Thanh Hóa xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc Mông
Nhờ sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành, các địa phương, đến nay nhiều hủ tục lạc hậu trong cộng đồng đồng bào người Mông Thanh Hóa đã bị xóa bỏ, những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được phát huy.
Những hủ tục lạc hậu đã tồn tại cả trăm năm
Theo số liệu từ Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay sinh sống tại 44 bản thuộc 10 xã của các huyện Mường Lát, Quan Hóa và Quan Sơn với gần 3.700 hộ, chiếm trên 17% tổng số đồng bào khu vực miền núi.
Trong đời sống văn hóa của đồng bào Mông, bên cạnh những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc thì cũng còn không ít những hủ tục liên quan đến việc cưới xin, ma chay. Những nghi lễ rườm rà, tốn kém đã gây ra nhiều hệ lụy xấu từ đời này sang đời khác.
Đặc biệt là trong tang lễ, đồng bào Mông thường không bỏ người chết vào trong quan tài mà được đưa lên cáng rồi treo lên giữa nhà. Có những gia đình để người chết hàng tuần, thậm chí có những gia đình để chục ngày để chọn ngày chôn cất người mất không cho trùng vào những ngày mất của ông, bà, bố, mẹ… Chính vì để dài ngày, không được khâm liệm nên thi thể bốc mùi, rất không đảm bảo vệ sinh, môi trường.
Cùng với việc giữ người chết lâu ngày, thì một trong những hủ tục tồn tại từ bao đời nay của người Mông, đó là trong suốt thời gian tang lễ, để để “báo hiếu” với người quá cố, các gia đình có người chết sẽ giết mổ nhiều trâu, bò, vật nuôi để cúng.
Người Mông có tục lệ, khi bố hoặc mẹ mất thì mỗi người con trai sẽ phải mổ một con bò. Nhà nào có càng nhiều con trai thì mổ càng nhiều bò, rồi giết thêm gia súc, gia cầm. Nhà nào cũng phải thực hiện đúng tục lệ đó, vậy nên qua hàng trăm năm, những việc làm này đã trở thành tập tục của cộng đồng.
Để xóa bỏ những hủ tục lạc hậu này, từ năm 2013, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông đến năm 2020”. Nhiều biện pháp, cách thức được tổ chức rộng rãi, sinh động thực hiện ở các bản có đồng bào dân tộc Mông sinh sống thuộc các huyện Mường Lát, Quan Hóa và Quan Sơn. Từ đó làm thay đổi dần nhận thức, chuyển biến trong đời sống văn hóa.
“Xác định đây là hủ tục cần phải xóa bỏ, nhưng làm thế nào để xóa bỏ được là cả hành trình đầy gian nan. Vì đây là vấn đề liên quan đến tâm linh đã ăn sâu vào tiềm thức qua nhiều thế hệ. Để làm được điều đó thì công tác tuyên truyền là quan trọng nhất. Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt phải phát huy vai trò nêu gương của chính những đảng viên người Mông trong việc vận động người thân, gia đình, dòng họ “đi trước, làm trước”, từ đó từng bước tạo sự đồng thuận để nhân dân làm theo” - ông Ngân Văn Hòa, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Quan Sơn chia sẻ.
Ghi công những người tiên phong, bám dân, bám bản
Một trong những đảng viên đầu tiên tuyên truyền, thuyết phục thành công người nhà thực hiện đưa người chết vào quan tài tại bản Ché Lầu, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn là ông Thao Văn Dính.
Ông Dính kể lại, hồi tháng 5/2018, khi nhận tin cháu ruột là Thao Trọng Văn không may qua đời, lúc này mọi người đang chuẩn bị cáng tre để treo thi thể cháu lên vách nhà theo tục lệ. Thấy vậy, ông cố gắng thuyết phục những người thân trong gia đình, dòng họ, đưa xác người chết vào quan tài giống như đồng bào các dân tộc khác thường làm.
“Nhiều người phản đối kịch liệt và cho rằng như vậy là đi ngược với đám ma lâu nay của người Mông. Dù vấp phải sự phản đối đó nhưng tôi và cán bộ vẫn kiên trì giải thích, bởi tôi nghĩ bản thân mình là đảng viên, có thực hiện tốt thì dân mới theo”, ông Dính nói.
Mất hơn nửa ngày để tuyên truyền, vận động, mọi người mới đồng ý để cho người chết vào quan tài và tổ chức đám tang gọn nhẹ với đầy đủ các nghi thức truyền thống dưới sự chứng kiến của người dân trong bản. Đến giờ ông Dính vẫn cho rằng, đó là điều thắng lợi nhất trong cuộc đời ông.
Nguyên là cán bộ Huyện ủy Mường Lát, ông Lầu Minh Pó, trú tại bản Pù Toong, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát hiểu rằng, để xóa bỏ được những phong tục, tập quán lạc hậu cần phải có thời gian, không phải một sớm, một chiều mà làm được. Với suy nghĩ “phép vua thua lệ làng” những hủ tục đã ăn sâu, bám rễ trong suy nghĩ, thói quen của người Mông nên việc thực hiện nếp sống mới là điều không hề dễ nếu như không có những người “đi tiên phong”, bám dân, bám bản.
“Để vận động, thay đổi những người xung quanh, mình phải làm trước thì bà con dân bản mới tin tưởng và làm theo. Tôi đã lặn lội đi khắp các bản có đồng bào Mông sinh sống để nói chuyện, khuyên nhủ, thuyết phục bà con, đặc biệt là những người đứng đầu dòng họ, những Người có uy tín, già làng trưởng bản. Dần dà mưa dần thấm lâu, bà con đã thấy được những quan niệm, việc làm của mình lâu nay là hủ tục cần phải xóa bỏ”, ông Lầu Minh Pó cho hay.
Gần 10 năm qua, ông Lâu Minh Pó đã đi khắp các bản người Mông trên địa bàn huyện Mường Lát để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện nếp sống mới, góp phần vào kết quả chung của tỉnh về tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa vùng đồng bào Mông. Đến nay, 100% đám tang của đồng bào Mông tại Pù Nhi, huyện Mường Lát và các xã lân cận được cử hành theo nghi thức mới, đoạn tuyệt hoàn toàn với những hủ tục lạc hậu tồn tại bao đời nay.
Trong khi đó, tại huyện vùng cao Quan Hóa, Bí thư Chi bộ Giàng A Chu còn trẻ nhưng năng nổ và xông xáo trong mọi việc của bản, đặc biệt là việc tuyên truyền, vận động gia đình, dòng họ và bà con trong bản xóa bỏ các tập quán lạc hậu.
Trong các buổi sinh hoạt chi bộ cũng như tổ chức họp thôn, Bí thư Giàng A Chu đã khéo léo tuyên truyền lồng ghép đưa vào thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư để cán bộ, đảng viên, nhân dân trong thôn ký cam kết thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đến nay, hầu hết các hộ trong bản đã ký cam kết, chấp hành việc đưa người mất vào quan tài.
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, với sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành; các địa phương, đến nay 100% đám tang của người Mông đều đưa người chết vào quan tài và không bắn súng thông báo khi có người chết như trước nữa; 100% bản Mông đã đưa quy ước thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vào hương ước của bản, các đám tang thực hiện việc chôn cất trong 48 giờ, không còn hiện tượng giết mổ gia súc, gia cầm nhiều trong đám tang, việc tổ chức ăn uống linh đình trong đám tang đã giảm.
Đồng bào dân tộc Mông sống trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã và đang nỗ lực gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đồng thời xóa bỏ những hủ tục, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các huyện vùng cao biên giới.