Thanh khoản mất hút, cổ phiếu 'anh trai' nằm sàn
Thanh khoản trong phiên hôm nay đột ngột xuống thấp kỷ lục, trong khi đó cổ phiếu YEG nằm sàn sau tuyên bố dừng sản xuất 2 show đình đám trong năm tiếp theo.
Thanh khoản mất hút, VN-Index mất hơn 5 điểm
Thị trường chứng khoán ngày 9/1 ghi nhận sự điều chỉnh nhẹ trên nhiều chỉ số, phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trong bối cảnh dòng tiền phân hóa mạnh mẽ. VN-Index giảm 0,42% (tương đương 5,25 điểm), đóng cửa tại 1.245,77 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 8,7 nghìn tỷ đồng.
Những cổ phiếu tác động tích cực nhất đến VN-Index trong phiên hôm nay bao gồm VHM, tăng 400 đồng (1%), đóng góp 0,41 điểm; VIC, tăng 250 đồng (0,62%), đóng góp 0,24 điểm; và PLX, tăng 700 đồng (1,83%), đóng góp 0,22 điểm. Đặc biệt, SJS ghi nhận mức tăng mạnh 3.600 đồng (4,56%), đóng góp thêm 0,1 điểm, dù mức ảnh hưởng không lớn.
Trong khi đó, một số cổ phiếu lớn chịu áp lực bán mạnh, kéo các chỉ số đi xuống. Cụ thể, HDB giảm 950 đồng (-4,08%), mất 0,78 điểm; VCB giảm 500 đồng (-0,54%), lấy đi 0,68 điểm; và BID giảm 400 đồng (-0,99%), giảm 0,67 điểm. Các cổ phiếu CTG và HPG cũng giảm mạnh, lần lượt mất 0,52 và 0,39 điểm.
Phiên giao dịch 9/1 cho thấy sự phân hóa rõ rệt giữa các nhóm ngành. Mặc dù một số ngành vẫn giữ được đà tăng, nhiều ngành lớn lại ghi nhận sự điều chỉnh nhẹ, tạo nên một bức tranh thị trường đa chiều.
Nhóm dầu khí nổi bật với mức tăng 1,45%, dẫn đầu là PVB với mức tăng 5,74%, OIL tăng 3,33%, và PLX tăng 1,83%, trong khi PVS tăng nhẹ 0,3%. PVD giữ mức tham chiếu tại 22.150 đồng/cp. Đây là nhóm ngành duy nhất duy trì được đà tăng mạnh và thu hút dòng tiền đáng kể từ nhà đầu tư.
Ngược lại, nhóm ngân hàng chịu áp lực điều chỉnh khi giảm 0,71%. Các cổ phiếu lớn như BID (-0,99%), CTG (-1,06%), SHB (-0,5%), TPB (-0,6%), LPB (-1%), HDB (-4,08%) đồng loạt giảm. Một số mã như TCB, VIB giữ giá, còn EIB, BVB tăng nhẹ nhưng không đủ lực để hỗ trợ toàn ngành.
Nhóm bất động sản chỉ tăng nhẹ 0,03%, chủ yếu nhờ vào VHM (+1,0%), VIC (+0,62%), và KBC (+0,53%). Đáng chú ý, PV2 đóng cửa trong sắc tím với thanh khoản 1,8 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, phần lớn các cổ phiếu trong nhóm này đều giảm, bao gồm NVL (-1,44%), DIG (-1,4%) và PDR (-1,55%).
Nhóm hàng và dịch vụ công nghiệp tăng 0,62%, với GEX tăng 1,92% và VTP tăng 0,95%. Tuy nhiên, VOS giảm 2,44%, ảnh hưởng đến kết quả chung của ngành.
Ngành xây dựng và vật liệu giảm nhẹ 0,33%, mặc dù có một số cổ phiếu nổi bật như MST (+8,96%) và DPG (+3,91%). Các mã lớn như BMP (-1,46%) và CTR (-1,09%) lại có sự điều chỉnh.
