Thanh khoản bùng nổ tiến sát 2 tỷ USD/phiên, ngóng chuyện công nghệ
Kỷ lục thanh khoản trên thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay liên tiếp bị xô đổ, gần nhất đã có phiên đạt 1,8 tỷ USD. Trong sức nóng của thị trường, nhiều nhà đầu tư muốn có thêm thông tin về độ tải của hệ thống giao dịch hiện tại, cũng như tiến độ dự án KRX.
Sức nóng thị trường
Phiên giao dịch đầu tuần trước (18/3) gây choáng với nhiều nhà đầu tư khi giá trị giao dịch đạt gần 48.000 tỷ đồng, tăng hơn 17.000 tỷ đồng so với phiên trước đó (15/3) khi nhà đầu tư bắt đáy ồ ạt lúc thị trường bị bán tháo. Quan trọng hơn là những phiên sau đó, thị trường nhanh chóng hồi phục và nhà đầu tư bắt đáy phiên 18/3 phần lớn có lãi, thậm chí không bán ra vì tin tưởng vào triển vọng dài hạn tích cực.
Trong các cuộc hội thảo đầu tháng 3 do Báo Đầu tư tổ chức, các chuyên gia chứng khoán đến từ VPBankS, SSI, DNSE đều đồng thuận quan điểm, trong bối cảnh tiền rẻ, lãi suất thấp, các kênh đầu tư như bất động sản còn khó khăn, vàng trồi sụt thất thường, bitcoin chưa được thừa nhận, chứng khoán tiếp tục thu hút dòng tiền lớn. Đà tăng trưởng của thị trường còn dựa trên nền tảng vững chắc là lợi nhuận doanh nghiệp cải thiện, nền kinh tế đã qua đáy khó khăn. TTCK được dự báo sẽ có những phiên kỷ lục mới, ngưỡng 48.000 tỷ đồng/phiên sẽ tiếp tục bị xô đổ.
Với các tín hiệu tích cực của thị trường, câu chuyện công nghệ của hệ thống cũng đang mang lại nhiều tín hiệu tích cực khi hàng loạt hành động để chuẩn bị cho việc chính thức vận hành hệ thống KRX đang được thực hiện.
Những ngày này, nhiều CTCK đang cấp tập kiểm thử hệ thống KRX. Từ ngày 4/3 đến ngày 8/3, Sở GDCK TP.HCM (HOSE) đã diễn tập chuyển đổi hệ thống lần 1. Sau đó, từ ngày 11/3 đến 15/3 các CTCK sẽ thử nghiệm việc nhập lệnh giao dịch, đảm bảo hoạt động giao dịch như một ngày giao dịch bình thường. Theo thông báo mới đây, HOSE sẽ thực hiện chạy thử lần 2 với các CTCK từ ngày 22/3 đến 28/3.
Với lượng giao dịch liên tục tăng trưởng, hệ thống KRX được kỳ vọng sẽ tiếp tục trang bị cho thị trường chứng khoán Việt Nam nền tảng đủ mạnh, giúp nâng cao năng lực với thanh khoản cao hơn (lên đến 4 tỷ USD mỗi phiên), giảm thời gian thanh toán từ T+2,5 hiện nay (từ đó có thể thúc đẩy tỷ lệ quay vòng vốn) và giải quyết các vấn đề cần thiết nâng cấp lên thị trường mới nổi.
Tuy nhiên, việc đưa vào một hệ thống mới không hề đơn giản. Nhìn lại hệ thống hiện tại và câu chuyện “giải cứu” của FPT từ cách đây 3 năm để thấy hành trình công nghệ thú vị của sàn HOSE cũng như những bài học cho lần chuyển giao mới.
“Giải cứu” 1 năm giờ là 3 năm
Nhìn lại quãng thời gian kể từ khi FPT tham gia giải cứu hệ thống HOSE từ 3 năm trước, giải pháp công nghệ và hệ thống mà tập đoàn này triển khai cho TTCK đã vận hành trơn tru, đáp ứng được đà tăng trưởng được cho là xu hướng không thể đảo ngược của nền kinh tế.
