Thanh Hóa trong Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Trong phương hướng phát triển các khu chức năng: Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào 11 khu kinh tế ven biển hiện có. Xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn trở thành 'thành phố công nghiệp, thân thiện', trong đó đặc biệt ưu tiên phát triển lọc hóa dầu, công nghiệp hóa chất sau lọc hóa dầu; sản xuất xi măng và thép, cơ khí chế tạo.
Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1281/QĐ-TTg ngày 29/10/2024 về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kế hoạch này xây dựng lộ trình tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, dự án nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của quy hoạch đã đề ra.
Đồng thời, xác định cụ thể tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án để xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực xã hội trong việc thực hiện quy hoạch; đẩy mạnh hỗ trợ việc chuyển đổi và phát triển của các ngành, các tiểu vùng, các địa phương trong vùng theo quy hoạch đã được phê duyệt...
Tại các quy hoạch, kế hoạch này, đã xác định rõ phương hướng phát triển các ngành có lợi thế của tỉnh Thanh Hóa trong không gian vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung
Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đi đầu về kinh tế biển
Theo Quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thành vùng phát triển nhanh, năng động, hướng tới bền vững, mạnh về kinh tế biển. Trên cơ sở lợi thế, phát triển một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ lớn của cả nước, các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực; là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Các giá trị văn hóa, lịch sử và hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao. Quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.
Trong tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung được định hướng là vùng phát triển nhanh, bền vững, đi đầu cả nước về kinh tế biển; có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại, xanh, thông minh; hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ.
Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung phải phát triển được ít nhất 2 đô thị và một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn, ngang tầm khu vực châu Á tại các khu kinh tế ven biển hiện đại.
Nâng tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển lên khoảng 50% GRDP của vùng, là động lực chính phát triển kinh tế, đồng thời góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo; bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển và bảo vệ môi trường biển;
Phát triển các ngành có lợi thế của Thanh Hóa trong không gian phát triển vùng
Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cũng như trong Kế hoạch của Chính phủ thực hiện Quy hoạch này đã xác định rõ phương hướng phát triển và phân bố không gian các ngành có lợi thế của vùng, của các địa phương, trong đó có Thanh Hóa.
Về công nghiệp, định hướng tập trung phát triển công nghiệp lọc, hóa dầu và sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh chế tập trung ở Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Phú Yên.
Thanh Hóa cũng là địa phương được định hướng thu hút đầu tư phát triển luyện kim, cơ khí chế tạo, chế biến thép tập trung; sản xuất vật liệu xây dựng ưu tiên.
Tập trung phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn để vùng trở thành khu vực trọng điểm du lịch của cả nước theo 3 khu vực động lực phát triển du lịch quốc gia, trong đó Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An là 1 khu vực động lực của vùng.
Về nông, lâm nghiệp và thủy sản, phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá kết hợp quốc phòng, an ninh tại các khu vực ngư trường trọng điểm và trên tuyến đảo xa bờ tập trung ở Thanh Hóa và một số tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Bình Định và địa bàn có tiềm năng.
Trong phương án phát triển, sắp xếp, lựa chọn và phân bổ nguồn lực phát triển trên lãnh thổ vùng, đã định hướng phát triển các tiểu vùng kinh tế và liên kết vùng.
Trong đó, Tiểu vùng Bắc Trung Bộ gồm 5 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị. Định hướng phát triển tiểu vùng Bắc Trung Bộ trở thành khu vực tăng trưởng quan trọng về công nghiệp, dịch vụ, đô thị biển của vùng và cả nước, trong đó: thành phố Vinh là trung tâm kinh tế, văn hóa của tiểu vùng; Thanh Hóa là một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc.
Phát triển khu vực ven biển Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh trở thành trung tâm phát triển công nghiệp của vùng và cả nước;
Trong phát triển các hành lang kinh tế, phát triển hành lang kinh tế Bắc - Nam phía Đông (đoạn từ Thanh Hóa đến Bình Thuận) trên cơ sở đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam và đường sắt tốc độ cao trong tương lai. Đoạn từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, phát triển hành lang đô thị - công nghiệp - du lịch kết nối các đô thị lớn, các khu kinh tế ven biển, các khu vực phát triển du lịch quan trọng. Phát triển hành lang kinh tế Bắc - Nam phía Tây (đoạn từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi) nhằm thúc đẩy phát triển, liên kết vùng, gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh. Mở rộng, phát triển đô thị và hệ thống khu, cụm công nghiệp, trung tâm dịch vụ, du lịch gắn với các đô thị trung tâm tỉnh, tiểu vùng và vùng.
