Thành lập mạng lưới đổi mới, sáng tạo lương thực thực phẩm tại Việt Nam

Mạng lưới được kỳ vọng sẽ giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi ngành nông nghiệp, để Việt Nam trở thành cường quốc nông sản xanh, giảm phát thải.

Lần đầu tiên, Việt Nam đã xây dựng mạng lưới đổi mới sáng tạo, lương thực thực phẩm, trong đó có sự tham gia của 4 khối gồm: Khối công, khối tư, các tổ chức quốc tế và các tổ chức hỗ trợ. Thông tin được chia sẻ tại tọa đàm “Đối tác công - tư thúc đẩy đổi mới sáng tạo, triển khai Đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp”, tổ chức tại trụ sở Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn ngày 30/1.

Mạng lưới được thành lập cuối năm 2023, với mục tiêu phát triển ngành lương thực, thực phẩm của Việt Nam theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao, trên cơ sở tăng cường mối liên kết, hợp tác, chia sẻ các sáng kiến đổi mới sáng tạo và công nghệ hiện đại.

Nâng cao chất lượng sản phẩm Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn của khu vực và thế giới, từng bước tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, góp phần đưa tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5 - 6%/năm.

Cải thiện thu nhập của nông dân và doanh nghiệp nông thôn đến năm 2030 tăng từ 2-3 lần so với năm 2020 thông qua phát triển chuỗi giá trị tích hợp và cải thiện khả năng tiếp cận các giải pháp công nghệ nhằm tăng sản lượng, hiệu quả, chất lượng và giá trị.

Trước bối cảnh ngành lúa gạo Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức, khó khăn và yêu cầu phải chuyển mình, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: "Chúng tôi cần huy động các nguồn lực và tiến bộ kỹ thuật, một trong các công cụ quan trọng là Mạng lưới Đổi mới sáng tạo lương thực, thực phẩm tại Việt Nam (FIHV) được thành lập theo sáng kiến của Diễn đàn kinh tế Thế giới (WEF). Ngành lúa gạo được ưu tiên tập trung như ví dụ điển hình khi triển khai đổi mới sáng tạo tại Việt Nam".

Bộ trưởng bày tỏ kỳ vọng, mạng lưới sẽ giúp mở rộng quy mô và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng và nền kinh tế nói chung để trở thành một cường quốc nông sản thực phẩm “xanh”, bền vững và ít phát thải.

Ông Nguyễn Anh Phong, Chuyên gia của Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) cho biết, việc thành lập mạng lưới FIHV sẽ hỗ trợ tích cực cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Qua đó, Việt Nam có thể phát triển một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của ngành lúa gạo bằng cách huy động các nguồn lực công-tư để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong chuỗi giá trị lúa gạo; đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, tăng tỷ lệ chế biến sâu lúa gạo, từng bước tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cùng với đó là ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo để sản xuất lúa gạo giảm phát thải, tận dụng phụ phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu; cải thiện thu nhập của nông dân, tăng khả năng tiếp cận các giải pháp công nghệ nhằm tăng sản lượng, hiệu quả, chất lượng và giá trị lúa gạo.

Trong sơ đồ phát triển, năm 2024 FIHV sẽ hoàn thiện mô hình tổ chức, năm 2025 tập trung vào Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp; năm 2026 sẽ mở rộng ra các đối tượng mới như cà phê, rau quả. Đến năm 2027 sẽ xây dựng được các mạng lưới FIHV cấp vùng và 2028 sẽ kết nối với các mạng lưới hiện có trên toàn cầu, như tại châu Âu, Kenya, Ấn Độ, kết nối với mạng lưới của WEF (FAA, First Movers...).

Nhung Bùi

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thanh-lap-mang-luoi-doi-moi-sang-tao-luong-thuc-thuc-pham-tai-viet-nam-d208264.html