Thanh Hóa: Xuất hiện tâm lý 'sợ đấu thầu' tại nhiều cơ sở y tế

Trước thực trạng công tác đấu thầu nhất là trong lĩnh vực y tế hiện nay phát hiện nhiều sai phạm, một phần do các cán bộ y tế thiếu kiến thức và kinh nghiệm chuyên sâu về đấu thầu. Vì thế, việc UBND tỉnh chủ trương giao việc đấu thầu vật tư, hóa chất, sinh phẩm cho các cơ sở y tế, nhất là các cơ sở y tế tuyến huyện khiến dư luận chung không khỏi lo lắng...

Trụ sở Sở Y tế Thanh Hóa

GIAO CÔNG TÁC ĐẤU THẦU CHO CÁC CƠ SỞ Y TẾ

Các bệnh viện tuyến trung ương như Bạch Mai, Chợ Rẫy, tới các bệnh viện tuyến tỉnh như Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long… và nhiều trung tâm CDC tại các tỉnh đều đã có cán bộ "dính chàm" và bị bắt giữ, xử lý.

Trước thực trạng nêu trên, hiện nay, việc đấu thầu tại các cơ sở y tế trở nên rất nhạy cảm, dẫn tới nhiều thiệt thòi cho bệnh nhân.

Đối với tỉnh Thanh Hóa hiện nay các bệnh viện công lập cũng đang rất lo lắng cho vấn đề đấu thầu vật tư y tế, hóa chất và thuốc trong các cơ sở y tế công lập. Lâu nay, công tác đấu thầu vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm, sinh phẩm chẩn đoán, thuốc trên địa bàn được UBND tỉnh giao cho Sở Y tế làm đầu mối đấu thầu tập trung.

Tuy nhiên, thông tư số 37/2021/TT-BYT ngày 31/12/2021 về chức năng quyền hạn của Sở Y tế thì không có quy định Sở Y tế tổ chức đấu thầu mua vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm. Từ đó Sở Y tế đề xuất các cơ sở y tế công lập trong ngành tự tổ chức đấu thầu đối với danh mục sử dụng năm 2023.

Ngày 05/4/2022 căn cứ trên cơ sở đề xuất của các cơ sở y tế công lập trong ngành, Sở Y tế đã có tờ trình số 1380/Ttr-SYT báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về việc xin phê duyệt phương án đấu thầu mua vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm, sinh phẩm chẩn đoán (VTYT, HCXN, SPCĐ) trong các cơ sở y tế công lập tỉnh Thanh Hóa năm 2023-2024.

Sau đó Chủ tịch UBND tỉnh đã có các công văn số 5869/UBND-VX ngày 29/4/2022 về việc phương án đấu thầu mua vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm, sinh phẩm chẩn đoán trong các cơ sở y tế công lập tỉnh Thanh Hóa năm 2023-2024; Công văn số 692/UBND-VX ngày 18/5/2022 về việc giao hoàn chỉnh dự thảo “Tờ trình phê duyệt danh mục vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm, sinh phẩm chẩn đoán đấu thầu tập trung tại Sở Y tế Thanh Hóa”.

Thực hiện ý kiến chủ đạo của UBND tỉnh tại các công văn nêu trên, ngày 19/5/2022, Sở Y tế có tờ trình số 1927/Ttr-SYT trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt danh mục vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm, sinh phẩm chẩn đoán đấu thầu tập trung tại Sở Y tế Thanh Hóa năm 2023-2024 và tờ trình số 2010/Ttr-SYT ngày 24/5/2022 về việc xin điều chỉnh danh mục hóa chất xét nghiệm, sinh phẩm chẩn đoán đấu thầu tập trung tại Sở Y tế Thanh Hóa năm 2023-2024.

Sở Y tế Thanh Hóa

Trở lại lịch sử vấn đề, từ 6 năm trước, ngày 13/6/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định số 2025/QĐ-UBND công bố danh mục tài sản mua sắm tập trung cấp tỉnh. Tại điều 1, mục c, Tài sản lĩnh vực Y tế gồm: vaccine, sinh phẩm y tế phục vụ công tác phòng, chữa bệnh cho người; Hóa chất xét nghiệm, vật tư tiêu hao phục vụ công tác phòng, chữa bệnh cho người.

Tuy nhiên chỉ sau đó 5 ngày, ngày 18/6/2016, UBND tỉnh ban hành văn bản 10163/UBND-KTTC tạm thời chưa thực hiện theo văn bản số 2025/QĐ-UBND và giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan căn cứ theo các quy định hiện hành của nhà nước và Quyết định số 2025/QĐ-UBND ngày 13/6/2016 tham mưu trình chủ tịch UBND tỉnh giao nhiệm vụ đơn vị thực hiện mua sắm tài sản tập trung cấp tỉnh để thực hiện từ ngày 01/01/2017.

Như vậy, thay vì giao cho Sở Tài chính chủ trì, căn cứ vào thực tiễn địa phương các danh mục liên quan đến mua sắm vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm, sinh phẩm chẩn đoán được tạm thời giao cho Sở Y tế làm đầu mối đấu thầu tập trung cho tất cả các bệnh viện, trung tâm y tế công lập trong tỉnh.

