Thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc; Duyệt 4 bến cảng Lạch Huyện vốn 24.846 tỷ đồng

Thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc; Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư 4 bến cảng Lạch Huyện vốn 24.846 tỷ đồng… Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Đề xuất đầu tư 105 km cao tốc Mộc Châu - TP. Sơn La vốn 22.262 tỷ đồng

Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Sơn La làm cơ quan chủ quản lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Mộc Châu - TP. Sơn La dài 105 km, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, với tổng mức đầu tư ước khoảng 22.262 tỷ đồng.

Tuyến đường có điểm đầu nối với cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu và điểm cuối tại Quốc lộ 4G, đi qua thị xã Mộc Châu, các huyện Yên Châu, Mai Sơn và TP. Sơn La.

Dự kiến triển khai trong giai đoạn 2026 – 2030 theo hình thức đầu tư công từ ngân sách Trung ương. Công trình nhằm từng bước hoàn thiện cao tốc CT.03 (Hà Nội – Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên), thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, du lịch và đảm bảo quốc phòng – an ninh vùng Tây Bắc.

Hưng Yên thu hút hơn 5,9 tỷ USD đầu tư nửa đầu năm 2025

Trong 6 tháng đầu năm 2025, tỉnh Hưng Yên sau sáp nhập đã tiếp nhận thêm 205 dự án đầu tư với tổng vốn trên 5,9 tỷ USD, trong đó có nhiều dự án quy mô lớn, mang tính động lực. Kết quả này phản ánh môi trường đầu tư hấp dẫn và hiệu quả từ việc tái cấu trúc hành chính.

Lễ khởi công xây dựng Dự án Khu phức hợp đô thị, du lịch sinh thái, sân golf Khoái Châu tại Hưng Yên.

Lễ khởi công xây dựng Dự án Khu phức hợp đô thị, du lịch sinh thái, sân golf Khoái Châu tại Hưng Yên.

Nhờ tập trung cải cách, chuyển đổi số, tháo gỡ điểm nghẽn trong thẩm định và cấp phép đầu tư, tỉnh duy trì tăng trưởng GRDP 9%, kim ngạch xuất khẩu đạt 4,2 tỷ USD (tăng gần 30%), tổng vốn đầu tư toàn xã hội gần 37.800 tỷ đồng. Các khu công nghiệp và ngoài khu công nghiệp hiện có gần 3.880 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký trên 40,8 tỷ USD.

Việc thu hút mạnh dòng vốn trong bối cảnh sắp xếp hành chính khẳng định năng lực điều hành linh hoạt và tầm nhìn chiến lược, giúp Hưng Yên vươn lên trở thành cực tăng trưởng mới của vùng Đồng bằng sông Hồng.

Quảng Ninh tìm nhà đầu tư cho dự án 2 tỷ USD tại Khu kinh tế Vân Đồn

Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh công bố đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho dự án Khu du lịch dịch vụ phức hợp cao cấp tại Vân Đồn, quy mô 244,45 ha, tổng vốn hơn 51.500 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD), thời gian hoạt động tối đa 70 năm.

Trong những năm gần đây, Quảng Ninh đã đầu tư đáng kể vào phát triển hạ tầng kỹ thuật tại Vân Đồn. Ảnh: Thanh Tân.

Dự án gồm các hạng mục: casino, khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại, công viên, giao thông hạ tầng... và dự kiến triển khai trong 9 năm từ khi giao đất. Phần đất rừng tự nhiên hơn 62 ha được giữ nguyên hiện trạng.

Dự án được kỳ vọng trở thành điểm đến du lịch – giải trí cao cấp tầm quốc tế, thí điểm cho người Việt vào chơi casino khi đáp ứng điều kiện pháp luật. Đây là dự án chiến lược của đặc khu Vân Đồn – trung tâm công nghiệp giải trí, du lịch biển đảo cao cấp của Quảng Ninh.

CMC được chấp thuận là nhà đầu tư trung tâm dữ liệu 6.260 tỷ đồng tại TP.HCM

Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC được Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM chấp thuận làm nhà đầu tư thực hiện Dự án Trung tâm dữ liệu siêu quy mô với tổng vốn 6.260 tỷ đồng (hơn 250 triệu USD). Dự án có quy mô hơn 30.203 m², gồm 3.000 racks, tổng công suất IT Load đạt 30 MW, thời hạn hoạt động 50 năm. Trong đó, vốn góp của CMC chiếm 20%, phần còn lại được huy động từ nguồn khác.

Khu Công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: Lê Quân

Dự án triển khai trong 4 giai đoạn từ 2026 đến 2030, giai đoạn I sẽ khởi công quý II/2026. Đây là một trong những ưu tiên phát triển trọng tâm của Khu Công nghệ cao TP.HCM, bên cạnh các lĩnh vực then chốt như AI, bán dẫn, công nghệ sinh học, với mục tiêu xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và thu hút mạnh mẽ đầu tư R&D.

Quảng Ngãi chuẩn bị đấu giá 18 mỏ khoáng sản

Ngày 16/7/2025, tỉnh Quảng Ngãi sẽ tổ chức đấu giá 18 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, gồm 4 mỏ đất san lấp, 6 mỏ đá và 8 mỏ cát xây dựng, với tổng tiền đặt cọc gần 3 tỷ đồng. Các mỏ nằm chủ yếu ở khu vực phía Tây tỉnh, đã hoàn tất công tác chuẩn bị.

Việc đấu giá nhằm đáp ứng nhu cầu vật liệu cho người dân và đảm bảo nguồn cung phục vụ các công trình đầu tư công trên địa bàn. Các mỏ có quy mô khai thác đa dạng, trong đó có những mỏ đá và cát dự báo trữ lượng lên tới hàng trăm nghìn m³. Đây là đợt đấu giá khoáng sản quy mô lớn nhằm khai thác hiệu quả tài nguyên địa phương theo đúng quy định pháp luật.

Hòa Phát đầu tư khu công nghiệp gần 3.400 tỷ đồng tại Hải Phòng

Tập đoàn Hòa Phát vừa được chấp thuận chủ trương đầu tư Khu công nghiệp Hoàng Diệu tại xã Gia Phúc, TP. Hải Phòng, với quy mô hơn 245 ha và tổng vốn gần 3.400 tỷ đồng.

Phối cảnh KCN Hoàng Diệu được Hòa Phát đầu tư.

Phối cảnh KCN Hoàng Diệu được Hòa Phát đầu tư.

Dự án sẽ triển khai trong 30 tháng, hướng đến xây dựng – kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao. Nằm gần cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và các tuyến quốc lộ trọng điểm, khu công nghiệp có lợi thế lớn về kết nối giao thương, đặc biệt thuận lợi trong chuỗi cung ứng khu vực phía Bắc.

Chủ đầu tư và địa phương cam kết hỗ trợ mạnh về chính sách và hạ tầng. Đây là dự án mới nhất đưa tổng quỹ đất KCN của Hòa Phát lên 1.733 ha, tập trung tại các địa phương như Hưng Yên, Ninh Bình, Bắc Ninh và Hải Phòng, với tỷ lệ lấp đầy các KCN hiện hữu đạt khoảng 95%.

Đèo Cả cùng Fecon bắt tay đối tác Trung Quốc đề xuất làm metro số 2 TP.HCM

Liên danh gồm Tập đoàn Đèo Cả, Fecon (Việt Nam), PowerChina và SUCGI (Trung Quốc) đề xuất UBND TP.HCM giao thực hiện tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) theo hình thức chỉ định thầu EPC, trên cơ sở Nghị quyết 188/2025/QH15 về cơ chế đặc thù phát triển đường sắt đô thị.

Sơ đồ hướng tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương)

Tập đoàn Đèo Cả giữ vai trò đầu mối, cam kết để doanh nghiệp Việt làm chủ công nghệ, tránh phụ thuộc nước ngoài. Các doanh nghiệp trong nước đã chuẩn bị sẵn nhân lực, thiết bị TBM và kinh nghiệm để triển khai dự án đảm bảo chất lượng và tiến độ.

Từ đầu năm 2024, Đèo Cả cùng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM đã đào tạo hơn 200 kỹ sư đường sắt, đồng thời cử kỹ sư, công nhân sang học tập tại các công trình metro ở Trung Quốc. Đề xuất lần này cho thấy nỗ lực chủ động công nghệ và huy động nguồn lực trong – ngoài nước để phát triển hạ tầng giao thông chiến lược tại TP.HCM.

Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư 4 bến cảng Lạch Huyện vốn 24.846 tỷ đồng

Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng bến cảng số 9, 10, 11 và 12 tại Khu bến Lạch Huyện (Hải Phòng), tổng vốn gần 24.846 tỷ đồng, thực hiện trong hai giai đoạn từ 2026 đến 2035.

Một góc khu bến cảng Lạch Huyện - Hải Phòng.

Một góc khu bến cảng Lạch Huyện - Hải Phòng.

Dự án có tổng chiều dài bến 1.800 m, tiếp nhận tàu container 12.000–18.000 TEUs và bến sà lan 400 m. Ngoài khu bến, dự án còn bao gồm bãi chứa container, xưởng sửa chữa, hạ tầng kỹ thuật và thiết bị bốc xếp hiện đại trên diện tích khoảng 146,2 ha.

Sau khi hoàn thành, các bến sẽ giúp nâng cao năng lực logistics, kết nối với khu phi thuế quan, góp phần hoàn thiện hệ thống cảng biển hiện đại, phù hợp quy hoạch quốc gia và thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực phía Bắc.

Doanh nghiệp Xuân Trường xin mở rộng 415 km cao tốc Bắc - Nam vốn 59.632 tỷ đồng

Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường vừa đề xuất Thủ tướng cho phép đầu tư mở rộng 415 km cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ 4 lên 6 làn xe theo phương thức PPP, tổng vốn khoảng 59.632 tỷ đồng. Đề xuất bao gồm 9 đoạn tuyến như Mai Sơn – Quốc lộ 45, Vạn Ninh – Cam Lộ… với chiều dài mỗi đoạn từ 35–66 km.

Doanh nghiệp Xuân Trường thi công cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn.

Doanh nghiệp Xuân Trường thi công cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn.

Doanh nghiệp cam kết không sử dụng vốn ngân sách, huy động vốn BOT và nguồn lực riêng để đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn và môi trường. Hiện có ít nhất 6 nhà đầu tư nội khác cũng bày tỏ quan tâm mở rộng cao tốc Bắc – Nam.

Trước đó, Bộ Xây dựng đề xuất hai phương án đầu tư cho toàn tuyến dài 966 km với tổng vốn gần 128.300 tỷ đồng. Trong đó, phương án tách thành hai dự án – một dự án trùng quy mô và vị trí với đề xuất của Xuân Trường.

Quảng Ninh: Nhà đầu tư muốn rót 5 tỷ USD xây dựng dự án năng lượng xanh GH2

Ngày 8/7, nhà đầu tư đề xuất xây dựng Tổ hợp kinh tế tuần hoàn năng lượng xanh GH2 tại Khu công nghiệp Hải Hà, Quảng Ninh, với tổng vốn khoảng 5 tỷ USD. Dự án gồm tổ hợp GH2 quy mô 713 ha với 5 module sản xuất hydrogen xanh, 24 nhà máy nội địa; trung tâm nuôi bò Angus 65 ha và vùng nguyên liệu nông – lâm nghiệp khoảng 70.000 ha.

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cùng đại diện các Sở, ban, ngành địa phương làm việc với nhà đầu tư. Ảnh: QMG

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cùng đại diện các Sở, ban, ngành địa phương làm việc với nhà đầu tư. Ảnh: QMG

Dự án sẽ sản xuất điện sinh khối, điện tái tạo và sử dụng công nghệ điện phân để tạo nhiên liệu sạch. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Đức Ấn ghi nhận đề xuất, đánh giá cao tính phù hợp với định hướng phát triển xanh, bền vững của tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm 2025, Quảng Ninh thu hút gần 292 triệu USD vốn FDI và đạt tổng vốn đầu tư toàn xã hội hơn 51.400 tỷ đồng.

