Thanh Hóa: Nhiều trường học xuống cấp nặng
Năm học 2023-2024, tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất hạ tầng, nhiều trường học đã được xây mới khang trang, đạt chuẩn Quốc gia.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều trường học xuống cấp nhưng chưa được đầu tư xây dựng mới. Điều này, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học, đặc biệt những ngôi trường xuống cấp, đang đe dọa tính mạng, sự an toàn của học sinh và giáo viên trong những giờ lên lớp.
Trường Tiểu học Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn hiện có 905 học sinh với 15 phòng học, trong đó, có 12 phòng học cấp 4 đã xuống cấp nghiêm trọng và 3 phòng học tạm được xây dựng lắp ghép bằng tôn; các dãy nhà cấp 4 được xây dựng từ những năm 1976, sau đó được tu sửa lại vào năm 1992 bằng cách hớt mái ngói phía trên và đổ bằng.
Tuy nhiên, do tường gạch liên kết bằng vôi cát, các cột bê tông được gia cố tạm bợ nên đến nay các trụ bê tông đã nứt, bung tự do và có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, hệ thống điện trên các phòng lắp đặt từ lâu tiềm ẩn nguy cơ chập điện khi thời tiết mưa kéo dài.
Thầy Phạm Văn Vượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hải Thanh cho biết, những năm qua cấp ủy chính quyền địa phương đã quan tâm đầu tư xây dựng trường, nhưng do khu đất của trường đang tranh chấp giữa Giáo xứ Ba Làng với chính quyền địa phương nên không thể triển khai xây dựng. Điều này đồng nghĩa với việc hàng trăm học sinh và giáo viên hàng ngày, hàng giờ vẫn phải học tập trong môi trường thiếu an toàn.
“Trước thực trạng này, một bộ phận phụ huynh học sinh tìm mọi cách xin chuyển con em đi học ở các xã, phường lân cận vì nơm nớp lo sợ trường học có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Nhà trường đang phải tổ chức dạy 2 ca/ngày và với tình trạng thiếu phòng học có thể phải dạy 3 ca/ngày. Đây là khó khăn rất lớn của nhà trường khi triển khai dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018”, thầy Vượng cho biết thêm.
Theo bà Vũ Thị Thanh Vân - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghi Sơn, Trường Tiểu học Hải Thanh hiện không còn khả năng tu sửa và gia cố thêm; các hạng mục đã xuống cấp quá nghiêm trọng, các phòng học nhỏ, hẹp chật trôi, nóng về mùa hè và ẩm dột vào mùa mưa. Nhà trường hiện thiếu nhiều phòng học chức năng, giáo viên phải kê bàn ra hành lang làm việc vì phải nhường phòng làm phòng dạy tin học cho học sinh. Trước tình trạng xuống cấp nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng, Phòng thường xuyên chỉ đạo nhà trường linh hoạt trong các tình huống, đặc biệt khi trời mưa to hoặc mưa kéo dài phải cho học sinh nghỉ học, có kế hoạch dạy bù kiến thức cho học sinh vào thời gian tiếp theo.
Cũng theo bà Vũ Thị Thanh Vân, UBND thị xã Nghi Sơn đã có văn bản gửi tỉnh Thanh Hóa và các đơn vị liên quan nhưng vẫn chưa được chấp thuận đầu tư sửa chữa ngôi trường này.
Còn tại huyện miền núi Lang Chánh, dù những năm qua địa phương đã dành nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số trường trên địa bàn trong tình trạng xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của giáo viên, học sinh.
Nằm tại vùng đặc biệt khó khăn, Trường Trung học Cơ sở Giao Thiện có 2 dãy nhà cấp 4 với 8 phòng học xây dựng từ năm 2000 và 2006 đã xuống cấp. Theo phản ánh của Ban Giám hiệu, trận mưa lớn kéo dài hồi cuối tháng 9/2023 khiến đoạn tường rào bị nứt, sạt lở kè móng, kéo theo dãy nhà cấp 4 liền kề sụt lún. Ghi nhận từ thực tế, ngoài hiện tượng sụt lún, nứt xé ở phần móng, trên tường một số phòng học xuất hiện vết nứt chân chim kéo dài 5m, thậm chí có khe nứt rộng 1 - 2cm.
Thầy Trịnh Quốc Việt, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Giao Thiện cho hay, dãy nhà cấp 4 còn lại (gần khu bán trú) cũng không đảm bảo an toàn vì xây bằng vôi cát cách đây hơn chục năm, đã xuống cấp. Mưa lớn kéo dài mới đây làm một phần mái tôn sập, tường bị ngấm nước, thấm dột. Vào ngày mưa, nhà trường cũng nhắc nhở giáo viên kê bàn học sát lên phía trên hoặc dồn hết sang một bên nhằm tránh xa vết nứt trên tường. Trường không dám sử dụng điện vì sợ nguy cơ chập cháy, gây mất an toàn cho giáo viên và học sinh.
Theo ông Cao Bá Châu, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Lang Chánh, sau khi nhận thông tin, UBND huyện Lang Chánh đã khẩn trương chỉ đạo, phối hợp với đơn vị liên quan xuống trường kiểm tra thực trạng. Sau khi kiểm tra, UBND huyện đề xuất với UBND tỉnh Thanh Hóa sớm sửa chữa, nâng cấp để đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh.
Đến ngày 16/10/2023 UBND tỉnh Thanh Hóa có Văn bản số 15495/UBND-CN giao kiểm tra công trình Trường Trung học Cơ sở Giao Thiện bị sụt, lún, nứt, hư hỏng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Theo đó, UBND tỉnh giao UBND huyện Lang Chánh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, khẩn trương kiểm tra, có phương án đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh; dừng sử dụng công trình nếu có nguy cơ gây mất an toàn. Để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên trong trường, UBND huyện Lang Chánh chỉ đạo nhà trường điều chỉnh lịch dạy và học, tránh sử dụng 2 phòng học đang bị hư hại trong khi chờ phương án khắc phục lâu dài.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, trong năm 2022, ngành giáo dục Thanh Hóa được phân bổ hơn 44,7 tỷ đồng để thực hiện 12 dự án liên quan đến đầu tư cơ sở vật chất trường học; năm 2023, dự kiến được phân bổ hơn 194 tỷ đồng.