TÂM LÝ SỢ ĐẤU THẦU

Trao đổi với phóng viên liên quan đến nội dung giao việc đấu thầu tập trung cho các cơ sở y tế, nhiều lãnh đạo các bệnh viện tuyến huyện bày tỏ sự lo lắng vì nhiều vấn đề khác nhau.

Ông Phùng Sỹ Thường, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thọ Xuân cho biết ông vừa nhận được công văn. Ông Thường nói: "Nói chung, việc tỉnh có chủ trương giao việc đấu thầu cho các bệnh viện thì chúng tôi xác định phải chuẩn bị triển khai. Việc giao cho cơ sở tự đấu thầu cũng có thuận lợi là chúng tôi sẽ chủ động được công việc của mình. Tuy nhiên, tâm lý chung, không chỉ có Bệnh viện Thọ Xuân mà tất cả bệnh viện tuyến huyện đều rất sợ, rất ngại việc này. Bởi vì chúng tôi hầu như chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Chắc chắn, sắp tới khi đi vào thực hiện cụ thể chúng tôi lường trước sẽ có rất nhiều khó khăn phải vượt qua".

Phòng xét nghiệm Bệnh viện đa khoa Thọ Xuân

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Hân, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Triệu Sơn cho biết: "Thực ra, việc giao công tác đấu thầu cho các cơ sở y tế đã có chủ trương từ lâu, về luật thì việc này không sai. Tuy nhiên việc này cần phải có thời gian triển khai phù hợp. Bởi vì công tác chuẩn bị, nhất là về nhân sự, chứng chỉ, bằng cấp liên quan thì nhiều đơn vị chưa thể đáp ứng ngay được. Còn tâm lý sợ đấu thầu thì có thể xuất hiện ở một số cơ sở, nhất là trong thời điểm nhạy cảm hiện nay. Tuy nhiên, về cơ bản, nếu có thời gian chuẩn bị đầy đủ thì bệnh viện chúng tôi sẽ nỗ lực hoàn thành".

Cũng liên quan đến nội dung này, ông Trần Anh Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế Nông Cống cho biết: "Việc giao công tác đấu thầu cho các cơ sở y tế là chủ trương mới, nên lãnh đạo trung tâm hiện đang nghiên cứu để triển khai. Đối với các trung tâm y tế, chủ yếu là đấu thầu hóa chất, sinh phẩm cho các trạm y tế tuyến xã. Khi đó, Trung tâm sẽ từng bước thực hiện theo Luật Đấu thầu. Mặc dù, tâm lý chung là anh em ít nhiều có e ngại tuy nhiên hiện nay giá cả các vật tư, hóa chất, thiết bị đã được công khai trên Cổng thông tin của Bộ Y tế, nên anh em phải căn cứ vào đó để làm cơ sở, có muốn làm khác đi cũng không được. Hơn nữa, việc đấu thầu này cũng khác với việc đấu thầu vật tư, hóa chất chống dịch, nó có thời gian và đơn vị tư vấn nên chúng tôi cũng yên tâm hơn. Còn việc triển khai xã hội hóa, liên kết với doanh nghiệp thì chúng tôi sẽ vừa làm, vừa nghiên cứu, rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, nếu như việc đấu thầu này được làm tập trung tại Sở Y tế như lâu nay hay giao cho Sở Tài chính chủ trì để cán bộ, bác sỹ trung tâm tập trung vào công tác chuyên môn sẽ thuận lợi hơn".

Trước thực trạng công tác đấu thầu nhất là trong lĩnh vực y tế hiện nay phát hiện nhiều sai phạm, một phần do các cán bộ y tế thiếu kiến thức và kinh nghiệm chuyên sâu về đấu thầu. Vì thế, việc UBND tỉnh chủ trương giao việc đấu thầu vật tư, hóa chất, sinh phẩm cho các cơ sở y tế, nhất là các cơ sở y tế tuyến huyện khiến dư luận chung không khỏi lo lắng. Nhân sự tại các cơ sở y tế, đặc biệt là từ bệnh viện hạng 2 trở xuống rất khó đảm bảo ngay công tác đấu thầu.

Nên chăng UBND tỉnh Thanh Hóa cần xem xét tổ chức đấu thầu tập trung như hiện nay hoặc giao cho Trung tâm mua sắm công thực hiện và có lộ trình đào tạo thành thạo cho cán bộ nhân viên tại các cơ sở y tế tham gia thực hiện đấu thầu trước khi chuyển về cho cơ sở y tế tự tổ chức đấu thầu. Tránh để xảy ra tình trạng chuyển về cho các cơ sở thực hiện ngay và số vụ việc vi phạm trong đấu thầu trong các cơ sở y tế lại tăng lên, đây cũng là bài toán để bảo vệ cán bộ y tế, đa số người làm công tác chuyên môn cứu người chứ không phải chuyên môn đấu thầu.

Trương Xuân Thiên

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thanh-hoa-xuat-hien-tam-ly-so-dau-thau-tai-nhieu-co-so-y-te.htm