Thanh Hóa: Xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về môi trường

Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường như: xả thải gây ô nhiễm môi trường; vi phạm các quy định về thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải, vệ sinh an toàn thực phẩm; khai thác tài nguyên, khoáng sản (cát, đất) trái phép… đang diễn biến phức tạp trên cả nước và tại tỉnh Thanh Hóa cũng không ngoại lệ.

Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Thanh Hóa kiểm tra, xử lý cơ sở sơ chế nội tạng động vật vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa vi phạm về môi trường

Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm trên lĩnh vực này, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thanh Hóa đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp nhằm phòng ngừa, đấu tranh, giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường; đồng thời, chủ động phối hợp với các ngành chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân dân đối với công tác bảo vệ môi trường.

Riêng lực lượng cảnh sát môi trường và công an các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tiến hành rà soát, nắm chắc tình hình, sớm phát hiện và đấu tranh xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực, đối tượng, địa bàn trọng điểm như: lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, chế biến các sản phẩm nông nghiệp; xử lý chất thải...

Trong năm 2021 và 2 tháng đầu năm 2022, qua công tác kiểm tra, lực lượng công an trong tỉnh đã phát hiện, xử phạt hành chính gần 100 vụ vi phạm trên lĩnh vực khai thác, mua bán khoáng sản, ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm... phạt gần 2 tỷ đồng.

Điển hình ngày 4/10/2021, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh và Đội Quản lý thị trường số 10, Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp kiểm tra hành chính kho hàng của nhà phân phối Trí Phương (có địa chỉ ở tiểu khu 1, thị trấn Hà Trung) do bà Nguyễn Thị Phương làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện 2,5 tấn hàng hóa là thực phẩm gồm 1 tấn hàng đã hết hạn sử dụng để lẫn với 1,5 tấn hàng hóa xuất xứ nước ngoài không tem nhãn phụ. Trong quá trình kiểm tra, bà Nguyễn Thị Phương không xuất trình được các hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng hóa trên.

Gần đây nhất, ngày 23/2/2022, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh phát hiện, bắt quả tang xe tải do Dương Xuân Lâm ở TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh điều khiển, vận chuyển 85 thùng cá khoai nghi ướp phoóc-môn có tổng trọng lượng 1.750 kg đi tiêu thụ. Qua test nhanh, toàn bộ số cá khoai nói trên đều cho kết quả dương tính với chất phoóc-môn. Đây là một loại chất cấm trong sản xuất, bảo quản và chế biến thực phẩm.

Tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp

Dự báo thời gian tới, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt trên một số lĩnh vực như an toàn vệ sinh thực phẩm; khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản; thương mại xuất nhập khẩu; xả thải và xử lý chất thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ...

Để nâng cao năng lực, hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, Phòng Cảnh sát môi trường tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp trọng tâm như: Tập trung nắm chắc tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn; tổ chức trinh sát các tuyến, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm; chủ động làm tốt công tác tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; triển khai các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, chú trọng công tác phối hợp với các ngành chức năng nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường; chủ động có kế hoạch phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm môi trường trên tất cả các lĩnh vực; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong công tác bảo vệ môi trường...

Có thể nói, trong bối cảnh công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường còn nhiều khó khăn, vướng mắc do công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này vẫn nhiều bất cập. Hành lang pháp lý về xử lý hình sự và xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực môi trường chưa được quy định cụ thể và đủ sức răn đe, dẫn đến tình trạng các đối tượng lợi dụng sơ hở này để hoạt động... thì những kết quả mà Thanh Hóa đạt được là điển hình đáng nhân rộng.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thanh-hoa-xu-ly-nghiem-cac-vi-pham-phap-luat-ve-moi-truong-102272.html