Thanh Hóa: Tiềm năng về một miền di sản
Thanh Hóa được xem là một vùng đất hội tụ các điều kiện tự nhiên và tồn tại đầy đủ các giá trị lịch sử, văn hóa để trở thành một vùng miền di sản đầy tiềm năng.
Di sản Văn hóa thế giới Thành nhà Hồ
Thanh Hóa là một miền đất rộng lớn nằm ở địa đầu của khu vực Bắc Trung Bộ với cảnh quan thiên nhiên đa dạng và phong phú (rừng núi, trung du, đồng bằng và biển đảo), nơi có sự hội tụ rất sớm của nhiều tộc người sinh sống đã để lại nhiều dấu ấn thông qua các nền văn hóa từ thời đại đá cũ, đá mới, kim khí và phát triển liên tục đến ngày nay.
Đúng như một học giả người Pháp H.Lebreton đã nhận định về Thanh Hóa trong cuốn “La Province Thanh Hoa” (Tỉnh Thanh Hóa/Thanh Hóa tươi đẹp), xuất bản năm 1924: “…nơi có thiên nhiên đẹp nhất, cũng như giàu kỷ niệm lịch sử hay truyền thuyết nhất Đông Dương” - nhận định này đã khẳng định, Thanh Hóa là một vùng đất hội tụ các điều kiện tự nhiên và tồn tại đầy đủ các giá trị lịch sử, văn hóa, để trở thành một vùng miền di sản đầy tiềm năng.
Với kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú, không những có giá trị đặc trưng mà còn đa dạng về thể loại. Theo thống kê cho thấy, Thanh Hóa có 1.535 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 852 di tích đã được xếp hạng (01 di sản văn hóa thế giới, 05 di tích quốc gia đặc biệt, 139 di tích quốc gia, 707 di tích cấp tỉnh) với nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh tiêu biểu như: Khu di tích lịch sử Lam Kinh, Thành Nhà Hồ, Đền Bà Triệu, Phủ Trịnh, Gia Miêu - lăng miếu Triệu Tường; các khu, điểm du lịch nổi tiếng như: Bến En, Pù Luông, Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa…
Khu di tích đền thờ Mai An Tiêm, xã Nga Phú, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa
Đây cũng là vùng đất lưu giữ nhiều giá trị di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, mang sắc thái riêng của 7 dân tộc anh em. Trong đó có các lễ hội truyền thống tiêu biểu gắn với những nhân vật lịch sử nổi tiếng của Thanh Hóa như: Bà Triệu, Mai An Tiên, anh hùng dân tộc Lê Lợi.
Chính hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đã làm nên loại hình di sản văn hóa vật thể khá đồ sộ và phong phú mà ít nơi nào có được như xứ Thanh. Trong đó, khu di tích lịch sử đền Bà Triệu thuộc xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, được xây dựng, trùng tu, tôn tạo qua nhiều thời kỳ với giá trị đặc biệt tiêu biểu, đã được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Bao gồm các địa điểm: đền thờ và lăng mộ Bà Triệu, mộ ba ông tướng họ Lý, miếu Bàn Thề, đình Phú Điền, đền Đệ Tứ.
Hay Thái miếu nhà Lê (hay còn gọi là đền Lê) thuộc thôn Kiều Đại, phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa được dựng năm Gia Long thứ 4 (1805). Nơi đây thờ cúng 27 vị Hoàng đế thời Lê, Hoàng Thái Hậu cùng các Vương công nhà Hậu Lê. Được dựng theo phong cách kiến trúc Hậu Lê và thời Nguyễn, bao gồm tiền điện và hậu điện được nối bằng một sân điện chạy dài. Tại đền hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật gốc rất có giá trị về nhiều phương diện. Thái miếu nhà Lê được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp Bằng Di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Một trong những di sản Văn hóa thế giới, đó là Thành nhà Hồ thuộc địa bàn 2 xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa từng là kinh đô nước Đại Ngu (quốc hiệu Việt Nam thời nhà Hồ). Đây là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá có quy mô lớn hiếm có ở Việt Nam, có giá trị độc đáo nhất, duy nhất còn lại ở Đông Nam Á. Thành có hình chữ nhật, xung quanh có hào sâu. Bốn cửa thành xây theo kiểu vòm cuốn, bằng đá, riêng cổng phía Nam là cổng chính có ba cửa ra vào, dài trên 34m, cao hơn 10m. Tường thành đá xây bằng những khối đá nặng trung bình 10 - 16 tấn, có khối nặng đến trên 26 tấn, được đẽo gọt khá vuông vắn và lắp ghép theo hình chữ công, cửa cuốn của thành được xây dựng bằng các khối đá hình nêm tạo nên sự liên kết vững chắc. Với giá trị nổi bật toàn cầu, ngày 27/6/2011, thành nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.
