Thành lập TP phía Đông TP.HCM: Kết nối giao thông thế nào để thu hút đầu tư

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, để hiện thực hóa TP phía Đông, việc kết nối giao thông giữ vai trò đặc biệt quan trọng.

Khu vực Thủ Thiêm sẽ là trung tâm thương mại dịch vụ tài chính của thành phố phía Đông. Ảnh: Độc Lập

Khu vực Thủ Thiêm sẽ là trung tâm thương mại dịch vụ tài chính của thành phố phía Đông. Ảnh: Độc Lập

TP HCM vừa xin ý kiến Bộ Xây dựng về Đề án sáp nhập 3 quận (Q.2, Q. 9 và Q. Thủ Đức) để thành lập TP phía Đông trực thuộc TP HCM. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, để hiện thực hóa TP phía Đông, việc kết nối giao thông giữ vai trò đặc biệt quan trọng.

Cần cơ chế, chính sách đặc thù

UBND TP HCM cho biết, ý tưởng thành lập Khu đô thị sáng tạo tương tác cao ở phía Đông được ấp ủ từ lâu. Năm 2018, lãnh đạo TP đã nêu ý tưởng xây dựng khu Đông trở thành khu đô thị sáng tạo, hướng đến xây dựng đô thị thông minh. Trong khu đô thị sáng tạo này sẽ có các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất và các trường đại học kết hợp với trung tâm hành chính hiện đại, tạo đà phát triển cho cả vùng Đông Nam bộ.

Đến năm 2019, TP HCM phát động thi tuyển các ý tưởng quy hoạch, thiết kế dựa trên diện tích đất của Q.2, Q.9 và Q.Thủ Đức. Trong 6 đơn vị và liên danh đến từ khắp thế giới tham gia, Sasaki (một công ty quốc tế có văn phòng tại Boston, Mỹ và Thượng Hải, Trung Quốc) giành giải nhất.

Ông Khương Văn Mười, Chủ tịch Hiệp hội Kiến trúc TP HCM cho biết, Q.2, Q.9 và Q.Thủ Đức đều là những khu vực đã được đô thị hóa nhiều năm qua, đến nay đã hình thành những đặc thù riêng.

Cụ thể Q.2 với diện tích khoảng 50km2, nơi có KĐT mới Thủ Thiêm, tương lai gần được xem là trung tâm thương mại, tài chính mới của TP HCM. Còn Q.9 có diện tích khoảng 114km2, cách trung tâm TP khoảng 7km theo đường xa lộ Hà Nội, đã hình thành khu công nghệ cao, trường Đại học Fulbright. Q.Thủ Đức có diện tích gần 48km2, trên địa bàn quận có ga Bình Triệu, Khu Đại học Quốc gia TP HCM, Khu chế xuất Linh Trung 1 và 2… Một phần phía Tây Nam của Thủ Đức được bao bọc bởi sông Sài Gòn, rất thuận tiện phát triển TP phía Đông.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Bùi Kiến Thành, sáp nhập 3 quận thành một thành phố trực thuộc thành phố chỉ là tên gọi. Quan trọng là phải kết nối, điều chỉnh lại hạ tầng giao thông, logistics để thu hút nguồn lực đầu tư. Chẳng hạn, cần kết nối cảng Cát Lái sao cho không thể tách rời các đường vành đai 1, 2, 3, 4, tuyến đường kết nối với cảng Cái Mép - Thị Vải… “Muốn phát triển, thu hút nguồn lực đầu tư, chúng ta cần có cơ chế, chính sách đặc thù. Muốn vậy cần hình thành một cơ quan hành chính duy nhất để điều tiết”, TS. Thành phân tích.

Kết nối giao thông thế nào?

Phát biểu tại hội thảo Định hướng quy hoạch Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP vào cuối năm 2019, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, nếu năm 2020, Quốc hội thông qua Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị, từ năm 2021 sẽ có bộ máy chính quyền 3 quận phía Đông TP.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, KTS. Ngô Viết Nam Sơn cho biết, việc thành lập TP phía Đông là cần thiết, nên làm. Nhìn từ kinh nghiệm ở Trung Quốc, TP phía Đông ở Thượng Hải từ một miếng đất trống, sau 20 năm đã trở thành TP phát triển không thua gì Hồng Kông.

