Thành Kén ở đâu?

Hai câu thơ cuối, ca ngợi công lao kỳ vĩ của Hai Bà Trưng, cùng đội quân son phấn, đã chiến đấu vô cùng anh dũng, giành lại quyền độc lập, tự chủ cho dân tộc.

Ảnh minh họa do tác giả lựa chọn.

Ảnh minh họa do tác giả lựa chọn.

QUA ĐẤT PHONG KHÊ

(Thơ TRẦN LÔI)

Trông hồ Lãng Bạc than thở rơi diều,

Ở đất Phong Khê xây đắp thành kén.

Đội quân khăn yếm một thời,

Lập nên công danh vang dội.

Dịch thơ:

Trông Lãng Bạc, than diều rơi,

Phong Khê thành Kén đắp bồi vững sao.

Công danh thua kém ai nào,

Đội quân khăn yếm má đào liệt oanh!

(VŨ BÌNH LỤC dịch)

Chưa biết thi nhân Trần Lôi sinh và mất năm nào, quê quán và hành trạng ra sao. Cũng mới chỉ biết ông sống vào khoảng cuối đời Trần. Mà cuối đời Trần thì chính sự nước ta đang tao loạn, nhiễu nhương.

Tác phẩm của Trần Lôi cũng chỉ còn lại 1 bài thơ được chép trong sách TOÀN VIỆT THI LỤC của Lê Quý Đôn.

Bài thơ tứ tuyệt, ngũ ngôn, gọn và chắc. Tuy nhiên, chỉ với bốn câu thơ ngũ ngôn, mà trải ra tình ý thật sâu rộng.

Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống lại sự đô hộ của giặc phương Bắc vào năm 40 sau công nguyên. Hai bà hội quân ở Mê Linh, tiến lên phương Bắc, đánh chiếm 65 thành trì của giặc, giải phóng toàn bộ đất đai của nước Nam Việt thời Triệu Vũ Đế. Hai bà đặt tên nước là LĨNH NAM, đóng đô ở PHIÊN NGUNG. Nước Nam Việt, do Triệu Vũ Đế (Triệu Đà) sáng lập, sau khi ông đã dẹp được An Dương Vương Thục Phán, người được Vua Hùng nước Văn Lang nhường ngôi rồi dời đô từ Phong Châu về Cổ Loa, nay thuộc Đông Anh, Hà Nội.

Triệu Vũ Đế đóng đô ở Phiên Ngung, nay là thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông bên Tàu. Nước Văn Lang hồi đó là một phần của nước Nam Việt, bao gồm cả miền đất từ sông Dương Tử trở về phía Nam, nay gồm đất đai các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và quần đảo Hải Nam Trung Quốc.

Dãy núi Ngũ Lĩnh là biên giới hiểm trở, phân chia nước Nam Việt ta và nhà Hán bên Tàu. Hai Bà Trưng đánh đuổi tên Thái thú Tô Định, cai quản toàn bộ đất đai rộng lớn của nước Nam Việt cũ.

Tuy nhiên, sự nghiệp vẻ vang của Hai Bà cũng chỉ tồn tại được 3 năm. Năm 43 SCN, nhà Đông Hán sai Mã Viện đem binh hùng tướng mạnh, lại tràn sang đánh cướp nước ta. Hai Bà Trưng thua trận, phải bỏ thành Phiên Ngung, rút lui về trấn giữ đất Mê Linh, cuối cùng thất bại. Nước ta lại rơi vào vòng đô hộ của giặc Tàu.

Mã Viện sau đó cho đắp thành đất hình con kén (Kiển Thành) ở Mê Linh, trên đất Giao Châu. Nước ta biến thành quận Giao Chỉ. Mã Viện đặt thêm hai huyện mới trong quận Giao Chỉ là Vọng Hải và Phong Khê. Huyện Phong Khê hồi ấy gồm một phần tỉnh Bắc Ninh ngày nay, kéo dài lên cả tỉnh Phúc Yên, ngược lên vùng Tam Giang phía tây nước ta và huyện Đông Anh của thành phố Hà Nội ngày nay.

Các cụ ta xưa lấy Triệu Vũ Đế làm triều đại dựng nước đầu tiên, tiếp nối triều đại các vua Hùng dựng nước là có lý do lịch sử của nó.

