Thanh Hóa: Nhiều chỉ tiêu kinh tế hoàn thành vượt kế hoạch
Sáng 12.12, HĐND tỉnh Thanh Hóa Khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã khai mạc Kỳ họp thứ 17.
Dự kỳ họp có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lại Thế Nguyên; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn; Phó Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Tuấn Sinh...
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh: Với tinh thần “Tích cực, chủ động, linh hoạt, hiệu lực, hiệu quả”, từ đầu năm 2023 đến nay, HĐND tỉnh đã tổ chức thành công 1 kỳ họp thường kỳ, 4 kỳ họp chuyên đề, thông qua 99 nghị quyết, để kịp thời thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thành cơ chế, chính sách của địa phương. Các nghị quyết được thông qua đã và đang phát huy hiệu quả, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp, các ngành chỉ đạo thực hiện, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiều mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh.
Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Khóa XVIII là kỳ họp thường lệ cuối năm có khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung quan trọng, bảo đảm cho sự ổn định, đổi mới, phát triển của tỉnh năm 2024 và cả giai đoạn 2021 - 2025. Với trách nhiệm trước cử tri và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, với kinh nghiệm, tri thức và bản lĩnh đã được tích lũy, rèn luyện qua nửa nhiệm kỳ HĐND tỉnh Khóa XVIII, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu; Phát huy dân chủ, tích cực tham gia thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng đối với các nội dung của kỳ họp; Chất vấn đúng và trúng các vấn đề mà cử tri quan tâm, góp phần vào thành công của kỳ họp, đáp ứng lòng mong đợi của cử tri và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Báo cáo tóm tắt hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2024, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi cho biết: Mặc dù còn nhiều yếu tố tác động bất lợi đến thực hiện nhiệm vụ năm 2023, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, tỉnh Thanh Hóa đã vượt qua khó khăn và đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Nổi bật là, nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng hoàn thành vượt kế hoạch và tăng khá so với cùng kỳ. Trong đó: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 7,01%; Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2023 ước tăng 4,87%; Một số cơ sở sản xuất công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng cao so với cùng kỳ, như: Điện sản xuất tăng 77,5%, thức ăn gia súc tăng 12,8%, giầy thể thao tăng 6,2%... Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2023 ước đạt trên 40.310 tỷ đồng, vượt 14,1% dự toán giao; Ngành du lịch ước đón 12,35 triệu lượt khách, vượt 3% kế hoạch, tăng 11,9% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế ước đạt 616 nghìn lượt, gấp 2,5 lần...
Bên cạnh đó, hệ thống thể chế được quan tâm chỉ đạo hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực quy hoạch, quản lý đất đai. Hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư đạt nhiều kết quả tích cực; Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại; Nhiều dự án lớn, trọng điểm đã hoàn thành đầu tư đưa vào khai thác, sử dụng.
Chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục được nâng lên; Giáo dục đại trà có chuyển biến tích cực; Giáo dục mũi nhọn được duy trì; Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia vượt kế hoạch; Các chính sách an sinh xã hội, chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Nhiều chỉ số phản ánh về cải cách hành chính, quản trị hành chính công của tỉnh đứng trong tốp đầu cả nước. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đánh giá những kết quả đạt được, báo cáo cũng chỉ rõ 9 khó khăn, hạn chế và nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế; Đồng thời cũng nêu lên mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu cũng như những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Trong buổi sáng nay, HĐND tỉnh đã nghe Báo cáo của UBND tỉnh về kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, 11 và 14 HĐND tỉnh Khóa XVIII; Thông báo của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về công tác Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Khóa XVIII; Đoàn ĐBQH tỉnh báo cáo kết quả Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV; Báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh về tình hình tội phạm và công tác kiểm sát năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024; Báo cáo của Tòa án nhân dân tỉnh về công tác xét xử, thi hành án hình sự năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024; Báo cáo của Cục Thi hành án dân sự tỉnh về kết quả công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính năm 2023; phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024; Báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh về kết quả giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh về hoạt động chất vấn, các Kết luận của Thường trực HĐND tỉnh sau giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay; Báo cáo của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh về kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật về quản lý đất công, gắn với quản lý, sử dụng tài sản công sau sáp nhập các cơ quan, đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019 -–2022; Báo cáo của Ban Pháp chế HĐND tỉnh về kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù và tha tù trước thời hạn có điều kiện từ 1.1.2021 đến 30.9.2023; Báo cáo của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh về kết quả giám sát công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đối với công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020 – 2022; Báo cáo của Ban Dân tộc HĐND tỉnh về kết quả giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững từ năm 2021 đến năm 2023 trên địa bàn các huyện miền núi.
Buổi chiều, HĐND tỉnh sẽ tiến hành công tác lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu.