Thanh kiểm tra kéo dài, một doanh nghiệp địa ốc tại Bà Rịa – Vũng Tàu uất ức bật khóc
Hình ảnh người đàn ông với mái tóc hoa râm uất ức bật khóc khiến nhiều đại biểu tham dự buổi đối thoại không khỏi chạnh lòng...
Tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với 200 doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn diễn ra mới đây, nhiều doanh nghiệp cho rằng, quy định và cách giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh có nhiều bất cập, còn hiện tượng đẩy trách nhiệm khi thanh kiểm tra kéo dài, gây khó khăn cho doanh nghiệp và kìm hãm sự phát triển của địa phương.
ĐOẠN TRƯỜNG THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Tại hội nghị, ông Đỗ Đình Huế, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Đông Dương, chủ đầu tư dự án Vườn Xuân tại thành phố Vũng Tàu đã bật khóc vì quá trình thanh kiểm tra kéo dài.
“Nếu chúng tôi không phải là chủ đầu tư từ năm 2010 và tuân thủ mọi hướng dẫn của chính quyền địa phương cũng như các Bộ, ngành liên quan thì làm sao làm nổi các bước tiếp theo để khu đô thị Vườn Xuân được hình thành khang trang như ngày nay? Cơ sở pháp lý thì Sở xây dựng tỉnh đã xác nhận và tham vấn nhiều lần, khẳng định đúng quy trình rồi. Giờ thanh kiểm tra lại 2 năm vẫn chưa có hồi kết, chủ đầu tư cứ vòng vòng hết cơ quan, ban ngành để ôm tài liệu đi trình bày, thậm chí cơ quan cảnh sát điều tra cũng đã kết luận quy trình đầu tư đúng pháp luật rồi mà giờ tỉnh vẫn cứ đẩy quả bóng tham vấn cho đủ cơ quan cấp dưới, chúng tôi vẫn cứ khốn khổ”, ông Huế nói.
Để tháo gỡ những điểm nghẽn, từ năm 2023 đến nay doanh nghiệp đã nhiều lần đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh đối với doanh nghiệp để cùng nhau tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp vẫn phải chờ đợi. Theo ông Huế, trong cuộc trao đổi giữa doanh nghiệp và lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mới đây (7/11) doanh nghiệp không có trong danh sách, tuy nhiên vì quá “mỏi mòn” doanh nghiệp đã chủ động đến dự.
Trình bày tại buổi đối thoại ông Huế cho biết, năm 2010, Công ty Đông Dương được công nhận là chủ đầu tư Dự án Vườn Xuân theo Văn bản số 6370 của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Về cơ sở pháp luật, Sở Xây dựng đã nhiều lần gửi văn bản tới UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định: “Văn bản 6370 của UBND tỉnh là văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư và đồng thời là văn bản lựa chọn chủ đầu tư tại thời điểm năm 2010 theo đúng quy định pháp luật”.
Văn bản này là thủ tục được triển khai theo Quyết định 23/2007/QĐ-UBND tỉnh ngày 19/4/2007, quy định về trình tự thủ tục triển khai các dự án đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài bên ngoài các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.
Cũng phải nhấn mạnh rằng, thời điểm này, không có biểu mẫu quy định lựa chọn chủ đầu tư, có hàng chục dự án khác cũng thực hiện các trình tự thủ tục như vậy. Phải đến khi Thông tư 16/2010/TT-BXD của Bộ Xây dựng ra đời mới quy định về biểu mẫu lựa chọn chủ đầu tư nhưng có hiệu lực thi hành vào ngày 16/10/2010, sau khi UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành văn bản số 6370/UBND-VP cho Công ty Đông Dương.
