Thành lập trạm y tế lưu động để ứng phó với dịch

Trước các diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các địa phương của Hà Nội tiếp tục kích hoạt lại các trạm y tế lưu động để phòng, chống dịch bệnh, có các biện pháp giám sát đối với người liên quan đến F0. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cũng tăng cường tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở các trường hợp vi phạm về thực hiện 5K, không quét mã QR...

Lực lượng phòng, chống dịch phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) kiểm tra việc chấp hành quy định phòng, chống dịch tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn.

Triển khai nhiều trạm y tế lưu động

Theo khảo sát của phóng viên tại các tuyến phố trên địa bàn phường Phố Huế (quận Hai Bà Trưng), như phố Chùa Vua, phố Huế, Nguyễn Công Trứ, các cửa hàng kinh doanh và dịch vụ chấp hành tốt "5K" và khai báo y tế qua mã QR, không có hiện tượng tụ tập đông, cửa hàng kinh doanh ăn uống bố trí chỗ cho khách ngồi không quá 50%. Phó Chủ tịch UBND phường Đỗ Minh Thu cho biết, dù phường không có ca mắc mới phát sinh nhưng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường luôn sẵn sàng ứng trực 24/24/7 để kịp thời xử lý khi có tình huống phát sinh trên địa bàn. UBND phường đã xây dựng phương án thành lập trạm y tế lưu động, cụ thể sử dụng Trường THCS Đoàn Kết làm trạm y tế lưu động, sẵn sàng kích hoạt khi có tình huống xảy ra.

Trưởng phòng Y tế huyện Mỹ Đức Trần Ngọc Tráng cho biết, từ ngày 1-10 đến nay, 22 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tiếp nhận 1.868 người từ các khu vực có dịch trở về. Để kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, 22 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã kích hoạt 87 tổ Covid-19 cộng đồng, thành lập 82 tổ xét nghiệm Covid-19 tự nguyện và 22 trạm y tế lưu động.

Nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, huyện Ứng Hòa đã thành lập 19 khu cách ly tập trung, công suất 4.021 giường. Đồng thời, thành lập 7 trạm y tế tại 7 cụm chuyên điều trị và theo dõi các trường hợp liên quan tới Covid-19. Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng khẳng định, ngoài nhân lực, thiết bị y tế tại các xã, thị trấn, lực lượng y tế huyện được tăng cường cả về nhân lực và vật lực, đáp ứng yêu cầu theo dõi, điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Lãnh đạo huyện Ứng Hòa kiểm tra các khu cách ly tập trung và trạm y tế lưu động trên địa bàn huyện.

Thực hiện chỉ đạo của thành phố, UBND huyện Đông Anh đã thành lập 29 trạm y tế lưu động. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám, các trạm y tế được huy động nhân lực hỗ trợ từ các đoàn thể, nhân dân, dự trù đầy đủ trang thiết bị cơ sở vật chất, thuốc, vật tư... và 145 nhân viên y tế, bác sĩ về hưu, nhân viên y tế cơ quan, y tế tư nhân tham gia. Đồng thời, huyện đã tổ chức diễn tập vận hành trạm y tế lưu động tại Khu công nghiệp Thăng Long, tiếp tục hoàn thiện kịch bản diễn tập làm cơ sở để tổ chức tập huấn, diễn tập đối với các trạm y tế lưu động tại xã, thị trấn trên địa bàn.

Tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch

Khảo sát sáng 11-11 trên địa bàn phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng), phóng viên nhận thấy, lực lượng phòng, chống dịch phường vẫn duy trì công tác kiểm tra việc chấp hành quy định phòng, chống dịch của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn, kịp thời nhắc nhở khi phát hiện các cơ sở nhận khách quá 50% chỗ ngồi, không yêu cầu khách quét mã QR.

