Người dân bản Khuyn (xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước) thường vui đùa gọi Lục Văn Nam là “gã khùng”. Chàng thanh niên đã ngoài 30 tuổi nhưng chưa lập gia đình, sớm tối ra suối “ăn ở” cùng đàn vịt.
Năm 2012, sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng Nông lâm Thanh Hóa, nhận thấy ở địa phương có giống vịt Cổ Lũng ngon nức tiếng, anh đã quyết định khởi nghiệp ngay chính trên quê hương mình.
Nói là làm, Nam vay mượn được hơn 40 triệu đồng tiền vốn từ người thân rồi ra bờ suối cạnh nhà dựng lều trại, quây lưới để thả những lứa vịt đầu tiên.
“Khi học xong, thấy tiềm năng ở quê cũng khá thuận lợi nên em quyết định luôn. Lúc bấy giờ vịt Cổ Lũng nuôi tràn lan khắp xã nhưng manh mún. Để tìm các con vịt giống thuần chủng em phải đi khắp xã để chọn. Cuối cùng cũng gom được 50 con bố mẹ thuần chủng về làm giống”. Nam chia sẻ.
Những ngày đầu, thấy Nam dựng lán rồi ra bờ suối nằm trông lũ vịt, nhiều người ngạc nhiên. Thế nhưng, lứa vịt đầu tay của Nam lớn nhanh như thổi, đẻ trứng đều đặn.
Theo Nam chia sẻ, vịt Cổ Lũng khi nhỏ rất khỏe, đây là giống vịt ưa sự tự nhiên nên phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển đúng bản năng. Giống vịt này hợp với môi trường nước suối, sinh trưởng tốt.
Từ 50 vịt bố mẹ, sau nhiều năm phát triển, hiện Nam sở hữu cho riêng mình một đàn vịt hơn 1.000 con. Mỗi ngày, số vịt tại trang trại đẻ đều đặn, trứng vịt Cổ Lũng to, đều nên dễ bán hơn nhiều so với trứng vịt thông thường.
Tuy nhiên, nuôi vịt đẻ trứng không phải là ý tưởng mà Nam hướng tới. Những năm qua, ngành du lịch ở địa phương cũng phát triển nhiều với khu du lịch Pù Luông, các resort, nhà hàng mọc lên như nấm, Nam đẩy mạnh về cách làm vịt thương phẩm. Mỗi ngày anh xuất đi các nhà hàng, khu du lịch từ 20 - 30 con.
Với lợi thế sinh trưởng trong môi trường sạch sẽ, nước mát, chuồng trại thông thoáng nên vịt Cổ Lũng lớn nhanh, thịt vịt thơm và không nhiều mỡ. Chính vì thế, hiện nay rất nhiều nhà hàng lựa chọn giống vịt đặc sản này để kinh doanh.
Ngoài vịt Cổ Lũng, anh còn mạnh dạn nuôi thử nghiệm giống lợn lòi. “Khi tham quan mô hình ở huyện Lang Chánh, thấy giống lợn lòi dễ nuôi, tận dụng đất đồi sau nhà đang còn trống nên đã thử nghiệm.
Với giống lợn lòi, Nam chủ yếu bán con giống. Lợn giống sẽ được bán với giá 140 nghìn đồng/1kg. Ngoài ra, những lứa lợn thương phẩm cũng được nhiều khách hàng yêu thích,theo đơn đặt hàng lợn thương phẩm sau khi làm sạch sẽ được bán với giá 160 nghìn đồng/1kg. Mỗi năm, mô hình nuôi lợn lòi cũng đem về cho anh từ 40 – 60 triệu đồng.
Dự định về tương lai, Nam vui vẻ tâm sự: “Trước tiên phải lấy vợ đã, sau đó nếu có điều kiện em sẽ mở rộng mô hình này hơn, ngoài liên kết với các hộ dân thì cần phải mở rộng các mối liên kết với nhà hàng, khách sạn để đảm bảo về đầu ra cho sản phẩm”.
Tuấn Kiệt – Hoàng Đông/Báo Thanh Hóa