Đối chiếu với các quy định tại Nghị định 71/2010/NĐ-CP về điều kiện để chỉ định chủ đầu tư phát triển nhà ở và tài liệu Công ty Đông Dương cung cấp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổ chức lấy ý kiến, thì chủ đầu tư đã đảm bảo thành phần hồ sơ yêu cầu là Chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại theo quy định của Nghị định 71/2010/NĐ-CP. Văn bản số 6370 được xem là kết quả thủ tục “lựa chọn chủ đầu tư dự án” hay “công nhận chủ đầu tư” theo Nghị định 71/2010/NĐ – CP và Thông tư 16/2010/TT – BXD.
Tuy nhiên, đến nay, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lại mất rất nhiều thời gian để xem xét lại những thủ tục hành chính, hướng dẫn doanh nghiệp triển khai, chưa có văn bản gửi Thanh tra Bộ Xây dựng khẳng định dứt khoát và có thể gây hiểu nhầm về bản chất pháp lý của văn bản (6370) công nhận Công ty Đông Dương là chủ đầu tư dự án nhà ở Vườn Xuân. Điều này dẫn đến tình trạng khiếu nại, thanh tra kéo dài.
Bên cạnh đó, liên quan đến việc dành quỹ đất 20% để xây dựng Nhà ở xã hội mà dự án Vườn Xuân không tổ chức thực hiện, vấn đề này cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Quyết định số 19/QĐ-CSKT.Đ1 ngày 10/7/2023 kết luận: “Việc Sở Xây dựng và UBND thành phố Vũng Tàu ban hành các văn bản liên quan phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Dự án Vườn Xuân đã không có quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội là phù hợp với các quy định của pháp luật.”
Giám đốc điều hành dự án, ông Nguyễn Thanh Toàn bức xúc cho biết, dự án Vườn Xuân chỉ cần có 3 năm triển khai là đã bàn giao cho khách hàng, nhưng phải trải qua một hành trình thủ tục pháp lý gần 10 năm. Từ đó, trải qua “đoạn trường” với hàng trăm văn bản, thủ tục pháp lý của các cơ quan ban ngành liên quan của tỉnh, chưa kể phải nhiều lần trì hoãn vì tỉnh điều chỉnh quy hoạch. Vậy mà doanh nghiệp vẫn nỗ lực hoàn thành bàn giao nhà đúng cam kết cho cư dân, vận hành là khu đô thị kiểu mẫu, thủ tục minh bạch như vậy mà cứ thanh tra kéo dài khiến doanh nghiệp gần như kiệt quệ.
QUẢ BÓNG TRÁCH NHIỆM LIÊN TỤC LĂN
Bức xúc trên của chủ đầu tư dự án Vườn Xuân chỉ là một trong nhiều câu chuyện tương tự, được xem là “căn bệnh” trầm kha mà doanh nghiệp đang vướng phải đó là bị thanh kiểm tra kéo dài, do hiện tượng các cơ quan ban ngành đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
Nhiều doanh nghiệp đã nói thẳng là cần được thấy cải cách hành chính nhiều hơn, hiệu quả hơn - nhất là sự thay đổi từ chính những người thực thi chính sách để tháo gỡ nhiều hơn những rào cản gây trở ngại hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bên lề hội nghị, Giám đốc điều hành một doanh nghiệp tại TP.HCM đang có dự án tại Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay, doanh nghiệp cần có cơ chế chính sách đồng bộ, vận hành nhịp nhàng, đồng thời có chế tài, xử lý nghiêm những bộ phận, cá nhân cố tình gây khó khăn, ách tắc.
"Nguyện vọng lớn nhất của các doanh nhân, doanh nghiệp là được chính quyền không chỉ lắng nghe, mà còn phải ghi nhận và hành động cụ thể ngay và luôn. Lắng nghe xong rồi lại đùn đẩy nhau mà không kết luận, chỉ đạo, tháo gỡ cụ thể thì lắng nghe cũng không có ích gì, còn đá bóng trách nhiệm, chúng tôi còn khổ”, vị Giám đốc này nói.
