Thanh Hóa: Tiếp tục tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập
UBND tỉnh ban hành Công văn 2250/UBND-VX ngày 27-2-2023 về tiếp tục tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế tiếp tục thực hiện nghiêm việc cấp chứng chỉ hành nghề và cấp phép hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập; thực hiện giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, chính xác, đúng quy định pháp luật. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện tăng cường quản lý hành nghề y, dược ngoài công lập. Nâng cao năng lực, chất lượng thanh tra, kiểm tra. Kiên quyết thực hiện nghiêm chế tài xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hành nghề y, dược ngoài công lập; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ y tế và các cơ sở y tế, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Công khai danh sách người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược đã được Sở Y tế cấp phép hoạt động; cơ sở dịch vụ thẩm mỹ có văn bản thông báo cơ sở đáp ứng điều kiện hoạt động dịch vụ thẩm mỹ trên trang điện tử ngành Y tế để người dân biết, lựa chọn sử dụng dịch vụ an toàn, chất lượng. Công khai kết quả xử lý vi phạm trong lĩnh vực hành nghề y, dược trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, phòng tránh.
Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp Sở Y tế thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn bức xạ hạt nhân và đo lường trong sử dụng phương tiện đo nhóm 2 của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập theo quy định của pháp luật.
Sở Công Thương thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ người tiêu dùng trên phạm vi toàn tỉnh…
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở đăng ký hoạt động đào tạo nghề đối với nghề phun, xăm, thêu trên da.
Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, hệ thống truyền thanh cơ sở tuyên truyền Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 27-4-2018 của UBND tỉnh về tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn toàn tỉnh; tuyên truyền về tác hại, nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe khi sử dụng các dịch vụ tại các cơ sở khám, chữa bệnh không được cấp phép, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không đảm bảo điều kiện hoạt động, sử dụng thuốc và thực phẩm chức năng chưa được phép lưu hành. Phối hợp với Sở Y tế kiểm tra, xử lý các trường hợp quảng cáo trên báo chí, môi trường mạng, trên xuất bản phẩm hoặc tích hợp trên các sản phẩm, dịch vụ bưu chính viễn thông về lĩnh vực dược, khám, chữa bệnh, dịch vụ thẩm mỹ…, khi chưa được Sở Y tế, Bộ Y tế xác nhận theo quy định về nội dung hoặc quảng cáo sai, quảng cáo quá sự thật.
Công an tỉnh phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, Cục Quản lý thị trường, UBND cấp huyện và các đơn vị liên quan quản lý tốt hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập, đặc biệt là việc kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh và xử lý vi phạm trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh, kinh doanh thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả...
UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức phổ biến các quy định của pháp luật trong khám, chữa bệnh và quản lý dược cho các đối tượng làm công tác quản lý Nhà nước về Y tế của địa phương; người phụ trách chuyên môn của các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập thuộc địa bàn quản lý. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật của các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn; xử lý nghiêm các cá nhân và cơ sở hành nghề vi phạm; thông báo công khai các cơ sở hành nghề y, dược không được cấp phép trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để tình trạng các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập hoạt động trên địa bàn chịu trách nhiệm quản lý khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép…