Thanh khoản thấp, từng bị bị mở thủ tục phá sản, Vàng Phước Sơn giờ ra sao?

Đầu năm 2024, Công ty TNHH Vàng Phước Sơn được gia hạn giấy phép khai thác thêm 8 tháng tại mỏ vàng Đăk Sa. Vàng Phước Sơn nhiều lần ghi nhận thanh khoản thấp khi công ty nợ lớn và chưa xóa được lỗ lũy kế.

Gia hạn giấy phép khai thác thêm 8 tháng tại mỏ vàng Đăk Sa

Ngày 24/1, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản gửi Bộ TN&MT, Cục Khoáng sản Việt Nam về việc gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản tại các khu vực Bãi Gõ, Bãi Đất - mỏ vàng Đăk Sa của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn (Công ty Vàng Phước Sơn).

Tỉnh Quảng Nam thống nhất với đề nghị của Công ty Vàng Phước Sơn về việc xin gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản vàng gốc tại các khu vực Bãi Gõ, Bãi Đất - mỏ vàng Đăk Sa thuộc xã Phước Đức, huyện Phước Sơn với thời gian đề nghị gia hạn là 8 tháng để hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công khai thác mỏ, lập hồ sơ xin cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và có thời gian khai thác hết trữ lượng quặng còn lại tại mỏ...

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam khẳng định, Công ty Vàng Phước Sơn đã cơ bản chấp hành đúng các quy định pháp luật, đến ngày 20/12/2023, công ty không có nợ thuế (theo xác nhận của Cục Thuế tỉnh).

Đáng chú ý, ngay trước thời điểm được gia hạn, Vàng Phước Sơn đã trong tình trạng "thanh khoản thấp".

Cụ thể, tại ngày 31/12/2023, Vàng Phước Sơn ghi nhận các chỉ tiêu tài sản ngắn hạn, hàng tồn kho, nợ ngắn hạn lần lượt là 434 tỷ đồng, 416 tỷ đồng và 147 tỷ đồng. Như vậy, hệ số thanh toán nhanh của công ty này chỉ là 0,12. Theo lý thuyết, hệ số thanh toán nhanh nhỏ hơn 0,5 phản ánh doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc chi trả, tính thanh khoản thấp.

Đây không phải lần đầu tiên thanh khoản của Vàng Phước Sơn gặp vấn đề này, khi tại ngày 31/12/2022, hệ số thanh toán nhanh công ty này là 0,47. Điều này cho thấy, cuối năm 2023, tình hình thanh khoản của Vàng Phước Sơn còn căng thẳng hơn năm 2022.

Lỗ lũy kế hơn 1.000 tỷ đồng

Vàng Phước Sơn nhiều lần ghi nhận thanh khoản thấp khi công ty nợ lớn và chưa xóa được lỗ lũy kế. Trong năm 2023, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vàng Phước Sơn dù giảm từ 749 tỷ đồng xuống 700 tỷ đồng nhưng công ty vẫn có lãi với khoản lợi nhuận sau thuế đạt 50,9 tỷ đồng, giảm sâu so với 177 tỷ đồng của năm 2022.

Dù vậy, những khoản lợi nhuận này vẫn chưa đủ bù đắp được tháng năm dài thua lỗ triền miên của Vàng Phước Sơn. Vì vậy, tại ngày 31/12/2023, công ty lỗ lũy kế 1.138 tỷ đồng. Kết quả là vốn góp chủ sở hữu 1.340 tỷ đồng không được bảo toàn. Thay vào đó, vốn chủ sở hữu chỉ còn 202 tỷ đồng. Cuối năm 2023, công ty chỉ còn 6,9 tỷ đồng.

Dòng tiền yếu nên công ty có nhiều khoản nợ đáng chú ý. Cuối năm 2023, công ty này ghi nhận 106 triệu đồng phải trả về kinh phí công đoàn, 901 triệu đồng phải trả về bảo hiểm xã hội, 159 triệu đồng phải trả về bảo hiểm y tế và 70 triệu đồng phải trả về bảo hiểm thất nghiệp.