Theo các thông tin đã được chia sẻ, hệ thống được thiết kế đạt mức 3 triệu lệnh và dự phòng 5 triệu lệnh – gấp 3 lần hệ thống trước đó. Thứ hai, hệ thống làm được một thay đổi lớn là bỏ cơ chế phân bổ lệnh, các CTCK có thể đẩy lệnh theo năng lực của họ. Thứ ba, quan trọng nhất là việc làm chủ hệ thống gồm làm chủ quá trình, giám sát khắc phục sự cố và khi thị trường quá tải chủ động nâng cấp ứng dụng, có thuật toán để đáp ứng tăng trưởng của thị trường thời gian qua.
Thời điểm đưa hệ thống vào vận hành, mặc dù với thách thức “nghẹt thở” về thời gian, nhưng quá trình golive được thực hiện với sự tính toán chặt chẽ. Hơn 100 kỹ sư và chuyên gia công nghệ giàu kinh nghiệm của FPT đã được huy động cho dự án trong giai đoạn 100 ngày đầu. Hàng trăm tình huống kiểm thử đã được các bên triển khai, trong đó có cả việc tham vấn các nhà đầu tư giàu kinh nghiệm trong và ngoài nước để mô phỏng các tình huống có thể xảy ra trong giao dịch. Trước khi gove live, nhóm chuyên gia dự án đã xây dựng tới hơn 50 kịch bản rủi ro có thể xảy ra, từ đó thuyết trình với các bên liên quan và cả lãnh đạo FPT để các bên có thể thống nhất được ngày bấm nút chạy chính thức.
Với đặc điểm làm chủ công nghệ và đội ngũ vận hành liên tục, hệ thống cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường dựa trên tính chất linh hoạt điều chỉnh. Hiện nay, theo đánh giá của FPT, số lượng lệnh hoàn toàn có thể đạt đến mức 8-10 triệu lệnh nếu được yêu cầu và thực hiện một số hiệu chỉnh đối với hệ thống hiện tại.
Để đảm bảo việc vận hành, trong 3 năm qua, Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) đã duy trì nguồn lực 2 chuyên gia trực tại HOSE và các đội phản ứng nhanh với hàng chục kỹ sư sẵn sàng được “kích hoạt” khi cần để xử lý các tình huống phát sinh. Qua đó, rất nhiều các tình huống, sự cố cũng như các cải tiến quan trọng đã được phối hợp xử lý để đảm bảo hệ thống vận hành thông suốt, an toàn.
Tất nhiên, không phải mọi việc đều hoàn hảo. Đơn cử như lần kết nối “chập chờn” từ các CTCK 6/3 mới đây, được biết, FPT IS cũng phải nhanh chóng phối hợp cùng HOSE xử lý. Sau khi loại trừ nguyên nhân đến từ hệ thống lõi do FPT IS hỗ trợ vận hành, đơn vị tiếp tục rà soát các hệ thống khác và nhanh chóng tìm ra lỗi giúp các bên liên quan kịp thời khắc phục và đảm bảo phiên giao dịch tiếp theo ngày 7/3 diễn ra ổn định.
Không thể phủ nhận tính phức tạp của một hệ thống lớn, có tác động mạnh mẽ như sàn HOSE, khi một tác động hay lỗi nhỏ cũng có thể tạo nên “xáo trộn” của thị trường. Đặc biệt, với tính chất một hệ thống lớn, chắc chắn liên quan vai trò nhiều bên thì việc đảm bảo vận hành, tương tác kết nối khi xảy ra vấn đề là một bài học lớn cần được ghi nhận.