Vườn quốc gia Bến En là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn đối với bất kỳ ai yêu thích vẻ nguyên sơ của tạo hóa
Bản Đôn, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Bá Thước), Vườn quốc gia Bến En (Như Thanh) là địa chỉ du lịch sinh thái hấp dẫn đối với bất kỳ ai yêu thích vẻ nguyên sơ của tạo hóa. Đây là một vùng rừng núi, sông hồ rộng khoảng hơn 16.000ha còn hoang dã với hệ động thực vật đa dạng và phong phú, quý hiếm như: voi, gấu, hổ, voọc má trắng, lim, lát hoa, chò chỉ... Bến En còn có hơn 4.000ha mặt hồ với 21 hòn đảo lớn nhỏ tạo nên cảnh quan thiên nhiên vô cùng quyến rũ.
Cùng đó là Hang Con Moong thuộc địa phận bản Mọ, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành với những dấu vết của người tiền sử vẫn còn hiện hữu nguyên vẹn. Nơi đây đã chứng kiến các giai đoạn phát triển liên tục, phong phú của xã hội loài người từ sơ kỳ đồ đá cũ đến thời đại đồ đá mới. Ngoài các công cụ bằng đá, bằng xương thú, vỏ sò, vỏ ốc... người ta còn tìm thấy dấu vết bếp lửa có hình gần tròn, hoặc tròn, dày ở giữa, mỏng xung quanh, có đường kính 4m. Đây chính là minh chứng nơi quần tụ của thị tộc. Với những giá trị độc đáo, mang tính toàn cầu, hang Con Moong đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Ngày 24/8/2020,Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1290/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích khảo cổ hang Con Moong và các di tích phụ cận huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.
Cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây Bắc, Khu di tích lịch sử Lam Kinh nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân. Nơi đây, người anh hùng dân tộc Lê Lợi đã phất cờ khởi nghĩa, lãnh đạo cuộc chiến đấu 10 năm chống giặc Minh, dựng lại nền độc lập cho nước nhà. Theo các tư liệu còn được cho thấy, sau khi lên ngôi Hoàng đế, vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) đã cho xây dựng điện Lam Kinh (còn có tên là Tây Kinh), phía Bắc dựa vào núi Dầu (gọi là Du Sơn), mặt Nam nhìn ra sông - có núi Chúa làm tiền án, bên tả là rừng Phú Lâm, bên hữu là núi Hương và núi Rồng chắn phía Tây.
Đến với Lam Kinh, du khách sẽ được chiêm ngưỡng 3 tòa chính điện - một công trình kiến trúc gỗ có quy mô lớn, với một hệ thống hàng cột cái có đường kính 0,62m, nằm trang nghiêm trên một nền đất rộng, cao. Khu di tích lịch sử Lam Kinh đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Lịch sử cấp quốc gia năm 1962. Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, Lam Kinh đã và đang trở thành trung tâm văn hóa, du lịch lớn của tỉnh Thanh Hóa. Với tầm vóc và ý nghĩa lịch sử lớn lao, tháng 9/2013 Khu di tích lịch sử Lam Kinh được công nhận Di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Khu di tích lăng miếu Triệu Tường thuộc xã Hà Long, huyện Hà Trung là dấu ấn đậm đặc nhất như là minh chứng cho sự tồn tại của vương triều Nguyễn trên đất xứ Thanh. Làng Gia Miêu - như trong bài minh của vua Minh Mạng, được khắc trên tấm bia đá đặt tại lăng Trường Nguyên - vốn là nơi “non nước bao bọc râm mát tùng xanh/khí thiêng nhóm họp đời đời xưng vinh”. Tọa lạc trên mảnh đất ấy, Khu di tích lăng miếu Triệu Tường - lưng dựa núi, mặt hướng ra cánh đồng ngút ngát. Năm 1804, sau khi vua Gia Long lên ngôi đã cho xây dựng ở quý hương Gia Miêu một khu miếu thờ có 3 gian 2 chái. Gian chính giữa thờ Triệu Tổ Tĩnh Hoàng Đế, gian bên tả thờ Thái Tổ - Gia Dụ Hoàng Đế (Nguyễn Hoàng), đều hướng về Nam, hàng năm gặp tiết ngũ hương và các tiết khác đều tế theo lệ các miếu ở kinh, quan tỉnh khâm mạng làm lễ. Miếu được đặt tên là Nguyên miếu, cạnh đó còn có miếu thờ Trừng Quốc Công thân phụ Nguyễn Kim. Năm 1808, Gia Long đặt tên cho khu mộ Nguyễn Kim là lăng Trường Nguyên.