Trước đó, hồi cuối năm 2022, Vàng Phước Sơn chỉ có 117 triệu đồng phải trả về kinh phí công đoàn nhưng không nợ bất cứ loại bảo hiểm nào.

Cùng với đó, Vàng Phước Sơn còn có 15,7 tỷ đồng phải trả người lao động, tăng so với 9,5 tỷ đồng hồi cuối năm 2022.Ngoài ra, công ty còn nợ thuế. Tại ngày 31/12/2023, chỉ tiêu thuế và các khoản phải nộp Nhà nước của Vàng Phước Sơn đạt 12,1 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số 15,1 tỷ đồng một năm trước đó.

Trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp phải trả và thuế tài nguyên là lớn nhất khi cùng đạt 4,3 tỷ đồng. Đứng sau là thuế giá trị gia tăng (1,3 tỷ đồng), thuế thu nhập cá nhân (1,2 tỷ đồng).

Cách đây 10 năm, Công ty Vàng Phước Sơn phải dừng sản xuất vì nợ thuế hàng trăm tỷ đồng. Tới tháng 8/2016, Công ty Vàng Phước Sơn đã tái khởi động hoạt động khai thác vàng tại mỏ vàng Đăk Sa sau sau 2 năm "đóng băng".

Hoạt động này được triển khai sau khi Ngân hàng Việt Á bảo lãnh số nợ thuế hơn 334 tỷ đồng của Công ty Vàng Phước Sơn và được Cục thuế tỉnh Quảng Nam chấp thuận chứng thư bảo lãnh và dỡ bỏ cưỡng chế.

Trước đó, năm 2017, Tòa án Quảng Nam quyết định mở thủ tục phá sản Công ty TNHH Vàng Phước Sơn sau khi nhận thấy căn cứ chứng minh đơn vị này mất khả năng thanh toán.

Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam cho biết, Công ty Vàng Phước Sơn bị chủ nợ là Công ty cổ phần tư vấn và kỹ thuật Abel Việt Nam (Abel Việt Nam) kiện. Sau khi xem xét các giấy tờ, tài liệu liên quan, cơ quan chức năng cho rằng có căn cứ chứng minh công ty này mất khả năng thanh toán.

Theo quyết định này, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng đăng tải thông tin mở thủ tục phá sản, các chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ cho tòa án tỉnh. Trong đó phải có các nội dung liên quan đến khoản nợ, khoản bồi thường theo hợp đồng (nếu có) cũng như thông tin cá nhân chủ sợ. Kèm theo giấy đòi nợ là các tài liệu chứng minh về các khoản nợ đó.

Về quyết định của Tòa án tỉnh Quảng Nam mở thủ tục phá sản, đại diện Công ty Vàng Phước Sơn cho hay, đơn vị này nợ Abel Việt Nam hơn 19 tỷ đồng. Hai bên đã nhiều lần đàm phán, thương lượng… song kế hoạch trả nợ của doanh nghiệp vàng không được phía Abel Việt Nam chấp nhận.

Công ty TNHH Vàng Phước Sơn được thành lập vào tháng 7/2008, trụ sở giao dịch đóng tại thôn 4, xã Phước Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Công ty hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực khai thác vàng.

Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp gần nhất (tháng 6/2022), vốn điều lệ của công ty này là 1.340 tỷ đồng, do 3 thành viên góp vốn. Gồm các cá nhân: Lương Thị Linh góp 306 tỷ đồng (22,836%), Nguyễn Thị Mừng góp 700 tỷ đồng (52,239%) và Nguyễn Đắc Quỳnh Anh góp 334 tỷ đồng (24,925%).

Trung Hiếu

Nguồn Doanh nhân & Pháp luật: https://doanhnhan.vn/thanh-khoan-thap-tung-bi-bi-mo-thu-tuc-pha-san-vang-phuoc-son-gio-ra-sao-76894.html