Quảng Ninh điều chỉnh tăng 700 tỷ đồng dự án mở rộng đường vào khu phức hợp Vân Đồn

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án mở rộng đường 334, đoạn từ sân golf Ao Tiên đến nút giao vào công viên khu phức hợp Vân Đồn, từ 1.490 tỷ đồng lên 2.190 tỷ đồng, do phát sinh chi phí giải phóng mặt bằng.

Một số đoạn của Dự án mở rộng đường 334 đã cơ bản hoàn thành. Ảnh: Thanh Tân

Dự án dài 9,5 km, rộng 24–44 m, thiết kế 6 làn xe, đi qua nhiều dự án lớn như Sonasea Vân Đồn Harbor City, sân golf Ao Tiên, Bến cảng Ao Tiên, kết nối trực tiếp với Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Thời gian hoàn thành được gia hạn đến năm 2026.

Việc đầu tư mở rộng tuyến đường này được kỳ vọng là động lực hạ tầng giúp kết nối các phân khu chức năng, tạo sức bật cho Khu kinh tế Vân Đồn – nơi đang thu hút loạt dự án tầm cỡ, trong đó có khu phức hợp casino 2 tỷ USD vừa được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư.

Khánh Hòa: Thu hút 6 dự án cấp mới vào Khu kinh tế Vân Phong

Trong 6 tháng đầu năm 2025, Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa) thu hút 6 dự án cấp mới và 1 dự án vào KCN Suối Dầu với tổng vốn đầu tư hơn 3.011 tỷ đồng; đồng thời điều chỉnh tăng vốn gần 297 tỷ đồng cho 2 dự án.

Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Linh Đan

Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Linh Đan

Tính đến nay, KKT Vân Phong có 155 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 5,4 tỷ USD, trong đó 106 dự án đã đi vào hoạt động. Tại buổi làm việc ngày 8/7, Ban quản lý KKT Vân Phong kiến nghị tỉnh sớm bố trí quỹ đất sạch, xây dựng các khu tái định cư và điều chỉnh tổ chức Trung tâm Phát triển quỹ đất phù hợp để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam thống nhất các đề xuất và yêu cầu xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm tại khu vực này.

Nửa đầu năm 2025, Vĩnh Long thu ngân sách đạt 19.583 tỷ đồng

Trong 6 tháng đầu năm 2025, Vĩnh Long ghi nhận kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, với GRDP tăng 7,49% và tổng thu ngân sách đạt 19.583 tỷ đồng, vượt tiến độ dự toán.

Khu công nghiệp Hòa Phú, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Công Danh

Trong đó, thu nội địa đạt 11.194 tỷ đồng, thu từ xuất nhập khẩu đạt 908 tỷ đồng. Sản xuất công nghiệp tăng 13,6%, thương mại – dịch vụ phát triển mạnh, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 111.641 tỷ đồng, xuất khẩu đạt 1,799 tỷ USD.

Du lịch cũng bứt tốc với hơn 5,05 triệu lượt khách, doanh thu 4.088 tỷ đồng. Tỉnh đã cấp mới 25 dự án đầu tư, tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư và phát triển hạ tầng khu công nghiệp – khu kinh tế nhằm tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững.

Thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc

Ngày 9/7/2025, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1500/QĐ-TTg thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc trực thuộc UBND tỉnh An Giang. Cơ quan này có tư cách pháp nhân, con dấu hình Quốc huy, tài khoản riêng và được ngân sách nhà nước cấp kinh phí hoạt động.

Ban Quản lý thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với khu kinh tế tại đặc khu Phú Quốc, tổ chức cung ứng dịch vụ hành chính công và hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động đầu tư, sản xuất – kinh doanh trong khu kinh tế. Quyết định có hiệu lực từ ngày ký, đồng thời bãi bỏ Quyết định số 1588/QĐ-TTg năm 2015 về Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang.