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy Lê Đình Sơn, do phường có nhiều khu vực có nguy cơ lây nhiễm dịch cao nên UBND phường một mặt tổ chức tiêm vắc xin, lấy mẫu xét nghiệm cho toàn thể dân cư để nhằm tách nguồn bệnh ra khỏi cộng đồng; mặt khác yêu cầu các lực lượng dân phòng, tổ Covid-19 cộng đồng, tổ liên gia và người dân cùng tham gia ứng trực giám sát, tuyên truyền giúp người dân, nhất là người từ địa phương khác đến, có ý thức chấp hành quy định phòng, chống dịch. Cùng với đó, phường giao lực lượng công an rà soát từng hộ dân, các đối tượng lao động tự do để nắm bắt lịch trình đi lại và trang bị máy móc, phương tiện, dụng cụ cho trạm y tế lưu động ở 134 Dương Văn Bé.

Chị Hoàng Thị Cúc, chủ quán phở ở phường Thành Công (quận Ba Đình) cho biết thêm, đã cho sửa, lắp tấm chắn giọt bắn cố định vào các bàn ăn sau khi nghe thông báo về diễn biến dịch bệnh. "Với quan điểm không lơ là, mất cảnh giác, tôi đề nghị khách hàng phải quét mã QR và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch", chị Cúc nói.

Chủ tịch UBND phường Thành Công Ngô Ngọc Lâm thông tin thêm, do trên địa bàn phường có chợ dân sinh đông đúc, khu vực hồ Thành Công và nhiều sân chơi khu tập thể... nên tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. UBND phường tăng cường công tác tuyên truyền tới người dân thực hiện tốt "5K", hàng quán tuân thủ quy định, bảo đảm giãn cách, không bán hàng quá 50% chỗ ngồi.

Cán bộ phường Phố Huế (quận Hai Bà Trưng) đi kiểm tra, nhắc nhở nhân dân phòng, chống dịch.

UBND phường Phố Huế (quận Hai Bà Trưng) cũng thành lập 2 tổ công tác phối hợp với công an phường duy trì kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền đến các hộ kinh doanh thực hiện tốt về công tác phòng, chống dịch, như tạo mã QR và sát khuẩn trước và sau khi giao dịch. Người dân cũng thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch, phường không phải xử lý vi phạm hành chính, chỉ nhắc nhở.

Tương tự, Thiếu tá Đỗ Ngọc Lộc, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông và trật tự (Công an quận Hoàn Kiếm) cho biết, Công an quận thường xuyên duy trì các tổ công tác nhắc nhở hàng quán đóng cửa sau 21h. Nhờ vậy, trong khu vực phố cổ không có hàng quán bán hàng, cũng không còn nơi thanh, thiếu niên tụ tập đông người sau 21h. Anh Tạ Văn Hùng, ở số 30 Nguyễn Văn Tố, phường Cửa Đông (quận Hoàn Kiếm) cho biết, tổ trưởng tổ dân phố đã tới từng nhà thông báo về tình hình dịch bệnh trong khu vực, nhất là những nơi tập trung đông người như hàng quán, nhà tang lễ 125 Phùng Hưng để người dân tránh.

22 xã, thị trấn của huyện Mỹ Đức đã thành lập 36 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, chợ dân sinh... để nhắc nhở, xử lý những trường hợp vi phạm quy định. Quan sát trên địa bàn các xã, thị trấn: Đại Nghĩa, An Mỹ, Phúc Lâm, Tuy Lai... sáng 11-11, phóng viên nhận thấy, phần lớn cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống in, dán và đề nghị khách hàng quét mã QR, bố trí chỗ ngồi bảo đảm khoảng cách...

Ghi nhận trên địa bàn thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa), các cửa hàng kinh doanh không quá sầm uất, lượng người đến giao thương luôn bảo đảm giãn cách. Đặc biệt, các cửa hàng như quán cà phê, ăn uống đa phần đóng cửa đúng quy định do hết khách hoặc chỉ bán mang về tập trung từ 17h đến 19h. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục rà soát, xác minh các trường hợp liên quan đến ổ dịch, về từ các vùng có dịch, sẵn sàng triển khai các hoạt động truy vết thần tốc, khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm triệt để các trường hợp có liên quan đến ca bệnh dương tính với Covid-19 trên địa bàn huyện.

Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1017107/thanh-lap-tram-y-te-luu-dong-de-ung-pho-voi-dich