Thanh Hóa: Xử lý triệt để, không để sốt xuất huyết lây lan diện rộng
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, từ đầu năm đến nay, trên 50 trường hợp sốt xuất huyết được phát hiện trên địa bàn, chủ yếu là các ca bệnh sinh sống tại các tỉnh khác hoặc mới từ nơi khác trở về).
Tỉnh chưa phát hiện có ổ dịch tập trung, nhưng nguy cơ gia tăng, bùng phát dịch sốt xuất huyết luôn thường trực.
Là địa phương hàng năm thường xảy ra dịch sốt xuất huyết, Trung tâm Y tế thị xã Nghi Sơn yêu cầu Trạm Y tế các xã, phường phối hợp phát truyền thông 1 lần/ngày về việc định kỳ diệt loăng quăng, bọ gậy, tổng vệ sinh môi trường tại các hộ gia đình, tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh. Bác sĩ Lê Văn Long, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Nghi Sơn cho biết, thị xã là khu vực trọng điểm sốt xuất huyết, đặc thù có sự giao thương rất lớn với các tỉnh, thành, người dân lại có nghề truyền thống là làm nước mắm nên có nhiều dụng cụ chứa nước... Do vậy, Trung tâm tập trung vào hoạt động giám sát, thực hiện các đợt tổng vệ sinh môi trường, xử lý rác thải và tuyên truyền người dân loại bỏ các vật dụng chứa nước tù đọng.
Huyện Quảng Xương từ đầu năm đến nay ghi nhận 2 trường hợp sốt xuất huyết ngoại lai. Trung tâm Y tế huyện chỉ đạo các khoa, phòng, trạm y tế các xã, thị trấn trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi... Đến thời điểm hiện tại, chiến dịch đã được triển khai tại hầu hết các xã. Bên cạnh đó, cán bộ Trung tâm Y tế huyện tăng cường kiểm tra, giám sát phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch tại xã và thị trấn trên địa bàn huyện.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quảng Xương, nhờ chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch và các phương án xử lý khi có ca bệnh, tình hình dịch bệnh trên địa bàn được khống chế. Với phương châm luôn chủ động, tích cực phòng, chống dịch, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo mỗi người dân chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, mỗi tuần dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Thanh Hóa là địa phương có nhiều lao động, trong và ngoài tỉnh thường di chuyển cả chiều đi và chiều đến, là nguy cơ khiến dịch bệnh có thể xâm nhập từ mầm bệnh ngoại lai, nguy cơ phát sinh một số bệnh dịch mùa hè, trong đó có dịch sốt xuất huyết Dengue.
Để chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết, ngành Y tế Thanh Hóa đã chỉ đạo các đơn vị chức năng và các địa phương tăng cường theo dõi, giám sát thường xuyên, phát hiện sớm, xử lý triệt để ngay từ những ca bệnh đầu tiên, không để dịch lây lan diện rộng, hạn chế tối đa số mắc, số tử vong. Đặc biệt đối với các ổ dịch sốt xuất huyết,các địa phương phải tổ chức xử lý triệt để nguồn muỗi, lăng quăng, bọ gậy mang mầm bệnh, không để mầm bệnh truyền cho các thế hệ tiếp theo và lưu hành trong quần thể muỗi gây dịch.
Ngành Y tế yêu cầu các đơn vị liên quan chuẩn bị đủ cơ số thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh; tăng cường giám sát véc tơ truyền bệnh tại các khu vực trọng điểm, nguy cơ cao; chủ động phun hóa chất diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết. Công tác truyền thông được tăng cường, khuyến cáo người dân cần loại bỏ, lật úp các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng; ngủ màn, vệ sinh môi trường sạch sẽ. Người dân tích cực phối hợp với ngành Y tế thực hiện các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch...
Năm 2022, toàn tỉnh Thanh Hóa có 1.230 ca mắc sốt xuất huyết. Sở Y tế đang cùng các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn triển khai tập huấn, cập nhật đến các khoa, phòng, bộ phận có liên quan về Quyết định số 2760/QĐ-BYT “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết Dengue” của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành ngày 4/7/2023 thay cho quyết định 3705/QĐ-BYT về “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết Dengue”.