Về phương hướng xây dựng hệ thống đô thị: Thành phố Thanh Hóa có vai trò là một cực tăng trưởng mới của tiểu vùng Bắc Trung Bộ và cả nước; là một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo; nông nghiệp quy mô lớn, dịch vụ logistic, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, văn hóa và thể thao;
Trong phương hướng phát triển các khu chức năng: Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào 11 khu kinh tế ven biển hiện có. Xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn trở thành “thành phố công nghiệp, thân thiện”, trong đó đặc biệt ưu tiên phát triển lọc hóa dầu, công nghiệp hóa chất sau lọc hóa dầu; sản xuất xi măng và thép, cơ khí chế tạo.
Ngoài ra, trong phương hướng phát triển các khu du lịch, Sầm Sơn - Hải Tiến (Thanh Hóa) là một trong những khu vực có tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia được xác định thu hút đầu tư để nâng cấp hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ du lịch đồng bộ, đa dạng.
Đối với phát triển khu công nghệ thông tin tập trung: Định hướng xây dựng Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Khánh Hòa trở thành trung tâm lớn của vùng về phát triển công nghiệp công nghệ thông tin và là đầu mối liên kết của vùng với các vùng kinh tế khác của cả nước; hình thành mạng lưới trung tâm hỗ trợ thiết kế vi mạch tại các tỉnh, thành phố, các trường đại học trọng điểm;
Về phát triển vùng sản xuất tập trung, Quy hoạch xác định sẽ xây dựng trung tâm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin, cơ khí chính xác, sản xuất lắp ráp hàng điện tử xuất khẩu ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa. Phát triển các nhà máy sản xuất sợi tại Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi; các dự án khu liên hợp sợi - dệt - nhuộm, may tại Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định...
Trong quy hoạch cũng xác định cụ thể vùng sản xuất nông nghiệp tập trung: trong đó sẽ tập trung xây dựng, hình thành vùng sản xuất lúa thâm canh năng suất, chất lượng cao ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên. Thanh Hóa cũng là địa phương có thế mạnh được định hướng phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, công nghệ cao theo chuỗi giá trị.
Trong phương hướng phát triển kết cấu hạ tầng của vùng, sẽ nghiên cứu phát triển, hình thành, nâng cấp các tuyến đường kết nối liên tỉnh, kết nối với vùng Tây Nguyên, trong đó có tuyến kết nối đường tỉnh ĐT.529 tại huyện Như Thanh (Thanh Hóa) với đường tỉnh ĐT.531 tại huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An). Về hàng hải, tập trung phát triển hệ thống cảng biển đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa; ưu tiên nguồn lực phát triển các cảng biển có tiềm năng thành cảng biển đặc biệt, nhất là các cảng biển ở Thanh Hóa, Đà Nẵng và Khánh Hòa. Phát triển hệ thống cảng cạn trở thành các đầu mối tổ chức vận tải, trung chuyển, phân phối hàng hóa, kết hợp với cung cấp các dịch vụ logistic; tập trung phát triển cảng cạn, cụm cảng cạn tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và địa bàn khác có tiềm năng.
Về phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trợ giúp xã hội, sẽ phát triển 1 đến 2 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao tại Thanh Hóa, Bình Định hoặc Khánh Hòa. Về mạng lưới cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe, tập trung phát triển một số bệnh viện đa khoa tỉnh thành bệnh viện cấp chuyên sâu đảm nhận vai trò vùng tại Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa.
Về phát triển hạ tầng thương mại và logistic: Phát triển 1 trung tâm logistic hạng II trên tuyến hành lang kinh tế đường quốc lộ 8, quốc lộ 12A và duyên hải Bắc Trung Bộ, phạm vi hoạt động chủ yếu gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình...