Thanh Hóa sẵn sàng phương án di dời dân đến nơi an toàn

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Công điện số 08/CĐ-UBND nhằm khẩn trương triển khai ứng phó với bão số 3.

Lãnh đạo phường Sầm Sơn kiểm tra công tác phòng, chống bão. Ảnh: TTXVN phát

Lãnh đạo phường Sầm Sơn kiểm tra công tác phòng, chống bão. Ảnh: TTXVN phát

Công điện yêu cầu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các xã, phường, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, Giám đốc Cảng vụ hàng hải Thanh Hóa và các đơn vị liên quan với tinh thần khẩn trương nhất, quyết liệt nhất để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và nhà nước, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do bão gây ra.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm việc cấm biển. Tập trung kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền (bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch) còn đang hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, tàu thuyền tại khu neo đậu; kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu khi bão đổ bộ vào; bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động, phối hợp chặt chẽ trong công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Tổ chức rà soát, chủ động triển khai ngay phương án sơ tán dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, nhất là ở cửa sông, ven biển, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các nhà yếu không đảm bảo an toàn. Đồng thời kiểm tra, rà soát, gia cố, bảo vệ an toàn các công trình trọng yếu, nhất là các hồ đập thủy lợi, đê điều, công trình công cộng, công trình đang thi công dở dang, trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, nhà máy, hệ thống hạ tầng điện, nước, viễn thông, giao thông, bảo đảm vận hành an toàn, liên tục trong thời gian bão, lũ.

Tính đến chiều 21/7, khu đô thị du lịch biển Sầm Sơn có khoảng 4.000 du khách đang lưu trú. Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn 2 phường Sầm Sơn và Nam Sầm Sơn đã khẩn trương triển khai phương án đảm bảo an toàn cho du khách. Hiện tất cả các khu vực đã được gia cố, đảm bảo hệ thống điện nước, sẵn sàng vận hành và hỗ trợ trong mọi tình huống. Trước tình hình thời tiết bất khả kháng, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại Thanh Hóa cũng đã linh hoạt trong việc điều chỉnh, hoãn hoặc hủy dịch vụ cho du khách có nhu cầu mà không phát sinh chi phí.

Trong ngày 21/7, các đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã đi kiểm tra công tác chỉ đạo ứng phó với bão số 3 tại các địa phương trong tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm đã trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với bão tại các xã Trung Lý, Pù Nhi và Mường Lát (huyện Mường Lát cũ) đồng thời chủ trì hội nghị trực tuyến với 24 điểm cầu các xã miền núi thuộc 3 huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn cũ. Trong đó yêu cầu các địa phương đặc biệt lưu ý tổ chức lực lượng trực gác 24/24 giờ tại các vị trí xung yếu như ngầm tràn, khu vực sạt lở, nước chảy xiết; chủ động rào chắn, cắm biển cảnh báo, tuyệt đối không để người và phương tiện qua lại khi không an toàn. Đồng thời chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, lực lượng quân sự, công an, biên phòng, dân quân tự vệ sẵn sàng cơ động, hỗ trợ sơ tán dân khi có tình huống xảy ra.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của bão số 3, nhất là khả năng mưa lớn do hoàn lưu bão gây nguy cơ cao sạt lở, UBND xã Trung Hạ (huyện Quan Sơn cũ) đã tổ chức họp, thông báo tình hình thời tiết và thống nhất di dời khẩn cấp 168 người dân của bản Muỗng ra khỏi vùng nguy hiểm đến nơi ở an toàn.

Chủ động phương án di dời khẩn cấp người dân ra khỏi khu vực nguy cơ sạt lở cao

Người dân xã biên giới Na Mèo, tỉnh Thanh Hóa gia cố nhà cửa trước bão số 3. Ảnh: TTXVN phát

Người dân xã biên giới Na Mèo, tỉnh Thanh Hóa gia cố nhà cửa trước bão số 3. Ảnh: TTXVN phát

Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, tại một số xã thuộc khu vực biên giới miền núi tỉnh Thanh Hóa có nguy cơ xảy ra sạt lở cao, đe dọa tính mạng của người dân, chính quyền các địa phương đã chủ động phương án di dân đến nơi an toàn.

