Thanh Hóa: 'Trẩy hội măng' trong rừng phòng hộ

Cảnh buôn bán diễn ra công khai nơi bìa rừng và những chuyến xe chở măng cứ thế trót lọt qua nhiều trạm gác bảo vệ rừng, kiểm lâm như chốn không người là hiện tượng đang diễn ra ở Yên Nhân, Thường Xuân, Thanh Hóa.

X

Hướng mắt về bìa rừng, thuộc thôn Na Nghịu, xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa là cảnh người mua, kẻ bán lâm sản diễn ra công khai sát bìa rừng. Măng được người dân lấy ra từ trong những khu rừng phòng hộ lâu nay vẫn được bảo vệ nghiêm ngặt. Măng được đóng gùi, vác ra vệ đường, đưa lên xe trung chuyển qua các trạm gác. Đó là một thực tế đã tồn tại trong một thời gian dài tại Yên Nhân nhưng vẫn chưa được dẹp bỏ.

Trời bắt đầu lờ mờ sáng, trải dọc những sườn rừng, khe suối là cảnh tượng người dân lũ lượt dắt díu nhau đi vào rừng phòng hộ thuộc địa bàn thôn Na Nghịu, xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa để chặt măng như “trẩy hội”.

Theo người dân, măng bắt đầu sinh trưởng từ tháng 7 cho đến đầu tháng 8 hằng năm. Ở thời điểm măng nhú lên chừng 30cm là thời kỳ tích nước, ruột đặc, cân nặng, giá thành cao nên người dân nơi đây đổ xô đi vào rừng để chặt măng. Có những cây măng dài hơn 1 mét hoặc 2 mét nhưng vì lợi nhuận kinh tế nên người dân sẵn sàng chặt hạ để lấy phần ngọn, bóc vỏ để lấy măng đem bán.

“Măng nặng là măng mới nhú không chỉ là “mồi” ngon trên các bàn nhậu, mà còn là “mồi” săn lùng của người dân nơi đây. Bình thường một người đi chặt măng nửa ngày được chừng 300.000 - 350.000 đồng, mức thu nhập như thế là đủ sống đối với người dân miền núi. Kiểm lâm hay lực lượng bảo vệ rừng có biết thì nói thật cũng lờ đi để chúng tôi làm, chứ họ chỉ cần đứng ở bìa rừng thì ai dám vào rừng để chặt măng nữa” - một người dân cho biết.

Cảnh buôn bán măng diễn ra ngay sát bìa rừng tại xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa

Là một người có thâm niên trong nghề hái măng rừng trên địa bàn xã, anh T. (ở Lang Chánh) chia sẻ, ở thời điểm này đang vào dịp đầu mùa, có nhà cả gia đình 4,5 người cùng nhau đi chặt măng. Một người đi chặt từ sáng đến trưa cũng được khoảng 35 - 40 kg măng tươi. Đưa ra khỏi bìa rừng sẽ có người đón đợi bằng ô tô để thu gom, rồi trung chuyển qua các trạm gác bảo vệ rừng, lẫn trạm chốt của lực lượng kiểm lâm.

Theo anh T., ở thời điểm hiện tại, giá măng tươi được các đầu nậu mua lại của người dân đi khai thác về bán ngay bìa rừng chỉ mức 7.500 đồng/1kg. Mỗi bì măng người dân đi chặt trong buổi sáng khoảng chừng từ 100 - 120 cái măng, nếu giữ lại không cho người dân khai thác thì qua năm mỗi bì ấy hình thành cây sẽ được khoảng chừng 5 - 7 tấn nứa tươi, giá thành cũng rơi vào khoảng từ 5 - 7 triệu đồng.

Cũng theo anh T., khu vực khai thác măng chủ yếu thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn sông Chu. Dù có cho khai thác theo dạng chọn lọc thì cũng không được phép để dân làm ồ ạt, tràn lan vào rừng đến thế. “Khi đã gom đủ hàng của người dân, cánh lái buôn sẽ dùng xe khách “hết đát” tháo các hàng ghế ngồi để lấy chỗ xếp măng rồi chạy qua các điểm chốt bảo vệ rừng và trạm gác kiểm lâm theo các hướng đi vào địa bàn huyện Quế Phong (tỉnh Nghệ An) và xuống Bái Thượng(Thọ Xuân) hay huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) để nhập sỉ cho cho các đầu mối thu mua, phân bổ đi các vùng trong, ngoài tỉnh” - anh T. cho biết thêm.

Theo lời một người dân bản địa, chị N. hiện đang là cán bộ xã Yên Nhân (Thường Xuân), trước kia gia đình chị có xe ô tô để thu mua, vận chuyển măng. Nhưng kể từ khi bán xe thì chị chuyển sang thu gom rồi bán lại cho gia đình ông Thủy Tỉnh ở địa bàn xã. Bình quân mỗi ngày chị gom cũng được 5 - 7 tạ măng tươi đem đi bán.

Nhiều tấn măng được thu gom về để sang xe chở đi nơi khác tại xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân.

Trong vai người đi mua măng, qua trao đổi chị N. cho biết: “Lâu nay em vẫn hay nhập cho nhà chú Thủy Tỉnh với giá dao động 70 - 75 (tức 7.500 đồng/1kgmăng). Ở thời điểm hiện tại cũng nhiều chỗ dồn lại, nên cũng đầy xe. Hàng ngày cũng mua được khoảng chừng hơn 5 tạ măng”.

