gian dài, chính quyền xã thì "bất lực”, báo cáo lên huyện, nhưng huyện không xử lý lý kịp thời, gây bức xúc trong nhân dân.
Thiết nghĩ, UBND tỉnh Thanh Hóa sớm chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc, buộc Công ty TNHH sản xuất vật liệu xây dựng Hà Liên phải dừng việc thi công trái phép, trả lại hiện trạng ban đầu; xử lý việc buông lỏng quản lý đất đai (nếu có) đối với chính quyền địa phương.
Hoàng Minh