Thanh Hóa: Thu ngân sách hơn 20.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm

Sáng 10/7, tại TP Thanh Hóa, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, đã khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 14.

Sáng 10/7, tại TP Thanh Hóa, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, đã khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 14.

Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa phát biểu khai mạc kỳ họp.

Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa phát biểu khai mạc kỳ họp.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh: Tại kỳ họp quan trọng này, HĐND tỉnh sẽ xem xét các báo cáo của UBND tỉnh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; kết quả thực hiện dự toán thu, chi ngân sách; kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023; kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh. Sau khi nghe báo cáo cụ thể, HĐND tỉnh sẽ xem xét thông qua 20 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh tập trung phân tích, đánh giá sâu sắc, toàn diện về những kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan trong khâu tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó, sớm đề xuất bổ sung, điều chỉnh các giải pháp phù hợp, khả thi để hoàn thành cao nhất mục tiêu năm 2023 và cả nhiệm kỳ.

Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa trình bày báo cáo kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trong 6 tháng đầu năm.

Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa trình bày báo cáo kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trong 6 tháng đầu năm.

Báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế, ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong 6 tháng qua ước đạt 7,0%, đứng thứ 18 cả nước và đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ; Năng suất lúa vụ chiêm xuân đạt cao nhất từ trước đến nay; Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,49%; Huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 66.090 tỷ đồng: Thu hút được 33 dự án đầu tư trực tiếp (trong đó có 9 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký là 8.949 tỷ đồng và 131,4 triệu USD; Giá trị giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đến hết tháng 6 đạt khoảng 39,9% kế hoạch, cao hơn bình quân chung cả nước (khoảng 31,4%).

Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 20.577 tỷ đồng, bằng 58% dự toán; trong đó thu nội địa ước đạt 11.800 tỷ đồng, bằng 54% dự toán; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 8.777 tỷ đồng, bằng 65% dự toán.

Du lịch là lĩnh vực ghi dấu ấn với hơn 8,3 triệu lượt khách du lịch đến với các khu, điểm du lịch của Thanh Hóa, doanh thu du lịch ước đạt hơn 15.000 tỷ đồng. Riêng thành phố Sầm Sơn, 6 tháng đầu năm đã đón 5,3 triệu lượt khách, đạt 117% kế hoạch cả năm.

Thu ngân sách từ tiền sử dụng đất tại Thanh Hóa trong 6 tháng đầu năm 2023 giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022.

Thu ngân sách từ tiền sử dụng đất tại Thanh Hóa trong 6 tháng đầu năm 2023 giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022.

Đến hết ngày 19/6, Thanh Hóa có 1.287 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, bằng 78,4% so với cùng kỳ, đứng thứ 8 cả nước và đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ. Cùng với đó, tỉnh đã giải quyết việc làm cho 30.500 lao động, trong đó, có 5.612 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho 13.345 lao động.

Lĩnh vực chăn nuôi gặp khó khăn do giá thức ăn, thuốc thú y, vaccine phục vụ chăn nuôi ở mức cao (tăng 4 - 5% so với cùng kỳ), trong khi giá đầu ra sản phẩm chăn nuôi không ổn định, giá bán thấp so với chi phí đầu tư. Việc khai thác, xâm lấn rừng còn xảy ra tại một số địa bàn.

Một số sản phẩm công nghiệp truyền thống vẫn gặp khó khăn, sản lượng giảm mạnh so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu giảm 9,7% so với cùng kỳ. Thu ngân sách Nhà nước đạt tỷ lệ khá so với dự toán (đạt 58%) nhưng giảm mạnh so với cùng kỳ (giảm 25%); đặc biệt là số thu từ tiền sử dụng đất giảm sâu so với cùng kỳ (giảm 60%).

Hoạt động đầu tư, xây dựng vẫn gặp khó khăn do vướng mắc về thể chế, thủ tục hành chính, giá vật liệu xây dựng. Một số dự án chậm đã nhiều năm nhưng chưa có dấu hiệu đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tiến độ đầu tư hạ tầng một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp qua nhiều năm vẫn còn chậm và thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng hạ tầng của các dự án thứ cấp. Kết quả thu hút đầu tư còn hạn chế. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của tỉnh đứng thứ 47 cả nước, giảm 4 bậc so với năm 2021.

Năm 2023, Thanh Hóa đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP cả năm là 11,0% trở lên, vì vậy, nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm trong sẽ phải đạt tốc độ tăng trưởng GRDP từ 14,59% trở lên, trong đó: Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,07% trở lên; công nghiệp - xây dựng tăng 19,6% trở lên; dịch vụ tăng 11,22% trở lên; thuế sản phẩm tăng 19,58%. Sản lượng lương thực đạt 611,4 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 3.069 triệu USD, huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 73.910 tỷ đồng, thu ngân sách Nhà nước đạt 14.763 tỷ đồng.

Trong ngày mai (11/7), HĐND tỉnh Thanh Hóa sẽ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường (TNMT) và Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT). Trong đó, 3 nội dung dự kiến chất vấn Giám đốc Sở TNMT gồm: Thực trạng nhiều dự án đã được UBND tỉnh giao đất nhiều năm, đã được gia hạn nhiều lần nhưng nhà đầu tư vẫn không triển khai dự án hoặc triển khai thực hiện chậm; Tình trạng cán bộ, đơn vị hành chính Nhà nước gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Vấn đề tiến hành lập, thẩm định, trình phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2023 trên địa bàn tỉnh rất chậm.

Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII.

Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII.

Đối với phần chất vấn Giám đốc Sở GDĐT cũng sẽ xoay quanh 3 vấn đề, cụ thể là thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên đang diễn ra tại tất cả các cấp học, đặc biệt là thiếu giáo viên các môn tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật; Chất lượng dạy và học ngoại ngữ của tỉnh Thanh Hóa còn thấp so với yêu cầu và bình quân chung của cả nước, còn chênh lệch nhiều giữa các vùng miền.

Đến thời điểm hiện tại mới chỉ tập trung giảng dạy ngoại ngữ ở môn tiếng Anh, chưa phát triển và dạy học ở một số môn ngoại ngữ khác; Thực trạng và giải pháp huy động sức mạnh toàn dân, huy động trong công tác xã hội hóa để giúp đỡ giáo viên và đặc biệt là học sinh tại các xã khu vực 3, khu vực 2, và khu vực 1 thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, có điều kiện để tham gia học tập.

Đình Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thanh-hoa-thu-ngan-sach-hon-20000-ty-dong-trong-6-thang-dau-nam-5722675.html