Thành lập Tổ điều tra để giám định nguyên nhân sập cầu Cái Đôi Vàm (Cà Mau)
Liên quan đến sự cố sập cầu Cái Đôi Vàm bắc qua sông Cái Đôi Vàm (thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau), ngày 23/12, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tỉnh Cà Mau, Ban Quản lý dự án xây dựng công trình giao thông tỉnh (chủ đầu tư) tổ chức buổi họp báo thông tin bước đầu về sự cố này.
Về diễn biến trước và sau sự cố công trình, ông Trần Hải Âu, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng công trình giao thông tỉnh Cà Mau thông tin, khoảng hơn 18 giờ ngày 20/12, mặt cầu có hiện tượng nứt ngang mặt tại vị trí trụ T7. Lúc đó, nhà thầu xác định trụ cầu không bị lún. Đến khoảng 8 giờ 30 phút ngày 21/12, nhà thầu quan trắc bằng máy thủy bình thì phát hiện trụ T7 bị lún 3,2cm, khi đó mặt cầu và gờ lan can xuất hiện nhiều vết nứt rộng từ 3-4cm. Liên tiếp 2 tiếng sau thì trụ T7 bị lún nhiều. Đến 11 giờ 45 phút ngày 21/12, nhịp cầu 33m (nhịp số 8) bị đứt phần còn treo trên trụ T8 và rơi xuống sông. Khi đó trụ T7 bị lún sâu khoảng 6,3m; kéo theo nhịp số 7 (dài 18m) bị sụp một đầu xuống đất, một đầu kê trên trụ T6, các nhịp số 6, số 9 và số 10 bị lệch, trượt khỏi đá kê gối.
Sự cố không gây thiệt hại về người, nhưng gây thiệt hại về tài sản của đơn vị thi công, gồm: 1 trụ cầu T7 bị lún sâu khoảng 6,3m; 1 nhịp cầu dài 33m rơi xuống sông; 1 nhịp dài 18m bị sụp một đầu xuống đất; 3 nhịp cầu 18m bị lệch khỏi dầm… “Thiệt hại những hạng mục hư hỏng là 2,24 tỷ đồng, tuy nhiên còn những hư hỏng kết cấu khác kéo theo thì chưa thể biết được và phải chờ kết luận của cơ quan chức năng”, ông Trần Hải Âu cho biết.
Thông tin được quan tâm tại buổi họp báo là chất lượng của việc khảo sát địa chất trước khi triển khai dự án; năng lực nhà thầu; xác định nguyên nhân ban đầu xảy ra sự cố; ảnh hưởng đến việc di chuyển giao thông thủy, nhất là các phương tiện đánh bắt hải sản… Trả lời về vấn đề này, ông Hồ Hoàn Tất, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Cà Mau thông tin, Sở với chức năng quản lý nhà nước, là cơ quan tham mưu và được UBND tỉnh ủy quyền thành lập Tổ điều tra sự cố công trình.
Do đó, Tổ sẽ tiếp nhận, xử lý theo đúng trình tự thủ tục được quy định. "Theo quan điểm cá nhân, công trình bị thiệt hại, ngân sách nhà nước sẽ không bỏ ra để hoàn trả thiệt hại của công trình này. Về trách nhiệm, trước mắt chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn bộ các vấn đề có liên quan đến công trình, dù không trực tiếp tham gia đánh giá, nhưng chủ đầu tư chịu trách nhiệm trong việc chỉ đạo xử lý sự cố công trình", ông Hồ Hoàn Tất nêu rõ, đồng thời cho rằng, sự cố xảy ra không ai mong muốn, nếu ảnh hưởng cho người dân sẽ bồi thường, đơn vị nào sai thì phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Giải đáp các câu hỏi liên quan, ông Trần Hải Âu cho biết, công trình được thiết kế theo đúng quy định, bằng bê tông cốt thép ly tâm dự ứng lực. Diễn biến sự cố là lún dẫn đến sập công trình, chứ không phải bị sập kết cấu nhịp.
Về năng lực nhà thầu thi công, đơn vị đã lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định, ví dụ như: Trong 3 năm gần đây có kinh nghiệm thực hiện các công trình tương tự, có năng lực tài chính, có điều kiện thực hiện công trình, không bị cấm đấu thầu trên trang đấu thầu quốc gia…
Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng khác là xác định ban đầu nguyên nhân gây nên sự cố công trình nói trên thì cả Sở Giao thông Vận tải, Ban Quản lý dự án xây dựng công trình giao thông tỉnh Cà Mau đều cho rằng chưa có nhận định.
“Nguyên nhân gây nên sự cố vẫn chưa thể kết luận chính xác, cần phải có kết luận từ cơ quan chuyên môn”, ông Trần Hải Âu nhấn mạnh.
“Với vai trò được UBND tỉnh ủy quyền, chúng tôi sẽ phối hợp với đơn vị tư vấn và các ngành chức năng để sớm hoàn thành việc giám định nguyên nhân sự cố công trình để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan và đề xuất xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu có. Dự kiến trong tuần tới, Sở Giao thông Vận tải sẽ làm việc cụ thể với đơn vị tư vấn để trao đổi, thống nhất nội dung thực hiện để tiến hành các bước tiếp theo, trong đó sẽ tập trung cho việc tháo dỡ, thu dọn hiện trường sự cố, nối lại tuyến giao thông, nhất là đường thủy cho tàu thuyền ra vào cửa biển Cái Đôi Vàm”, ông Hồ Hoàn Tất nói.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Cà Mau Hồ Hoàn Tất cho biết, dự án cầu Cái Đôi Vàm có tính chất quan trọng khi đóng vai trò kết nối bờ Nam - Bắc thị trấn Cái Đôi Vàm, qua đó tạo điều kiện người dân giao thương trao đổi hàng hóa... Với tầm quan trọng đó, ngành chức năng đã triển khai xây dựng cầu trên. Nếu không xảy ra sự cố trong Tết Nguyên đán người dân sẽ hưởng niềm vui kết nối 2 bờ Nam - Bắc Cái Đôi Vàm.
Cầu bắc qua sông Cái Đôi Vàm là công trình giao thông cấp III, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án xây dựng công trình giao thông Cà Mau với tổng mức đầu tư dự án là hơn 70 tỷ đồng, giá trị dự toán xây dựng công trình là 37,3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh. Cụ thể, gói thầu xây dựng phần cầu chính và đường vào cầu có giá trị trúng thầu là 32,9 tỷ đồng và được thi công vào tháng 9/2019. Trước khi xảy ra sự cố sập cầu, công trình đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính, đang trong quá trình thi công hoàn thiện phần còn lại để nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Ngay sau sự cố sập cầu Cái Đôi Vàm, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành công văn số 8177/UBND-XD chỉ đạo chủ đầu tư, các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện một số công việc như: Tạm dừng thi công phần cầu chính, khẩn trương thực hiện các biện pháp rào chắn, báo hiệu để đảm bảo an toàn giao thông cho người dân. Ủy quyền cho Sở Giao thông Vận tải thành lập Tổ điều tra sự cố để giám định nguyên nhân sự cố công trình theo quy định…