TP. Đà Nẵng, Quảng Ngãi dứt điểm bàn giao mặt bằng làm cao tốc Bắc - Nam trước ngày 15/7/2025

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình yêu cầu TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi hoàn tất bàn giao mặt bằng thi công các đoạn cao tốc Hòa Liên – Túy Loan, Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, Hoài Nhơn – Quy Nhơn và Quy Nhơn – Chí Thạnh trước ngày 15/7/2025. Chủ tịch UBND hai địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ nếu chậm tiến độ.

Những đoạn đường đã được thảm nhựa. (Ảnh: VGP/Lưu Hương)

Những đoạn đường đã được thảm nhựa. (Ảnh: VGP/Lưu Hương)

Đồng thời, Bộ Xây dựng chỉ đạo nhà thầu thi công "3 ca, 4 kíp", huy động đủ vật tư, thiết bị, tài chính, đảm bảo chất lượng, an toàn lao động, không vì tiến độ mà hạ chuẩn kỹ thuật. 4 dự án này dài hơn 231 km, tổng vốn gần 49.800 tỷ đồng, chiếm khoảng 23% khối lượng cần hoàn thành để đạt mục tiêu 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025.

Tín hiệu thuận cho đề xuất đầu tư sân bay tại Ninh Bình

Đề xuất đầu tư sân bay quốc tế tại tỉnh Ninh Bình theo hình thức PPP đang nhận được sự ủng hộ bước đầu từ Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan. Vị trí dự kiến đặt sân bay là huyện Ý Yên (Nam Định trước sáp nhập) hoặc địa điểm khác phù hợp do Bộ khảo sát.

Vị trí dự kiến xây dựng sân bay Ninh Bình là huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định (trước sáp nhập) hoặc địa điểm khác do Bộ Xây dựng khảo sát và đề xuất (Ảnh: AI)

Vị trí dự kiến xây dựng sân bay Ninh Bình là huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định (trước sáp nhập) hoặc địa điểm khác do Bộ Xây dựng khảo sát và đề xuất (Ảnh: AI)

Đây là đề xuất của Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, đồng thời kiến nghị xây dựng thêm 9 cây cầu và 2 trục đường 8 làn kết nối Ninh Bình – Nam Định – Hà Nam. Với dân số trên 4,4 triệu, GRDP đứng thứ 11/34 tỉnh thành, gần 14 triệu lượt khách du lịch 6 tháng đầu năm, Ninh Bình mới sau sáp nhập được đánh giá có tiềm năng lớn để phát triển hạ tầng hàng không.

Bộ Xây dựng đã đề nghị Thủ tướng giao UBND tỉnh Ninh Bình lập đề án nghiên cứu khả thi, hướng tới bổ sung vào Quy hoạch hệ thống cảng hàng không quốc gia. Đây được xem là bước đi chiến lược nhằm phát huy lợi thế vùng Nam Đồng bằng sông Hồng – hiện là “vùng trũng” về logistics – trong bối cảnh đẩy mạnh liên kết vùng và tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026–2030.

Chủ tịch Đà Nẵng hối thúc tiến độ dự án đường vành đai, tổng vốn 498 tỷ đồng

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu đẩy nhanh tiến độ dự án đường vành đai phía Bắc kết nối cầu Quảng Đà, sau khi kiểm tra và nhận thấy tiến độ thi công không đáp ứng yêu cầu. Dự án có tổng vốn đầu tư 498 tỷ đồng, dài 4,64 km, khởi công tháng 8/2024 và dự kiến hoàn thành tháng 10/2025.

Chủ tịch Đà Nẵng, ông Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu tại buổi làm việc.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chậm trễ do vướng giải phóng mặt bằng và năng lực nhà thầu hạn chế. Chủ tịch thành phố yêu cầu UBND phường Điện Bàn Bắc khẩn trương lập kế hoạch chi tiết GPMB, tuyên truyền vận động người dân, triển khai tái định cư, đồng thời xem xét chuyển vốn sang các dự án khác nếu giải ngân không đạt. Các đơn vị liên quan cũng được giao rà soát năng lực nhà thầu và tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng để đảm bảo tiến độ.