Di tích Phủ Trịnh, làng Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử quốc gia năm 1995. Phủ Trịnh được xây dựng trên diện tích khoảng 10ha, gồm có các hệ thống cung điện, đền đài khá hoàn chỉnh làm nơi thờ tự tổ tiên, nơi đặt hành dinh, nơi ăn ở của các chúa Trịnh (Phủ từ, khu nội phủ, Hành doanh, khu làm việc của các quan, khu thờ cúng, khu vườn hoa, bàn cờ…).
Hòn trống mái, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa
Cùng đó, biển Sầm Sơn cũng là nơi tắm biển lý tưởng mà người Pháp đã khai thác từ năm 1906 và nhanh chóng trở thành nơi nghỉ mát nổi tiếng của Đông Dương. Sầm Sơn có cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, vùng biển bao la hấp dẫn với nhiều thắng tích và huyền thoại như: hòn Trống Mái, đền Cô Tiên, đền Độc Cước, dãy núi Trường Lệ… Du khách đến Sầm Sơn, ngoài tắm biển có thể đi dạo dọc đường Hồ Xuân Hương khám phá cuộc sống sôi động để hiểu hơn về cuộc sống đậm sắc thái văn hóa biển xứ Thanh.
Lễ hội Bà Triệu được tổ chức từ ngày 19 - 24/2 Âm lịch. Tại lễ hội diễn ra các hoạt động như: tế lễ, rước kiệu, tế nữ quan, lễ mộc dục, tế Phụng Nghinh... Bên cạnh đó, còn có các tiết mục văn nghệ dân gian như: trò “Ngư - Triệu giao quân”,hát chầu văn, thi đấu vật, leo dây, thổi cơm thi, đánh cờ tướng... Lễ hội Bà Triệu là một Di sản Văn hóa phi vật thể quý giá của nhân dân, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của những người con xứ Thanh anh hùng.
Lễ hội Mai An Tiêm, lễ hội Lam Kinh là những lễ hội truyền thống được tổ chức từ ngày 13 - 15/3 (Nga Sơn) và ngày 21-23/8 (Thọ Xuân) Âm lịch hàng năm nhằm tưởng nhớ Mai An Tiêm - người khai phá, xây dựng vùng đất Nga Sơn - ông tổ của loại dưa hấu nổi tiếng khắp cả nước. Trong lễ hội, có nhiều hoạt động tế lễ, sinh hoạt văn hóa tâm linh mang màu sắc dân gian, thần thoại cổ xưa như: rước kiệu, dâng hương, tế lễ, nấu cơm thi, ném lao, nhảy dây, kéo co, thi leo núi.
Lễ hội Lam Kinh là lễ hội mang tính lịch sử gắn liền với triều đại nhà Hậu Lê
Trong đó, Lễ hội Lam Kinh là lễ hội mang tính lịch sử gắn liền với triều đại nhà Hậu Lê. Đây là một trong những lễ hội truyền thống lớn, có tầm ảnh hưởng tín ngưỡng rộng. Lễ hội diễn ra từ ngày 21 - 23/8 Âm lịch hàng năm tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh, huyện Thọ Xuân. Về với Lễ hội Lam Kinh, du khách sẽ được tìm hiểu những nghi thức tế lễ cổ truyền mang đậm dấu ấn lịch sử thời Lê; được hòa mình trong không khí tưng bừng của các trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống của xứ Thanh như: trò cuân phả, trò chiềng, trò sanh ngô, trò chuộc, trò rủn, điệu hát múa rí ren dân ca Đông Anh, dân ca Sông Mã, kéo chữ, các tiết mục tuồng chèo…; tham quan các gian trưng bày hiện vật, cổ vật thời Lê, thưởng thức các món ăn đặc sắc của xứ Thanh...
Với truyền thống văn hóa, lịch sử tốt đẹp cùng với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt đồng bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền và niềm tự hào của người dân xứ Thanh về Kho di sản văn hóa đồ sộ, đa dạng, phong phú – được xem như một nguồn lực chiến lược, nguồn tài nguyên đặc biệt có giá trị để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phục vụ trực tiếp phát triển du lịch sẽ góp phần sớm đưa tỉnh Thanh đạt được mục tiêu “đến năm 2030 Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, là một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước…” theo Nghị quyết 58 - NQ/TW của Bộ Chính trị.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thanh-hoa-tiem-nang-ve-mot-mien-di-san-post103726.html