Thanh khoản của thị trường bất động sản vẫn ở mức cao

Theo thống kê của Ủy ban chứng khoán Nhà nước, số lượng các doanh nghiệp bất động sản đang niêm yết là 120 mã cổ phiếu, vốn hóa hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 23%.

Dù thị trường bất động sản còn gặp khó khăn trong hai năm gần đây, nhưng cổ phiếu bất động sản vẫn được dự báo có nhiều triển vọng phát triển trong năm 2020, nhờ biên lợi nhuận tốt và những triển vọng của ngành trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội thảo Tiềm năng và cơ hội đầu tư cổ phiếu bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt nguồn cung, các dự án mới không được phê duyệt.

Ông Châu dẫn số liệu cho thấy ở Tp.Hồ Chí Minh, trong 9 tháng đầu năm nay, chỉ có 1 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm khoảng 83% so với cùng kỳ năm ngoái; chỉ có 12 dự án được chấp thuận đầu tư, giảm khoảng 72% và chỉ có 24 dự án được cấp phép xây dựng, giảm 38%…Mặc dù vậy, thanh khoản của thị trường bất động sản vẫn ở mức cao. 100% sản phẩm căn hộ trung cấp có giá từ 3 tỷ đồng trở xuống đều đã được bán hết; các căn hộ ở phân khúc cao cấp sức mua cũng trên 70%.

Theo Chủ tịch HoREA, thị trường bất động sản chưa có nguy cơ bị khủng hoảng, vì vẫn còn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng (sau giai đoạn bị khủng hoảng đóng băng 2011-2013).

Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, trong thời gian tới, nguồn cung căn hộ sẽ tăng trưởng trở lại, với nguồn cung chào bán và số căn bán được tại Tp.Hồ Chí Minh khoảng 35.000 căn và 40.000 căn tại Hà Nội. Trong khi đó, giá bán tiếp tục tăng nhờ lượng cung hạn chế.

Bà Dung nhận định, mặc dù thị trường bất động sản phát triển chậm lại, nhưng không có bong bóng. Nhu cầu ở cao và các gói vay thế chấp giúp cân bằng thị trường và sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong năm 2020.

Cùng với nguồn cung mới chào bán ra thị trường tăng thì giá bán cũng tăng. Trong thời gian qua, giá thành bất động sản phân khúc nhà ở tầm trung đã tăng 5-10%. Phân khúc bất động sản nhà ở hạng sang tăng trưởng 30-40%. Điều này cho thấy lực mua tại TP.HCM vẫn ở mức cao dù giá bán tăng, đặc biệt phân khúc hạng sang. Nhu cầu tại TP.HCM vẫn rất cao. CBRE dự đoán, trong năm tới giá thành bất động sản phân khúc nhà ở tầm trung sẽ duy trì đà tăng 5-10%.

Từ một góc nhìn khác, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam đã chỉ ra các yếu tố để tạo nên sự phát triển của thị trường bất động sản: Nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng và ổn định; Khả năng liên kết giữa các đô thị ngày càng mở rộng; Doanh nghiệp bất động sản gia tăng tiềm lực; Nhu cầu đất nền và BĐS nghỉ dưỡng ngày càng được ưa chuộng. Ông Phương cũng cho rằng không chỉ phát triển, thị trường bất động sản còn tăng trưởng bền vững nhờ hấp thụ tồn kho từ những dự án của các năm trước đó, đồng thời các dự án có sự chuẩn bị về mặt pháp lý tốt hơn.

Trên thế giới, nhiều nghiên cứu về mối quan hệ giữa thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán đã kết luận rằng, đây là hai thị trường trụ cột của nền kinh tế. Tại Việt Nam, khi quy mô vốn huy động lớn, các quy định cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản của hệ thống ngân hàng thắt chặt, kinh nghiệm đầu tư và huy động vốn của nhà đầu tư tăng lên, năng lực quản trị dự án và quản trị tài chính trong đầu tư bất động sản đã đạt trình độ chuyên nghiệp hóa cao thì việc huy động vốn bằng phát hành trái phiếu, cổ phiếu được coi là “điểm tựa mới” cho các doanh nghiệp bất động sản.

Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hiện toàn thị trường có 1.664 mã chứng khoán đang giao dịch trên cả 3 sàn là HOSE, HNX và UpCoM, với giá trị vốn hóa đạt gần 4,7 triệu tỷ đồng; trong đó, số lượng các doanh nghiệp bất động sản đang niêm yết là 120 mã cổ phiếu, vốn hóa hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 23%.

Ông Lê Nhị Năng, Vụ trưởng Trưởng cơ quan đại diện Ủy ban chứng khoán Nhà nước tại TP. Hồ Chí Minh cho biết thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các bộ ngành liên quan triển khai giải pháp để phát triển thị trường chứng khoán, góp phần chuyển bớt “gánh nặng” tài trợ vốn trung và dài hạn từ thị trường tiền tệ sang thị thị trường tài chính, chứng khoán. Với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt của Chính phủ, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản sẽ có bước phát triển mới trong năm 2020 và các năm tiếp theo.

Theo thống kê của KIS Việt Nam, kể từ năm 2017 đến nay, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản niêm yết đều có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng khá tốt. Biên lợi nhuận của doanh nghiệp gia tăng nhiều hơn, đạt trên 15% trong 9 tháng năm 2019. Điều này cho thấy khả năng tạo ra lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản đang ngày càng ổn định. Bên cạnh đó, quy mô vốn của doanh nghiệp cũng đang tăng qua các năm và có sự cân bằng về tỷ trọng các nguồn vốn.

Mạnh Nguyễn

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/kinh-doanh/bat-dong-san/thanh-khoan-cua-thi-truong-bat-dong-san-van-o-muc-cao-321252.html