“TP HCM muốn làm được như vậy trước tiên phải có nghiên cứu quy hoạch rõ ràng, sau đó cần có cơ chế đặc thù, đẩy mạnh cơ chế xã hội hóa thu hút vốn trong và ngoài nước. Chẳng hạn, Khu đô thị mới Thủ Thiêm không thể đứng một mình mà phải gắn kết giao thông từ Đông sang Tây thành một khối. Còn cụm đô thị đại học lấy khu Đại học Quốc gia làm trung tâm, thậm chí kết nối tới cả Đại học Bình Dương. Khu này phải quy hoạch trở thành quy mô khu đại học lớn nhất nước, mang tầm cỡ quốc tế. Cụm thứ 3 rất quan trọng về mặt kinh tế là logistics…”, KTS. Sơn nói.

Về kết nối giao thông, KTS. Sơn cho rằng, đây sẽ là bài toán không dễ dàng. TP HCM có sẵn các công trình giao thông trọng điểm như tuyến xa lộ Hà Nội, đại lộ Đông Tây, các tuyến metro… nhưng hiện nay chưa có đồ án quy hoạch nào xử lý được. Hệ thống giao thông đang cắt quy hoạch này ra làm nhiều mảnh. Khi 3 quận hợp lại thành một khối, trung tâm của thành phố đặt ở đâu, làm sao cho các tuyến huyết mạch mới và cũ được hài hòa, không xung đột với vành đai phía Đông... là những vấn đề không đơn giản.

“Điều quan trọng nhất là cảng Cát Lái còn giữ ở lại hay dời đi? Nếu không tính kỹ đường vận chuyển hàng hóa cho container sẽ tạo sự ngăn cách, chia cắt TP phía Đông làm nhiều mảnh”, KTS. Sơn phân tích và cho rằng cần nghiên cứu kỹ lưỡng. Nếu không, giao thông sẽ trở thành điểm nghẽn của phía Đông, rất khó thu hút các nhà đầu tư sau này.

Trong khi đó, TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT (Trường ĐH Việt Đức) cho rằng, phát triển giao thông công cộng kết nối toàn bộ thành phố là một chiến lược cấp thiết để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng gia tăng, phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện các trục vành đai theo quy hoạch để tháo gỡ các điểm nghẽn hạ tầng, hỗ trợ mở rộng mạng lưới giao thông công cộng bằng xe buýt.

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP HCM, việc kết nối giao thông cơ bản vẫn như quy hoạch Thủ tướng chính phủ đã duyệt tại Quyết định 568 điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT TP HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. “TP đang lập đề án điều chỉnh quy hoạch chung, trong đó quy hoạch cho phù hợp với tính chất của đô thị mới sáng tạo, khoa học, có điều chỉnh về giao thông tĩnh và giao thông công cộng để phát triển tốt hơn”, ông Lâm thông tin.

6 trọng điểm sáng tạo

Dự kiến, TP phía Đông có quy mô hơn 1,1 triệu dân, tổng diện tích tự nhiên hơn 211km2.

Theo ý tưởng quy hoạch Khu đô thị sáng tạo phía Đông của Sasaki - đơn vị được trao giải nhất, trọng điểm của khu đô thị này sẽ bao gồm 6 trung tâm quan trọng.

Trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm: Hạ tầng giao thông sẽ ưu tiên người đi bộ và tàu điện ngầm kết nối tất cả các khu vực quan trọng.

Khu thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc: Hình thành khu sản xuất đồ thể thao, các trung tâm sáng tạo, chăm sóc sức khỏe và kiến tạo một không gian rộng lớn xung quanh sân vận động.

Trung tâm công nghệ cao Sài Gòn: Xây nhà ga tàu điện ngầm ở phía Bắc của khu vực kết nối với tất cả các khu trung tâm khác.

Trung tâm công nghệ giáo dục: Đại học Quốc gia TP HCM là nơi tập trung tri thức cho việc nghiên cứu hợp tác giữa các trường đại học, các công ty nghiên cứu và phát triển, phòng thí nghiệm nghiên cứu.

Khu công nghệ sinh thái Tam Đa: Ở quận 9 là nơi tập trung nhất về mảng công nghệ sinh thái, mang đến nhiều cơ hội sáng tạo và thực hành.

Khu đô thị tương lai Trường Thọ: Cải tạo từ khu cảng hiện hữu với hệ thống không gian mở có nhiều chức năng đa dạng. Tại đây cũng sử dụng vành đai giao thông khép kín để kết nối các khu vực khác nhau, dễ tiếp cận, ưu tiên người đi bộ.

Yên Trang - Đỗ Loan

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/thanh-lap-tp-phia-dong-tphcm-ket-noi-giao-thong-the-nao-de-thu-hut-dau-tu-d459871.html