Thành lập Tổ hợp tác Trống hội tạo việc làm, thu nhập cho hội viên

Đam mê loại hình nghệ thuật dân gian trống hội từ nhỏ, sau nhiều năm ấp ủ, đến năm 2019, thực hiện Đề án 'Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025', bà Nguyễn Thị Lưu (SN 1968) thành lập Tổ hợp tác Trống Hội thôn Minh Hồng, xã Liên An Đô, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, nhằm lan tỏa đến hội viên phụ nữ và người dân trên địa bàn.

 Tổ hợp tác Trống hội thôn Minh Hồng, xã Liên An Đô, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, đi biểu diễn nhiều nơi trên địa bàn tỉnh

Tổ hợp tác Trống hội thôn Minh Hồng, xã Liên An Đô, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, đi biểu diễn nhiều nơi trên địa bàn tỉnh

Lập Tổ hợp tác để lan tỏa niềm đam mê trống hội dân gian đến hội viên

Tuần nào cũng vậy, mỗi khi tiếng trống hội mang âm hưởng rộn rã, sôi động vang lên vào buổi tối cuối tuần, đông đảo người dân thôn Minh Hồng, xã Liên An Đô lại háo hức đến xem các thành viên của Tổ hợp tác Trống hội, do bà Nguyễn Thị Lưulàm tổ trưởng luyện tập. Với người dân xã Liên An Đô, thưởng thức âm hưởng của trống hội quê mình đã trở thành thói quen, ăn sâu vào đời sống hàng ngày. Họ vừa đến cổ vũ Tổ hợp tác trống hội với niềm tự hào, hân hoan, vừa tiếp thêm động lực cho các thành viên là hội viên phụ nữ quê nhà tự tin mang tiếng trống hội đi biểu diễn ở nhiều chương trình, hội nghị của xã, huyện Đông Hưng và tỉnh Thái Bình.

Bà Nguyễn Thị Lưu sinh ra và lớn lên trên quê hương Đông Hưng - mảnh đất có truyền thống văn hóa, múa rối nước và chèo cổ lâu đời. Gia đình bà, từ bố mẹ, các anh chị đều yêu thích âm nhạc cổ truyền của dân tộc. Từ nhỏ, bà Nguyễn Thị Lưu đã được nghe những làn điệu chèo mượt mà, những hồi trống hội ngân vang, bà yêu thích và say mê từng lời hát, điệu múa dân gian, từng nhịp phách, nhịp trống của âm nhạc quê hương cứ thế ngấm sâu vào bà. "Hồi đầu, khi xem các chương trình biểu diễn trống hội tại các đình làng, sau khi tan hội, tôi mượn trống của đoàn để gõ thử. Ban đầu chỉ là tập cho biết, nhưng gõ mãi thành quen, tiếng trống dần tròn đều, có nhịp điệu hơn, khiến nhiều người trong đoàn cũng bất ngờ. Từ đó, tôi lắng nghe, ghi nhớ rồi tự học đủ loại: Trống hội, trống rước, trống lân... Không chỉ say mê trống hội, tôi còn tự học múa trống cơm, gõ chiêng…. Sau nhiều tháng miệt mài luyện tập, tôi được mời tham gia biểu diễn trống hội cùng các đoàn ở nhiều nơi trong xã. Cứ thế, tôi càng gắn bó với trống hội, lại càng đam mê yêu thích loại hình nghệ thuật dân gian này" - bà Lưu nhớ lại những ngày đầu bước vào nghề trống hội.

Với vai trò là Chi trưởng chi hội phụ nữ thôn Minh Hồng, nhiều năm liền, bà Lưu vẫn băn khoăn, trăn trở tìm cách giữ gìn và lan tỏa sâu rộng loại hình nghệ thuật này đến các hội viên phụ nữ và người dân. "Đến năm 2019, thực hiện Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025" của Chính phủ, thực hiện sự chỉ đạo của Hội LHPN huyệnĐông Hưng, Tổ hợp tác Trống hội thôn Minh Hồng của tôi chính thức được thành lập, với 25 thành viên. Tôi được phân công giữ chức Tổ trưởng tổ hợp tác" - bà Nguyễn Thị Lưu cho biết.

Tổ hợp tác có chức năng tăng cường công tác tuyên truyền các nội dung về ý nghĩa của nghi thức tế lễ trong các lễ hội; khôi phục, bảo tồn sắc thái văn hóa truyền thống và mang lợi ích kinh tế phát triển văn hóa của địa phương; phối hợp với các thôn vận động những người có sở thích và năng khiếu cùng tham gia.

Số vốn hoạt động ban đầu của Tổ hợp tác là 50 triệu đồng, do các thành viên tổ hợp tác đóng góp để mua sắm tài sản phục vụ hoạt động của tổ hợp tác gồm: 01 trống đại, 02 trống trung, 03 trống nhỡ, 04 trống con và lệnh, chiêng, xe kéo trống.

Bà Nguyễn Thị Lưu, Tổ trưởng tổ hợp tác Trống hội, truyền niềm đam mê nghệ thuật dân gian trống hội đến hội viên

Bà Nguyễn Thị Lưu, Tổ trưởng tổ hợp tác Trống hội, truyền niềm đam mê nghệ thuật dân gian trống hội đến hội viên

"Nhiều năm qua, với vai trò là Tổ trưởng Tổ hợp tác, tôi luôn nỗ lực hoàn thành trách nhiệm của mình, động viên chị em hăng say luyện tập. Đồng thời, chủ động liên hệ với các cơ quan, đơn vị, cá nhân, tổ chức, các ban quản lý đình, chùa… để chị em được tham gia nhiều buổi biểu diễn, vừa nâng cao kỹ năng đánh trống, vừa tăng thêm thu nhập cho hội viên" - bà Lưu chia sẻ thêm.