Còn đại diện của Công ty Nam Long cho hay không chỉ các chính sách chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính thực tiễn, tình trạng nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán kéo dài 2-3 năm thậm chí "không hồi kết" đã khiến doanh nghiệp bất an, "rệu rã". Điều đó kéo theo hệ lụy doanh nghiệp cũng khốn đốn vì đứt dòng tiền chi phí vốn "đội" lên nhiều lần, lãi vay ngân hàng tăng cao và quan trọng là cơ hội kinh doanh bị đánh mất.
Hay như, chính sự chồng chéo của một số quy định khiến thủ tục, rồi một bộ phận cán bộ đá bóng trách nhiệm khiến thực hiện dự án đầu tư rườm rà, kéo dài. Điều đó tạo cơ hội cho những đợt thanh tra mà đằng sau các đợt "thanh tra" đó là doanh nghiệp phải “biết điều" tới kiệt quệ.
Theo ông Lê Cường, đoàn Luật sư TP.HCM, mỗi vấn đề doanh nghiệp bức xúc, phản ánh đều có nguyên nhân chính đáng. Còn đã đến nỗi phải bật khóc thì chắc chắn là quá sức chịu đựng, doanh nghiệp không muốn tiếp tục sau những buổi đối thoại chỉ là lời hứa.
"Lãnh đạo tỉnh phải giải quyết, xử lý tận gốc nếu không sẽ ảnh hưởng nặng nề tới môi trường đầu tư. Lãnh đạo tỉnh cũng nên thẳng thắn nhìn nhận có hiện tượng cán bộ yếu kém và sợ chịu trách nhiệm trong việc giải quyết một số vấn đề liên quan lĩnh vực bất động sản hiện nay, không thể lại đá bóng tới trung ương, không thể để xảy ra hiện tượng không chốt thời gian giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp", Luật sư Lê Cường nêu quan điểm.
Trước đó, thảo luận tại hội trường về phát triển kinh tế - xã hội, ngày 1/11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đã đề nghị với Chính phủ, các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm đến vấn đề đánh giá và sử dụng, sắp xếp cán bộ làm tiền đề cho mọi sự phát triển, mọi công việc trong thời gian tới.
Đề cập đến vấn đề năng lực và đạo đức công vụ của một bộ phận công chức, viên chức, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, báo cáo của Chính phủ có nêu một trong những hạn chế, khó khăn trong thực hiện phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 là còn tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc dẫn đến công việc chậm tiến độ, giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và làm giảm niềm tin của doanh nghiệp, người dân.
Quay lại với hội nghị đối thoại với doanh nghiệp của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cam kết lãnh đạo tỉnh luôn đồng hành, cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi nhất về môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh.
Riêng dự án Vườn Xuân, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhận định, đây là một dự án đẹp, đầu tư chuẩn mực có đẳng cấp, tỉnh đã họp và cho chủ trương, và sẽ giải quyết sớm.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Tuy nhiên, giám đốc điều hành dự án ông Nguyễn Thanh Toàn bộc bạch thẳng thắn, về cơ sở pháp luật của dự án, trong văn bản mới nhất của các Sở ban ngành gửi UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã khẳng định, Văn bản 6370 của UBND tỉnh là văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư và đồng thời là văn bản lựa chọn chủ đầu tư tại thời điểm năm 2010 theo đúng quy định pháp luật.
“Các Sở cũng đã đồng thuận hết rồi, quá trình pháp lý đã minh bạch, một sự thật đã quá rõ ràng! Chúng tôi không muốn nghe những lời hứa nữa. Chúng tôi đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhanh chóng khẳng định mạnh mẽ với cơ quan ngôn luận và các cơ quan chức năng trước 20/11 như lãnh đạo tỉnh đã cam kết, không đẩy trách nhiệm nữa để cư dân an cư lạc nghiệp và doanh nghiệp chấm dứt khốn khó”, ông Toàn nhấn mạnh.