Thanh Lãng vững bước phát triển

Từ một miền quê nghèo, kinh tế dựa chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp, sau 25 năm khi được tái lập cùng huyện Bình Xuyên, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, cùng với sự đoàn kết, quyết tâm của Đảng bộ và chính quyền địa phương, Thanh Lãng đã từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên trở thành một trong những thị trấn, đô thị loại V phát triển hàng đầu của huyện Bình Xuyên. Thành quả trên là nguồn cổ vũ, động lực to lớn để thị trấn Thanh Lãng tiếp tục vững bước phát triển trong tương lai.

6 tháng đầu năm, sản xuất đồ mộc mang lại giá trị sản xuất hơn 150 tỷ đồng cho thị trấn Thanh Lãng

6 tháng đầu năm, sản xuất đồ mộc mang lại giá trị sản xuất hơn 150 tỷ đồng cho thị trấn Thanh Lãng

Thanh Lãng cũng như nhiều địa phương khác, thời điểm sau khi được tái lập cùng với huyện Bình Xuyên là những bộn bề khó khăn, việc định hướng mục tiêu, chiến lược phát triển bền vững cho quê hương là nhiệm vụ vô cùng nặng nề, gian nan vất vả, nỗi niềm trăn trở lớn của đội ngũ cán bộ, lãnh đạo thời kỳ đó.

Bởi cùng lúc phải giải quyết những nhu cầu cấp bách trước mắt để ổn định đời sống nhân dân, vừa phải triển khai các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân về lâu về dài.

Trên cơ sở phân tích tình hình thực tiễn; tiềm năng lợi thế, thế mạnh của địa phương, Thanh Lãng xác định khôi phục và phát triển làng nghề mộc truyền thống là bước đi đột phá cho tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia sản xuất nghề mộc phát triển kinh tế gia đình. Cùng với đó, tích cực phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao tay nghề cho người dân.

Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, phát triển thương hiệu làng nghề; khuyến khích, hỗ trợ các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất, kinh doanh tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để mua sắm trang thiết bị máy móc, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất để mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường…

Nhờ vậy, từ chỗ hầu hết phải đi làm công, làm thuê ở các địa phương trong cả nước với thu nhập bấp bênh, những người thợ lành nghề đã quay trở về gây dựng các cơ sở sản xuất ngay chính tại quê hương, vừa khôi phục phát triển nghề truyền thống, vừa tạo việc làm, phát triển ổn định kinh tế gia đình và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế-xã hội của địa phương.

Thương hiệu làng nghệ mộc Thanh Lãng từ chỗ đang mai một đã hồi sinh mạnh mẽ và mở rộng thị trường từ Bắc vào Nam. Thậm chí một số sản phẩm cao cấp như bàn ghế, sập, giường, tủ, cuốn thư, câu đối… đã được xuất khẩu sang thị trị trường một số nước Đông Nam Á.

Tính đến nay, toàn thị trấn đã có khoảng 300 hộ gia đình trực tiếp sản xuất, kinh doanh với tổng số hơn gần 2.000 lao động trực tiếp tham gia sản xuất nghề mộc, mang lại giá trị thu nhập hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, giá trị sản xuất từ làng nghề đạt hơn 150 tỷ đồng, chiếm gần 55% tổng giá trị sản xuất ở địa phương.

Cùng với khôi phục, phát triển các làng nghề mộc truyền thống, các lĩnh vực thương mại, dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, cũng như hỗ trợ cho phát triển nghề mộc được địa phương quan tâm, khuyến khích, thúc đẩy mở rộng.

Thị trấn tập trung cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân phát triển các ngành nghề kinh doanh thương mại dịch vụ; đầu tư hoàn thiện hạ tầng khu chợ Láng; xây dựng hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi cho kết nối giao thương giữa các địa phương; cải tạo, chỉnh trang đô thị…

Đến nay, số lượng các hộ dân tham gia kinh doanh thương mại-dịch vụ trên địa bàn thị trần đã đạt gần 1.000 hộ, với đa dạng các loại hình kinh doanh thương mại-dịch vụ như kinh doanh vận tải, buôn bán gỗ, điện tử, điện máy, cơ khí, buôn bán vật liệu xây dựng, tạp hóa, dịch vụ ăn uống... giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 100 tỷ đồng, chiếm gần 35% tổng giá trị sản xuất toàn thị trấn.

Kinh tế phát triển đã tạo nguồn lực to lớn để địa phương có điều kiện đầu tư từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ cho phát triển sản xuất và đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Năm 2008, xã Thanh Lãng được công nhận là thị trấn, đến năm 2020, được công nhân là đô thị loại V với đầy đủ các tiêu chí theo quy định. Hệ thống hạ tầng giao thông, cảnh quan đô thị, cấp điện, cung cấp nước sạch, giáo dục, y tế được quan tâm đầu tư ngày càng khang trang, đồng bộ.

100% tổ dân phố trên địa bàn có nhà văn hóa, hiện nay các tổ dân phố có sân bóng chuyền hơi, cầu lông, bóng bàn. Các tổ dân phố đã thành lập được các câu lạc bộ thể dục-thể thao, duy trì hoạt động như câu lạc bộ bóng chuyền hơi, dân vũ, bóng đá... tạo sân chơi giải trí, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Hệ thống chính trị được xây dựng, củng cố ngày càng trong sạch, vững mạch. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền được nâng lên.

Không thể phủ nhận quá trình xây dựng và phát triển của thị trấn Thanh Lãng vẫn còn những tồn tại, hạn chế, những vấn đề cần sửa chữa, tháo gỡ, khắc phục, tuy nhiên, với sự đoàn kết thống nhất trong cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị và người dân, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của huyện Bình Xuyên và các cấp, các ngành của tỉnh, thị trấn Thanh Lãng sẽ có những bước tiến mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa về mọi mặt, xứng đáng là một trong những thị trấn phát triển hàng đầu, đóng góp tích cực cho tăng trưởng chung của huyện Bình Xuyên.

Bài, ảnh: Duy Dương-Nguyễn Khánh

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/95209//thanh-lang-vung-buoc-phat-trien