Mỗi thành viên trong Tổ đều nỗ lực vượt qua khó khăn

Theo bà Lưu, lúc mới thành lập, Tổ hợp tác cũng gặp nhiều khó khăn, do các bài trống có nhịp điệu nhanh, nhất là lúc trống đổ hồi, người tập cần thời gian dài mới theo kịp. Hơn nữa, ngoài đánh trống, các thành viên còn phải biết kết hợp với múa và trình diễn, nên chị em thường dễ bị quên, lạc nhịp. "Cả một dàn trống, chỉ cần một người lỡ nhịp là tiếng trống sẽ chệch ra. Vì vậy, tôi phải dành nhiều thời gian kiên trì luyện tập cùng chị em. Để giúp chị em trong Tổ hợp tác thuận tiện trong luyện tập, tôi phân chia bài trống thành từng đoạn, đếm chậm từng nhịp "cắc...tùng"; tập luyện cho từng thành viên, hướng dẫn chị em đánh từng khúc, sau đó mới ghép lại với nhau" - bà Lưu say sưa kể về những ngày Tổ hợp tác mới cùng nhau tập luyện.

Một dàn trống gồm nhiều loại khác nhau như: Trống cái, trống con, trống khẩu. Với tinh thần nỗ lực học hỏi và thường xuyên luyện tập các bài mới, các thành viên trong Tổ hợp tác đã đánh được rất nhiều bài trống hội như: Bài trống rước, trống đón, trống bình thân, trống rình rình, trống múa dùi, trống bái, trống tái nghiêm, tam nghiêm… Đến nay các thành viên trong Tổ hợp tác đã thành thạo hơn 15 bài trống. Nhờ tiếng vang ngày càng xa, Tổ hợp tác thường xuyên nhận được lời mời tham gia các lễ hội của xã nhà, các xã bạn, các cuộc hội họp và sự kiện quan trọng ở nhiều địa phương, đơn vị từ cơ sở đến Hội LHPN tỉnh Thái Bình.

Mỗi lần tham gia biểu diễn, Tổ hợp tác được trả thù lao từ 3-5 triệu đồng. Số tiền này sẽ trích một phần để khấu hao tài sản, mua sắm thêm trang thiết bị và trả tiền công cho các thành viên. Tiền công của các thành viên được trả sau mỗi lần tham gia sự kiện, trung bình từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng/người/tháng. Nếu Tổ đi biểu diễn nhiều, thu nhập của các thành viên sẽ cao hơn.

Hàng năm, nhân kỷ niệm ngày thành lập Tổ hợp tác vào dịp 20/10, Tổ hợp tác đều tổ chức gặp mặt các thành viên và tổ chức bữa cơm liên hoan thân mật và tặng quà, tạo không khí vui tươi phấn khởi khiến các chị em ngày càng gắn bó với Tổ hợp tác và tích cực tham gia hoạt động chi Hội của thôn.

Bằng sự tận tâm với công tác Hội, với trách nhiệm là Chi hội trưởng, bà Nguyễn Thị Lưu còn luôn nhiệt tình với các phong trào thi đua, các hoạt động do Hội cấp trên và địa phương phát động. Trong những năm qua, bà cùng với cán bộ chi Hội tổ chức nhiều hoạt động, nhiều mô hình hỗ trợ phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trao tặng hũ gạo tình thương, tặng quà cho phụ nữ nghèo, thăm hỏi hội viên ốm đau bệnh nặng...

"Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, để Tổ hợp tác đi vào hoạt động có hiệu quả, được bà con quê hương đồng tình ủng hộ, tôi cùng với Ban quản lý Tổ hợp tác luôn động viên các thành viên trong Tổ kiên trì luyện tập các bài trống từ cơ bản đến nâng cao, vừa mang đến giá trị tinh thần cho mỗi thành viên, cho bà con ở quê hương, vừa có thêm thu nhập ổn định cho các thành viên trong Tổ".

"Hội LHPN huyện Đông Hưng xác định việc phát triển kinh tế tập thể là xu thế phát triển quan trọng, là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Hơn nữa, Hội có nhiệm vụ thực hiện đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" trong nhiều năm qua nhằm tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên phụ nữ tham gia phát triển kinh tế tập thể, liên kết, hợp tác, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, tạo được việc làm cho phụ nữ ở địa bàn nông thôn, tạo thuận lợi để chị em có thêm điều kiện xây dựng gia đình hạnh phúc. Vì thế, Hội LHPN huyện đã động viên, khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ bà Nguyễn Thị Lưu thành lập Tổ hợp tác trống hội năm 2019".

Nhìn lại thời gian đã qua, vượt qua nhiều thời điểm khó khăn, chúng tôi nhận thấy Tổ hợp tác trống hội thôn Minh Hồng, xã Liên An Đô đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các thành viên trong Tổ. Các thành viên rất phấn khởi, tinh thần và vai trò của hội viên được nâng cao. Hơn nữa, từ khi thành lập đến nay, Tổ hợp tác trống hội ngày càng được lan tỏa, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, làm phong phú đời sống tinh thần của người dân ở địa bàn nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

Đây cũng là mô hình điển hình về văn hóa tinh thần độc đáo mà Hội chúng tôi muốn lan tỏa ngày càng rộng rãi".

Chủ tịch Hội LHPN huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình Vũ Thị Thuần

Hải Linh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/thanh-lap-to-hop-tac-trong-hoi-tao-viec-lam-thu-nhap-cho-hoi-vien-20250505220134598.htm