Từ một hệ thống “giải cứu”, hệ thống mà FPT xây dựng cũng đã chứng minh được việc tạo nên những thay đổi lớn cho thị trường và đến nay đang gần được bàn giao sứ mệnh của mình. Điều quan tâm lớn nhất lúc này là ngay trong khi đà thị trường đang tăng, thì việc chuyển giao sẽ được thực hiện như thế nào?
Tin tưởng cơ hội từ KRX
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo các CTCK FPTS, BVSC, SHS cho biết, việc kiểm thử của Công ty diễn ra thành công và đã gửi báo cáo đúng thời hạn cho HOSE. Hiện bộ phận công nghệ vẫn tiếp tục kiểm thử các phương án giả định vì thực tế có vô số trường hợp phát sinh cần lường trước khi đưa một hệ thống mới vào hoạt động. Bên cạnh đó, tài nguyên đường truyền của các CTCK hiện vẫn phải ưu tiên cho hệ thống hiện hữu phục vụ giao dịch hàng ngày, việc chia sẻ đường truyền hoặc các điều kiện khác cho kiểm thử do đó có thể chịu ảnh hưởng, có khác biệt so với vận hành toàn hệ thống.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch FPTS và ông Nguyễn Phúc Nguyên, Giám đốc Công nghệ thông tin CTCK Bảo Việt (BVSC) đều cho rằng, nếu cơ quan quản lý ấn định thời hạn hoàn tất kiểm thử, các CTCK đều phải nghiêm túc tuân thủ và gửi báo cáo kết quả, bởi đây là chuyện sống còn, CTCK nào cũng phải ưu tiên.
Với sự chuẩn bị có lộ trình và kĩ lưỡng, các đơn vị và nhà đầu tư tin tưởng lần chuyển giao hệ thống này sẽ thành công. Việc nhanh chóng đưa hệ thống KRX đưa vào vận hành chính thức sẽ tiếp tục tạo niềm tin của thị trường, với tính chuẩn hóa của hệ thống đã và đang được khẳng định tại các nền chứng khoán tiên tiến như Thái Lan, Phillipines…
Tuy nhiên, ngoài các thách thức để HOSE và các CTCK phải trải qua để đưa được hệ thống KRX lên sàn thì ngay sau đó, chúng ta sẽ có rất nhiều việc tiếp tục phải làm. Kế hoạch vận hành sau golive là gì để đảm bảo tính liên tục, thông suốt của hệ thống, đáp ứng được sự tăng trưởng nhanh, mạnh của thị trường trong giai đoạn sắp tới. Sau khi đưa KRX vào vận hành, có lộ trình chuyển giao công nghệ cho HOSE để người Việt có thể làm chủ phần nào đó hệ thống thay vì mỗi sự cố hoặc lỗi nhỏ cũng phải chờ chuyên gia nước ngoài bay sang xử lý như đã từng xảy ra với hệ thống giao dịch của Thái Lan trước đây? Nếu đưa KRX vào vận hành mà bị lỗi thì sao, có phải dự phòng một hệ thống giao dịch song song để đảm bảo sự vận hành thông suốt, an toàn của thị trường khi để vận hành thị trường không chỉ liên quan một hệ thống đơn lẻ mà có thể liên quan nhiều bên.
Nhìn từ FPT và năng lực công nghệ của các tập đoàn, công ty tư vấn đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Phúc Nguyên cho rằng, rất cần sự tham vấn và đồng hành của các chuyên gia am hiểu, có kinh nghiệm, có năng lực. Dựa trên những dữ liệu được cung cấp, họ có thể đưa ra những khuyến nghị hữu ích, làm cơ sở để cấp có thẩm quyền quyết định các vấn đề liên quan tới KRX.
Rõ ràng, vấn đề công nghệ trên TTCK Việt Nam đang là một chủ đề nóng, việc đưa hệ thống KRX vào vận hành nói riêng và chuyện công nghệ của TTCK Việt Nam nói chung rất cần sự cầu thị, can đảm và quyết đoán vì lợi ích chung của TTCK Việt Nam và nền kinh tế.