Lào Cai đồng lòng vượt khó, đẩy nhanh tiến độ dự án đường dây 500 kV

Dự án đường dây 500 kV Lào Cai – Vĩnh Yên, dài 229,5 km với tổng vốn hơn 7.410 tỷ đồng, đang được đẩy nhanh tiến độ nhờ sự chung sức của người dân, bộ đội và chính quyền tỉnh Lào Cai. Tại các điểm thi công khó khăn như cột VT93 và VT140, địa hình đồi núi, giao thông hạn chế khiến việc vận chuyển vật liệu và lắp đặt gặp nhiều trở ngại.

Tuy nhiên, gần 30 chiến sĩ quân đội đã hỗ trợ san đường, chuyển vật liệu và thi công móng cột trong điều kiện mưa lũ, bùn lầy. Người dân cũng tích cực hiến đất và nhận bồi thường để sớm bàn giao mặt bằng. Gói thầu số 2 hiện đã hoàn thiện phần móng cho 47 vị trí, 18 cột đã lắp xong và dự kiến hoàn tất thi công đúng tiến độ, đảm bảo đóng điện toàn tuyến vào ngày 19/8/2025 như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Hà Nội thông qua danh mục 150 khu đất triển khai dự án theo Nghị quyết 171/2024/QH15

HĐND TP. Hà Nội đã chính thức thông qua danh mục 150 khu đất với tổng diện tích 690,04 ha để triển khai dự án thí điểm theo Nghị quyết 171/2024/QH15 của Quốc hội. Danh mục này được điều chỉnh từ 155 khu đất ban đầu, loại bỏ 5 khu do chưa đủ điều kiện hoặc trùng với danh mục đã duyệt.

Các đại biểu nhấn nút tán thành danh mục đất dự kiến thực hiện dự án thí điểm. Ảnh: Phạm Hùng

Các đại biểu nhấn nút tán thành danh mục đất dự kiến thực hiện dự án thí điểm. Ảnh: Phạm Hùng

Việc thông qua danh mục là bước khởi đầu nhằm cụ thể hóa cơ chế đặc thù, cho phép Hà Nội chủ động phê duyệt đầu tư mà không cần xin ý kiến một số bộ, ngành trung ương, qua đó rút ngắn thủ tục, cải thiện môi trường đầu tư.

HĐND Thành phố yêu cầu UBND chịu trách nhiệm toàn diện về pháp lý, hiện trạng, quy hoạch các dự án, đồng thời đảm bảo công khai, minh bạch, xử lý nghiêm sai phạm và tránh phát sinh khiếu kiện. Các khu đất sau khi triển khai sẽ tạo nguồn lực quan trọng phát triển nhà ở, hạ tầng, dịch vụ công và công trình thiết yếu của Thủ đô.

Bộ Tài chính được giao chủ trì nghiên cứu cơ chế phát triển Đặc khu Phú Quốc

Phó Thủ tướng Lê Thành Long giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển Đặc khu Phú Quốc theo kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Kiên Giang.

Bộ Tài chính được giao chủ trì nghiên cứu kiến nghị về chủ trương xây dựng, ban hành "Cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển Đặc khu Phú Quốc".

Bộ Tài chính được giao chủ trì nghiên cứu kiến nghị về chủ trương xây dựng, ban hành "Cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển Đặc khu Phú Quốc".

Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu đề xuất về đầu tư hạ tầng, cho phép người Việt vào chơi casino, hỗ trợ các dự án APEC 2027 và xử lý các vướng mắc pháp lý theo Nghị quyết 170.

Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng đề án về tổ chức bộ máy chính quyền đặc khu. Ngoài ra, Chính phủ giao các bộ, ngành và tỉnh An Giang phối hợp triển khai nhiều nhiệm vụ liên quan phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gồm xúc tiến đầu tư, cơ chế tài chính đặc thù, phát triển nông nghiệp bền vững và hạ tầng giao thông chiến lược. Các kết quả phải báo cáo Thủ tướng và Tổng Bí thư trước ngày 30/7/2025.

Hạnh Nguyên (tổng hợp )

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thanh-lap-ban-quan-ly-khu-kinh-te-phu-quoc-duyet-4-ben-cang-lach-huyen-von-24846-ty-dong-d328942.html