Trong ngày 21/7, xã biên giới Na Mèo đã dựng lán tạm, sẵn sàng phương án di dân đến nơi an toàn trong tình huống sạt lở. Do ảnh hưởng của bão số 4 vào cuối tháng 9/2024, đồi đất phía trên khu dân cư, trường học và nhà văn hóa bản Cha Khót, xã Na Mèo bị sạt lở nghiêm trọng, làm hư hỏng, biến dạng 12 nhà dân. Ngoài ra, trên đồi cũng xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài khoảng 300m. Theo khảo sát, trung bình vết nứt rộng từ 50-70cm, nhiều vị trí sạt lở với chiều sâu cung sạt khoảng 1-2m. Tình trạng sạt lở đã đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng của toàn bộ 55 hộ dân với 220 nhân khẩu sinh sống tại bản.

Đầu tháng 10/2024, Chủ tịch UBND tỉnh đã công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đồi đất tại đây; yêu cầu các sở, ngành có liên quan và chính quyền địa phương triển khai ngay các biện pháp cần thiết đảm bảo an toàn cho người, tài sản của các hộ dân sinh sống trong khu vực ảnh hưởng. Tuy nhiên đến nay, người dân bản Cha Khót vẫn đang chờ được Nhà nước đầu tư khu tái định cư để ổn định cuộc sống. Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, nhất là khả năng mưa lớn kéo dài do hoàn lưu bão, nguy cơ khu vực bản Cha Khót sạt lở là rất cao, Đảng ủy, UBND xã Na Mèo đã khẩn trương chủ động triển khai phương án ứng phó.

Theo ông Ngân Phúc Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã Na Mèo, từ ngày 20/7, xã đã phân công cán bộ trực tiếp đến bản tuyên truyền, vận động bà con chuẩn bị nhu yếu phẩm, vật dụng thiết yếu, sẵn sàng di dời đến nơi tránh trú an toàn; đồng thời tổ chức lực lượng làm lán trại tạm thời, phục vụ công tác di dời người dân trong tình huống khẩn cấp. Hiện khu lán tạm đã cơ bản được hoàn thành, đáp ứng nhu cầu tránh trú tạm thời của toàn bộ người dân bản Cha Khót khi tình huống sạt lở xảy ra. Xã cũng đã chủ động các điều kiện cần thiết để phục vụ người dân trong thời gian tránh trú, như lương thực, thực phẩm, điện sáng, nước uống...

Tại xã Trung Hạ đã xây dựng phương án, tổ chức di dời khẩn cấp 39 hộ dân với 168 khẩu sinh sống dọc đồi thấp ven sông Lò và các khe, suối ở bản Muỗng ra khỏi vùng nguy hiểm. Sau cơn bão số 4 vào cuối tháng 9/2024, các vết nứt, sụt lún xuất hiện trên nền, sân, tường nhà dân và đường giao thông trong bản, nguy cơ sạt lở tại đây rất cao. Sau khi Chủ tịch UBND tỉnh công bố tình huống khẩn cấp, huyện Quan Sơn (cũ) đã chủ động đấu nối, phối hợp với sở, ngành liên quan thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng khu tái định phục vụ di dời khẩn cấp người dân bản Muỗng đến nơi ở an toàn. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay khu tái định cư vẫn chưa được xây dựng, người dân vẫn sinh sống trên nơi ở cũ.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của bão số 3, nhất là khả năng mưa lớn do hoàn lưu bão gây nguy cơ cao sạt lở, ngày 20/7, UBND xã Trung Hạ đã tổ chức họp bản, thông báo tình hình thời tiết và thống nhất di dời toàn bộ người dân đến nơi ở an toàn. Trong sáng 21/7, xã đã tổ chức lực lượng dựng lán tạm trên khu vực an toàn, ở gần bản. Đồng thời tiến hành di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Việc di dời được tổ chức bài bản, khẩn trương, có sự tham gia của lực lượng công an và quân sự. Đến 16 giờ ngày 21/7, công tác di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm ở bản Muỗng đã hoàn thành. Xã cũng chuẩn bị điện, nước và lương thực, thực phẩm đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ để bảo vệ và hỗ trợ người dân khi cần thiết.

Khiếu Tư - Hoa Mai (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/thanh-hoa-san-sang-phuong-an-di-doi-dan-den-noi-an-toan-20250721204059146.htm