Thanh Hóa: Thêm nhiều sản phẩm được đánh giá, xếp hạng OCOP
Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa vừa tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2022.
Theo đó, có 40 sản phẩm của 19 huyện, thị xã, thành phố tham gia đánh giá, xếp hạng. Kết quả có 34 sản phẩm được các thành viên trong Hội đồng thống nhất chấm điểm đạt 3 sao; 4 sản phẩm đạt chất lượng 4 sao. 2 sản phẩm là thanh long ruột đỏ Xuân Du (Như Thanh) và tinh bột nghệ Hùng Na (Triệu Sơn) do thiếu một số tiêu chí nên Hội đồng đề nghị tiếp tục hoàn thiện, tham gia đánh giá xếp hạng những đợt tiếp theo.
40 sản phẩm đề nghị Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm đợt 1 năm 2022 đều đảm bảo yêu cầu theo quy định tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 và Quyết định số 781/QĐ-TTg ngày 08/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Các sản phẩm đều có chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng từ vệ sinh an toàn thực phẩm trở lên. Các sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm đều có phiếu xét nghiệm nguồn nguyên liệu đầu vào và kiểm tra chất lượng sản phẩm đầu ra đạt yêu cầu theo quy định.
Sản phẩm nước mắm cốt TH của Công ty Trách nhiệm hữu hạn chế biến hải sản Ba Làng được chứng nhận ISO, sản phẩm đạt chứng nhận quốc gia; mật ong hoa rừng Thọ Bình được chứng nhận ISO, HACCP; Sản phẩm Hộp tre đựng bánh kẹo tết của công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại BambooVina đã xuất khẩu đi các thị trường châu Âu, Đức, Mỹ; Ngô ngọt đóng hộp Trường Tùng đã xuất khẩu đi các nước châu Âu, Nga, Hàn Quốc, Australia...
Ông Phan Xuân Hùng, Trưởng phòng OCOP, Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới Thanh Hóa cho biết, Thanh Hóa hiện có 196 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao; 44 sản phẩm đạt 4 sao. Thời gian tới, Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới Thanh Hóa tiếp tục phối hợp tuyên truyền Chương trình OCOP trên các báo, đài trung ương và địa phương, trên các trang thông tin điện tử, website và trên các trang mạng xã hội.
Văn phòng hỗ trợ nâng cấp sản phẩm OCOP, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát các sản phẩm được công nhận OCOP; tiếp tục hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; phát huy hiệu quả các điểm giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP.
Với các huyện có sản phẩm OCOP đầu tiên, như: Quan Sơn, Lang Chánh nghiên cứu, xây dựng cơ chế hỗ trợ riêng để khuyến khích các chủ thể phát triển, mở rộng quy mô sản xuất và lan tỏa tinh thần xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP tại địa phương.
Đối với 2 sản phẩm chưa được đánh giá, xếp hạng, Tổ giúp việc của Hội đồng tiếp tục hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện những tiêu chuẩn còn thiếu để tham gia xét, công nhận ở đợt tiếp theo.
Văn phòng sẽ thường xuyên phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố dựa vào cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025 theo Nghị quyết số 185/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh để tiếp tục hỗ trợ các chủ thể nâng cao chất lượng, quy mô sản xuất của sản phẩm và phát triển thêm nhiều sản phẩm mới, hoàn thành mục tiêu, kế hoạch Chương trình OCOP năm 2022…