Thanh Hóa thí điểm hoạt động giáo dục STEM với học sinh tiểu học
Thanh Hóa sẽ chọn triển khai thí điểm việc tổ chức hoạt động giáo dục STEM tại các trường tiểu học trên địa bàn năm học 2023-2024.
Nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý và giáo viên về vị trí, vai trò và ý nghĩa của giáo dục STEM trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học; thống nhất nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục STEM, trong 2 ngày 27 và 28/7, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện nội dung giáo dục STEM cấp tiểu học theo Chương trình GDPT 2018.
Giáo dục STEM giúp học sinh khám phá tiềm năng bản thân
Tại lớp tập huấn, báo cáo viên truyền đạt một số nội dung về giáo dục STEM trong chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học; tổ chức dạy học các môn theo bài học STEM; tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM trong các môn học, hoạt động giáo dục nhà trường; xây dựng kế hoạch giáo dục STEM trong nhà trường; tổ chức ngày hội STEM hoặc hoạt động trải nghiệm STEM trong thực tế.
Cụ thể, các học viên được tìm hiểu và trải nghiệm về bài học STEM theo các khối lớp 1, 2, 3 và 4, 5; xây dựng kế hoạch giáo dục STEM trong kế hoạch giáo dục các môn học và nhà trường; thực hành xây dựng chủ đề STEM trong hoạt động trải nghiệm STEM.
Sau đợt tập huấn, 5 đơn vị thí điểm gồm: Quảng Xương, Thọ Xuân, Thường Xuân, Thạch Thành và TP Thanh Hóa sẽ thực hiện tổ chức hoạt động giáo dục STEM trong kế hoạch giáo dục nhà trường từ năm học 2023-2024 để làm cơ sở tiền đề cho việc triển khai đại trà trong các năm học tiếp theo.
Theo báo cáo viên Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TP Thanh Hóa), giáo dục STEM là một xu thế giáo dục hiện đại của các nước phát triển giúp học sinh tiếp cận với cuộc cách mạng khoa học 4.0, góp phần thúc đẩy giáo dục công nghệ cao trong nhà trường hiện nay.
Giáo dục STEM với mục đích là giúp học sinh vận dụng kiến thức liên môn Khoa học – Công nghệ – Công nghệ - Toán học để sáng tạo ra những sản phẩm khoa học có tính ứng dụng cao, tạo hứng thú, khơi gợi niềm say mê học tập, giúp học sinh khám phá tiềm năng của bản thân, khám phá khoa học, công nghệ, phát huy tính tích cực sáng tạo và vận dụng vào giải quyết vấn đề trong bối cảnh cụ thể của thực tiễn cuộc sống.
Theo định hướng chương trình giáo dục phổ thông 2018, các nội dung dạy học có tính tích hợp cao ở giai đoạn giáo dục cơ bản và chuyển sang phân hóa ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Giáo dục STEM ở cấp Tiểu học có mục tiêu là tạo cơ hội để học sinh tích hợp kiến thức, kĩ năng ở các môn học đặc thù cho giáo dục.
Không chỉ dừng lại ở thí điểm
Bà Phạm Thị Như, Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP Thanh Hóa cho biết, dạy học các môn học theo bài học STEM là hình thức tổ chức dạy học thực hiện tích hợp nội môn hoặc liên môn. Căn cứ vào tình hình thực tiễn, các cơ sở giáo dục có thể tổ chức các hoạt động trải nghiệm STEM, ngày hội giao lưu về nghiên cứu khoa học, kỹ thuật tại đơn vị làm cơ sở để lựa chọn các đề tài, dự án nghiên cứu tham gia các sân chơi về nghiên cứu khoa học, kỹ thuật phù hợp với học sinh cấp tiểu học.
Trong năm học 2023-2024, Phòng GD&ĐT thành phố Thanh Hóa chỉ định 5 đơn vị thực hiện thí điểm. Ngoài ra, sẽ khuyến khích tất cả các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn đảm bảo các điều kiện tổ chức triển khai thực hiện giáo dục STEM.
Phát biểu tại Hội nghị tập huấn ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa nhấn mạnh giáo dục STEM có vai trò hết sức quan trọng trong việc thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Ngoài phát triển các năng lực và phẩm chất như định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo dục STEM đặc biệt quan tâm trong việc nâng cao hứng thú học tập cho học sinh trong các môn học thuộc lĩnh vực STEM, đồng thời tăng cường hoạt động kết nối với cộng đồng. Qua đó, giúp cho học sinh có cơ hội tiếp cận, có hiểu biết cơ bản về nghề nghiệp trong các lĩnh vực STEM nhằm bước đầu tạo tiền đề cho việc định hướng nghề nghiệp.
Giám đốc Sở GD&ĐT cũng đề nghị tất cả cán bộ quản lý, giáo viên từng bước tiếp cận, nghiên cứu tài liệu giáo dục STEM đưa vào chương trình giảng dạy một cách hiệu quả phù hợp với đối tượng và điều kiện của địa phương.
Đối với những trường tiểu học không được chọn để thí điểm, Sở GD&ĐT khuyến khích nhà trường đảm bảo các điều kiện tổ chức, mạnh dạn triển khai thực hiện và xây dựng kế hoạch giáo dục tích hợp STEM.
Theo ông Hoàng Văn Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển giáo dục Big Ben, Công ty TNHH Đầu tư và phát triển giáo dục Big Ben là một trong những đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong triển khai giáo dục STEM và đủ điều kiện về chương trình, đội ngũ giáo viên để phối hợp với các nhà trường triển khai giáo dục STEM trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Chương trình STEM của Big Ben được xây dựng bởi đội ngũ chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong giáo dục STEM, đảm bảo theo đúng định hướng và gắn kết chặt chẽ với chương trình GDPT 2018.
Cũng theo ông Sơn, các chủ đề trải nghiệm STEM trong chương trình được lựa chọn kỹ lưỡng nhằm mục tiêu vừa đáp ứng đúng yêu cầu của Bộ GD&ĐT vừa phù hợp với sở thích, năng khiếu và nguyện vọng của học sinh, giúp học sinh có hứng thú và động lực học tập, từ đó góp phần phát triển phẩm chất, năng lực và bồi dưỡng đam mê tìm tòi, khám phá khoa học của học sinh.
Chương trình giáo dục STEM của Big Ben được số hóa và quản lý bằng phần mềm, bao gồm: giáo án, bài giảng điện tử và video hướng dẫn dạy, giúp giáo viên nhà trường dễ dàng tìm hiểu và triển khai dạy học. Vật liệu, thiết bị sử dụng cho các chủ đề STEM đều dễ tìm, sẵn có trong cuộc sống và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh.
Ngoài việc cung cấp môi trường dạy học cho giáo viên, phần mềm dạy học STEM của Big Ben còn kết nối với phụ huynh, giúp phụ huynh có thể nắm bắt được tình hình học tập của học sinh.