Thanh Hóa: Phản hồi thông tin sạt lở khu vực chân núi Thiều

Sau phản ánh của phóng viên TTXVN về tình trạng sạt lở tại khu vực chân núi Thiều, thôn Thiều Xá 2 (xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa), UBND huyện Hậu Lộc đã có văn bản số 3166/UBND-TNMT báo cáo UBND tỉnh về kết quả kiểm tra và xác định có các vết sạt lở đất đá tại khu vực dưới chân núi.

Đất, đá tảng trên núi sạt trượt xuống khu vực chân núi làm hư hỏng nhiều tài sản của người dân.

Đất, đá tảng trên núi sạt trượt xuống khu vực chân núi làm hư hỏng nhiều tài sản của người dân.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ngày 26/10/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị lên kiểm tra thực địa khu vực chân núi Thiều, thôn Thiều Xá 2, xã Cầu Lộc. Tại thời điểm kiểm tra, vị trí phía sau gia đình ông Vũ Minh Tâm, giữa điểm mốc số 1 và số 2 theo bản vẽ thi công, kèm phương án thi công chống sạt lở đang có diễn biến sạt lở, chiều dài khoảng 60 mét, chiều rộng 70 mét.

Ngày 7/11, UBND huyện Hậu Lộc đã có công văn gửi Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất UBND tỉnh cho phép tận thu đất đá thừa trong quá trình thi công chống sạt lở, tránh lãng phí tài nguyên và khoáng sản, tạo nguồn lực thực hiện phương án chống sạt lở, góp phần vào nguồn thu ngân sách nhà nước. Sau khi được UBND tỉnh cho phép, UBND huyện Hậu Lộc sẽ chỉ đạo UBND xã Cầu Lộc và đơn vị thi công thực hiện phương án đảm bảo quy định.

Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, UBND xã Cầu Lộc đã cắm biển khoanh vùng, lập rào chắn cảnh báo khu vực có nguy cơ sạt lở, không để người dân và vật nuôi đi vào; đồng thời có phương án ứng phó với thiên tai và sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Trước đó, như phóng viên TTXVN thông tin, khoảng 2 năm trở lại đây, khu vực chân núi Thiều (thôn Thiều Xá 2, xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) liên tiếp bị sạt lở. Vách núi thẳng đứng và không có ta-luy, dốc đứng 60 độ này có vết sạt trượt dài từ đỉnh núi xuống chân núi. Nhiều tảng đá lớn nằm trên núi tiềm ẩn và có nguy cơ đổ sập, lăn rơi xuống chân núi bất cứ lúc nào. Nhiều đất, đá tảng trên núi đã sạt trượt xuống khu vực chân núi, làm hư hỏng tài sản của người dân.

Theo người dân sống dưới chân núi, nhiều đoàn đã đến kiểm tra. Ngoài ra, khu vực này trước đây đã bị khai thác đất làm 3 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp và 4 hộ khác bị ảnh hưởng gián tiếp khi thiên tai xảy ra (đá lăn từ chân núi vào sát nhà). Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đã nhiều lần kiến nghị UBND huyện Hậu Lộc sớm có phương án xây kè bảo vệ để khắc phục tình trạng sạt lở núi này.

Tin, ảnh: Nguyễn Nam (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-hoi-phan-bien/thanh-hoa-phan-hoi-thong-tin-sat-lo-khu-vuc-chan-nui-thieu-20231118194000540.htm