Đáng chú ý, điểm thu gom măng có số ở Yên Nhân (Thường Xuân) phải nhắc đến là ông Tiến, ông Thủy Tỉnh. Đây là hai trong số ít hộ gia đình thuộc diện thu gom hàng “có tiếng” ở Yên Nhân trong thời gian gần đây là những người mua măng quen mặt. Những chiếc xe chở khách đã gần như hết đát được hoán cải, cắt thùng, không đăng kiểm được cánh buôn măng trưng dụng làm phương tiện vận chuyển măng tươi từ bìa rừng qua trạm, trạm về điểm tập kết rồi lên xe đi khắp tỉnh mà không hề bị sự kiểm tra, truy xét của lực lượng CSGT hay Công an sở tại.

Trong số đó, phải nhắc đến các xe ô tô có BKS 36C – 090.., 88B-004.., 29N-65... Đây được xem là phương tiện trợ thủ đắc lực dưới chiêu thức trá hình chở khách, nhưng thực chất bên trong là dùng để chở lâm sản hòng qua mắt cơ quan chức năng.

Theo ông Đinh Duy Tấn, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Yên Nhân (đơn vị thuộc Hạt Kiểm lâm Thường Xuân), việc khai thác măng ở rừng cấm, rừng phòng hộ trong thời gian qua trên địa bàn là không có. Nếu có thì chỉ một vài người đi lấy một vài cây măng về để sử dụng sinh hoạt cho gia đình, không có hiện tượng buôn bán măng với số lượng lớn trên địa bàn.

Nhìn nhận về việc khai thác măng, ông Phạm Thăng Long, Hạt Trưởng Kiểm lâm Thường Xuân cho rằng, măng không phải là loại lâm sản quý hiếm hay hàng cấm. Nhưng việc khai thác măng ở những khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn được bảo vệ nghiêm ngặt thì đúng là việc cấm. Còn khai thác ở rừng trồng, rừng sản xuất thì bình thường. “Ở các năm 2018, 2019, 2020 chủ trương của huyện là cấm khai thác măng trên địa bàn huyện Thường Xuân với mục đích để phát triển cây nứa, đảm bảo cân bằng sinh thái. Nhưng tới năm 2021 chưa thấy có văn bản nào cấm. Còn nếu đúng có việc dân khai thác măng trong rừng phòng hộ thì ngày mai chúng tôi sẽ cho kiểm tra. Còn việc nếu có chuyện cán bộ kiểm lâm thông đồng với người ta thì bị xử lý thôi” - ông Long nhấn mạnh.

Cũng theo ông Long, "Nếu có việc khai thác thì trách nhiệm của tôi là sẽ đi kiểm tra, trong đó chúng tôi cũng sẽ làm việc với chính quyền địa phương, Ban quản lý bảo vệ rừng và các trạm chốt kiểm lâm trên địa bàn để có hướng xử lý".

Biển cấm dựng lên chỉ dẫn khu vực thuộc rừng phòng hộ cấm hái măng, nứa, vầu và các loại lâm sản, nhưng tình trạng thu gom lâm sản tại đây vẫn xuất hiện tràn lan

Ông Long cho biết thêm, 6 tháng đầu năm 2021 đã tiến hành khởi tố 01 vụ “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” tại xã Xuân Chinh. Kiểm tra, kiểm soát, phát hiện lập hồ sơ xử lý 33 vụ vi phạm hành chính ở các hành vi phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, vi phạm thủ tục hành chính, vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Lâm sản tịch thu 6,969 m3 gỗ các loại, tổng số tiền nộp cho ngân sách nhà nước là 208 triệu đồng, đạt 41,79% kế hoạch được giao. Trong đó, chưa phát hiện hay xử lý vụ việc nào liên quan đến hoạt động khai thác, vận chuyển buôn bán măng trên địa bàn.

"Măng được xem là lâm sản phụ. Nhưng khai thác trong rừng đặc dụng hoặc rừng phòng hộ là cấm tuyệt đối. Việc có khai thác thì cũng chỉ được khai thác theo kiểu chọn lọc. Mọi hành vi xâm hại rừng phòng hộ đầu nguồn đều phải xem xét, xử lý"- một lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm cho biết.

Được biết, huyện Thường Xuân có tổng diện tích rừng tự nhiên 110.717,34 ha, diện tích rừng hiện có 92.759,48 ha, độ che phủ rừng của huyện năm 2020 đạt 74,4%. Đây là huyện miền núi có vị trí địa lý giáp với huyện Lang Chánh (phía Bắc); phía Đông giáp với huyện Triệu Sơn, Ngọc Lặc, Thọ Xuân, Như Thanh; phía Nam giáp với huyện Như Xuân và phía Tây giáp với nước CHDCND Lào và tỉnh Nghệ An.

Ngày 7/7, theo nguồn tin riêng của PV Báo NB&CL, sau khi biết được sự có mặt của nhà báo đang ghi hình trên địa bàn về tình trạng buôn bán lâm sản, cán bộ kiểm lâm đã “bắn tin” tới các chủ xe dừng thu gom, vận chuyển măng. Phía Hạt kiểm lâm Thường Xuân cũng phối hợp với Khu bảo tồn thiên nhân Xuân Liên vào rừng kiểm tra thực trạng chặt măng trái pháp luật.

Kết quả kiểm tra sẽ được PV Báo NB&CL tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Quang Minh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thanh-hoa-tray-hoi-mang-trong-rung-phong-ho-post142998.html