Diễn ca của các cụ Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái có câu: “Đô thành đóng cõi Mê Linh / Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta”. Đó là một sự nhầm lẫn lịch sử. Mê Linh không hề có cơ sở thực tế nào để Hai Bà Trưng xây dựng đô thành cả. Nếu đóng đô ở đây, chính là “Tử địa”. Thành Cổ Loa trước đó, ở ngay bên cạnh Mê Linh, cũng chính là “Tử địa”.

Lĩnh Nam là quốc hiệu nước ta thời Hai Bà Trưng. Cả vùng đất phía Nam dãy núi Ngũ Lĩnh, tức toàn bộ đất Lưỡng Quảng và quần đảo Hải Nam, nay thuộc Trung Quốc, chính là nước Nam Việt ta thời Triệu Vũ Đế.

Tiến sĩ Vũ Quỳnh đời Hậu Lê, có công chỉnh lý, bổ sung, biên soạn lại sách LĨNH NAM CHÍCH QUÁI, tức các chuyện ma quái ở đất Lĩnh Nam, tức nước Nam Việt của người Bách Việt ta ở thời Triệu Vũ Đế, sau nữa là thời Hai Bà Trưng giành lại quyền tự chủ.

Thế nên Nguyễn Trãi viết trong BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO rằng: “Như nước Đại Việt ta từ trước / Vốn xưng nền văn hiến đã lâu / Núi sông bờ cõi đã chia / Phong tục Bắc Nam cũng khác. Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập / Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, mỗi bên hùng cứ một phương / Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau / Song hào kiệt đời nào cũng có!”.

“Bắc” ở đây là chỉ người Trung Quốc ở phương Bắc. Nam ở đây chỉ nước Nam Việt, đất đai của người Bách Việt (hàng trăm tộc Việt), mà nước ta ngày nay chỉ là một trong số hàng trăm tộc Việt mà thôi.

Trở lại với bài thơ QUA ĐẤT PHONG KHÊ, tác giả Trần Lôi viết:

Trông hồ Lãng Bạc than thở rơi diều,

Ở đất Phong Khê xây đắp thành Kén.

Hồ Lãng Bạc là hồ nào vậy? Đó chính là một trong mấy cái tên của Hồ Tây, Hà Nội bây giờ, tùy theo đặc điểm lịch sử mà đặt.

Ví như là hồ Dâm Đàm (tức hồ sương mù, gắn với câu chuyện đời vua Lý Nhân Tông, Thái sư Lê Văn Thịnh hóa hổ.

Ví như hồ Kim Ngưu (Trâu vàng), hồ Xác Cáo, đều gắn với những truyền thuyết dân gian. Chính Mã Viện đem quân sang xâm lược nước ta, bế tắc trong khi vây hãm căn cứ Mê Linh bên kia sông Nhị, hắn đã từng than thở khi đứng trước hồ Lãng Bạc rộng mênh mông, tràn ngập chướng khí thời ấy: “Ngước trông thấy diều bay / Lớp lớp rơi xuống nước” (Ngưỡng thị phi diên, điệp điệp trụy thủy chung). Câu này ý nói đất Nam Việt hiểm trở, hồ Lãng Bạc (hồ Tây) rộng lớn, những con sóng bạc đầu nối nhau như vô cùng vô tận, khí độc bốc lên đến trời cao, đến nỗi con diều cũng không bay qua được, phải rơi thẳng xuống nước.

Trần Lôi mượn tích này đưa vào thơ của mình, để nói cái sự rộng mênh mông, chướng khí ngất trời của hồ Lãng Bạc, thật là tinh tế.

Mã Viện đắp thành Kén (thành tròn như tổ kén) ở Mê Linh. Thành Kén (Kiển thành) mà Mã Viện cho xây đắp, nay thuộc đất Mê Linh, huyện Đông Anh, Hà Nội. Đấy là tình ý của hai câu thơ đầu, mới chỉ là kể đấy thôi.

Hai câu thơ cuối, ca ngợi công lao kỳ vĩ của Hai Bà Trưng, cùng đội quân son phấn, đã chiến đấu vô cùng anh dũng, giành lại quyền độc lập, tự chủ cho dân tộc. Đội quân của Hai Bà, thành phần lãnh đạo chủ chốt chủ yếu là đàn bà, khăn yếm má đào. Vậy mà họ đã làm nên một câu chuyện “cổ tích” chưa từng có trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm lừng lẫy và vẻ vang trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta nói riêng, của người Bách Việt nói chung vậy!

Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/thanh-ken-o-dau-a19653.html