Nhóm công nghệ thông tin tăng nhẹ 0,26%, nhờ sự tăng giá của các cổ phiếu như FPT (+0,34%), SAM (+1,6%), SGT (+3,2%) và một số mã khác.
Các ngành khác như dịch vụ tài chính giảm 0,82%, chủ yếu do sự giảm giá của SSI (-1,2%), VIX (-0,8%), SHS (-1,7%), VND (-1,4%) và VCI (-1,1%). Trong khi đó, APG có phiên giao dịch ngược dòng khi tăng trần lên 6.680 đồng/cp. Các nhóm ngành khác cũng ghi nhận mức giảm như thực phẩm và đồ uống (-0,51%), và hóa chất (-0,36%).
Về giao dịch khối ngoại, nhóm nhà đầu tư nước ngoài tiếp đà bán ròng mạnh tay tới 441 tỷ đồng trong phiên hôm nay. Cụ thể, tại chiều bán, cổ phiếu STB chịu áp lực bán ròng mạnh nhất của khối ngoại với giá trị 85 tỷ đồng. VNM và SSI cũng bị bán ròng mạnh trên 40 tỷ đồng mỗi mã. Bên cạnh đó, cổ phiếu BID và HPG cùng bị bán ròng với giá trị 34 tỷ đồng. Ngược chiều, cổ phiếu HDB được "gom" mạnh nhất toàn thị trường với giá trị 46 tỷ đồng; xếp tiếp theo, PAN, FPT, VGC được mua ròng song giá trị không nhiều, chỉ hơn 10 tỷ đồng mỗi mã.
Cổ phiếu 'Anh trai' nằm sàn
Cổ phiếu YEG của Yeah1 đã giảm hết biên độ xuống mức 15.850 đồng/cp trong phiên giao dịch ngày 9/1 sau loạt thông tin tiêu cực liên quan đến việc công ty sẽ ngừng sản xuất hai show ăn khách, bị phạt thuế và công bố kế hoạch chào bán thêm 55 triệu cổ phiếu.
Thanh khoản của cổ phiếu này đạt hơn 94 tỷ đồng, xếp thứ 14 trên toàn thị trường, chỉ đứng sau các mã bluechip. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 5,8 triệu cổ phiếu, trong đó gần một nửa khớp lệnh ở mức giá sàn.
YEG là cổ phiếu duy nhất giảm hết biên độ trong phiên hôm nay. Trước đó, trong phiên hôm qua, cổ phiếu này còn tăng nhẹ, dù đã có hai phiên liên tiếp giảm sàn.
Diễn biến này diễn ra sau thông tin từ CEO Ngô Thị Vân Hạnh cho biết năm nay, Yeah1 sẽ không tiếp tục sản xuất các mùa tiếp theo của chương trình "Anh trai vượt ngàn chông gai" và "Chị đẹp đạp gió", mà thay vào đó, công ty sẽ dành nguồn lực cho hai chương trình mới. Trước đó, cổ phiếu YEG đã ghi nhận đà tăng mạnh nhờ sự thành công của các show này, góp phần vào việc cải thiện kết quả kinh doanh từ nửa cuối năm 2023.
Ngoài ra, Yeah1 gần đây cũng bị phạt gần 53 triệu đồng do vi phạm trong khai báo thuế, bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp. Công ty đã bị truy thu thuế hơn 221 triệu đồng và tiền chậm nộp gần 44 triệu đồng, tổng cộng khoảng 318 triệu đồng và đã hoàn thành việc nộp tiền.
Mới đây, Yeah1 cũng thông qua kế hoạch chào bán hơn 54,8 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, dự kiến thu về hơn 548 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được sử dụng để bổ sung vốn cho công ty con 1Production – đơn vị sản xuất các chương trình "Anh trai" và "Chị đẹp", hoàn trả nợ vay và thanh toán nợ tại Vietinbank, cũng như cho các hoạt động kinh doanh sản xuất nội dung.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thanh-khoan-mat-hut-co-phieu-anh-trai-nam-san.html